.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2021

Ta cần nên ''chết thử'' một lần ?...

 

Chuyện mô tả một người giả vờ chết sau khi uống một ly nước lọc, mà người nhà tưởng ông đã uống thuốc độc để quyên sinh. Ðã hơn nửa thế kỷ qua, tôi không còn nhớ tác giả mô tả nhân vật chính trong vở kịch giả chết như thế nào và có sự phụ giúp của ai không, nhưng trong khi chờ tẩm liệm, ông được nghe và biết con cái, bà con và bạn bè của ông nói về ông và đối xử với ông như thế nào!

Bạn cứ thử tưởng tượng ra khi đã nằm trong quan tài ở nhà quàn rồi, mà bạn có thể nghe những người đến viếng, bề ngoài thắp nén nhang kính cẩn viếng bạn, nhưng sau đó lại đàn đúm chê, khen bạn hết lời, hay đứa con bất hiếu đang toan tính chi ly chia phần phí tổn tang lễ sau này cho anh em ra sao, và lăm le để ý đến cái nhà, cái xe, trương mục trong ngân hàng của bạn và rồi đây sẽ gửi người vợ già của bạn vào nhà dưỡng lão nào?

Giá người ta có thể chết thử một lần rồi sống lại thì sướng biết mấy? Bạn sẽ biết có bao nhiêu trang báo chia buồn, sẽ có bao nhiêu tràng hoa viếng, bao nhiêu người tiễn chân bạn đến mộ phần. Sẽ có bao nhiêu người vui mừng khi nghe tin bạn qua đời, và sẽ có những ai thương yêu thật sự, bàng hoàng, tiếc nuối về sự ra đi của bạn. Thế giới này không còn sự hiện hữu của bạn có thay đổi gì không?

Nhưng người ta chỉ có thể chết một lần, nên mọi điều xẩy ra sau cái chết, vui buồn, xấu tốt, bạn không thể nào biết được, nếu chết là hết. Thôi như thế cũng hay! Nếu biết những gì xẩy ra sau cái chết của bạn, có hai điều xẩy ra, một là bạn muốn chết phứt đi cho xong, hai là lại yêu cuộc sống này hơn. Tôi nghĩ là bạn sẽ chọn điều thứ hai, vì dầu sao cuộc sống này cũng không đến nỗi nào đáng ghét.

- Một văn phòng dịch vụ ở Hán Thành, Nam Hàn có sáng kiến là sẽ tạo cơ hội cho khách hàng qua một lần chết thử, để thấy cảm giác nó ra sao, cũng như quan niệm về sự sống có gì thay đổi, khi bạn, coi như từ cõi chết, sống trở lại, dở nắp hòm ngồi dậy. Ông Ha Yu-soo, 62 tuổi là một người khách hàng của dịch vụ chết thử. Ông mặc một bộ quốc phục dành cho người chết khi tẩm liệm, nằm thẳng trong quan tài chiếc quan tài chật hẹp, ông không cảm thấy điều gì khác lạ thay đổi, cho đến khi nắp quan tài được đóng lại và nghe tiếng búa gõ trên nắp hòm. Trong bóng tối vây tỏa, lặng câm, ông cảm thấy sợ hãi vô cùng, tưởng như mình đã chết thật. Những giây phút trong bóng tối dày đặc đó, những ý nghĩ chết chóc ập đến, và bao nhiêu ý nghĩ hiện lên trong đầu óc ông. Nhưng may, ông đã trấn an mình: “Ðây chỉ là một sự chết giả mà thôi!” Lạy trời, đẹp đẽ biết bao khi ta vẫn còn sống! Từ “phút chết” trong bóng tối bước ra ngoài ánh sáng của sự sống, trong tâm hồn ông đã có một sự thay đổi lớn.

Ban tổ chức khóa học chết thử, cho biết, kinh nghiệm về cảm giác sắp chết sẽ mang lại ý nghĩa về sự sống cho tất cả mọi người, bất kể họ già hay trẻ, thuộc tầng lớp nào trong xã hội.

Sau khi chết thử, những người này cảm thấy sự sống đáng quý hơn, những người chung quanh mình đáng yêu hơn, tha thứ mọi lỗi lầm của kẻ khác. Ðiều này cũng như sau khi thoát chết trong một tai nạn thảm khốc nào đó, con người trở nên hiền lương, bỏ mọi sự tham lam, cố chấp hẹp hòi, và mở rộng tấm lòng hơn đối với tha nhân.

Nhiều người đã thay đổi sau khi họ thoát chết từ vụ tháp đôi ở New York hay từ vụ Tsunami mới đây của nước Nhật. Chúng ta sẽ ôm hôn mọi người, xem cái tôi từ nay là hạt cát, chúng ta sẽ không còn kẻ thù, không còn ai để ghét bỏ. Ngoài đường phố sáng nay sao thấy ai mặt mày cũng trung hậu, dễ thương, chúng ta muốn chào hỏi với cả thiên hạ, bắt tay mọi người và la lớn ở góc phố như một thằng điên: “Tôi vẫn còn sống! Tôi yêu thương hết thảy mọi người!”

Khi nằm trong quan tài “chết thử” có thể người ta sẽ nghĩ đến những việc lâu nay chưa làm, những món tiền chưa tiêu hết, những điều chưa nói với ai đó. Trước khi chết, bạn sẽ viết thư cho ai, để lại chúc thư như thế nào, nói những lời trăn trối ra sao? Một người trước khi chết thử đã viết cho con: “Ngay cả khi cha không còn trên cõi đời này, mong các con hãy hòa thuận và đối xử với nhau tử tế hơn!” Một bệnh nhân ung thư đang ở vào thời kỳ cuối cùng, cho biết, việc trải nghiệm cái chết thử làm bà cảm thấy thương yêu hơn đối với những người xung quanh. Bà hứa “sẽ từ bỏ thói tham lam, ích kỷ với chồng và yêu con cái nhiều hơn”.

Ðó chỉ mới là chuyện “chết thử!”. Còn như, bằng cách nào đó bạn biết rằng chỉ còn 24 giờ đồng hồ nữa thôi, bạn sẽ thở hơi thở cuối cùng, giã từ cuộc đời đẹp đẽ này, thì bạn sẽ làm gì, suy nghĩ ra sao, đối xử với mọi người như thế nào? Trong trương mục ngân hàng, bạn có nửa triệu đồng chưa tiêu hết, bạn sẽ phân bố như thế nào, cho ai? Bạn chưa kịp nói với ai một lời xin lỗi, chưa kịp nói với ai một lời yêu thương. Trong sự hối hả của chút thời gian còn lại, bạn hối tiếc những gì, ân hận điều chi? Có những người trong gian trá, lừa lọc kiếm đồng tiền bất chính, để trở nên giàu có, có những kẻ đạp lên đầu người khác để tìm chỗ tiến thân cho mình, tiền của, danh vọng nào có thể mang theo?

Không, cũng như những người chết khác, bạn sẽ ra đi tay không? Chỉ còn 24 tiếng đồng hồ ngắn ngủi nữa thôi, dù có vội vàng, chúng ta cũng không làm kịp những điều chưa làm, sửa đổi kịp những điều lầm lỗi. Ðó là trường hợp chỉ một mình bạn ra đi. Những nhà tiên tri trên thế giới này loan báo về một ngày tận thế, dù đã sai nhiều lần và nói đi nói lại nhiều lần, đến nỗi những lời tiên tri đã trở thành một trò bịp nhảm nhí, nhưng phần tôi, tôi vẫn tin sẽ có ngày như thế.

Chúng ta đã thấy cảnh tượng bình địa ở Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8-1945, khi hai quả bom nguyên tử rơi xuống đã giết khoảng 210, 000 người. Trận sóng thần tồi tệ nhất trong lịch sử được ghi nhận là tại Ấn Ðộ Ðương vào năm 2004 đã gây cảnh hoang tàn và giết chết 230,000 người ở 11 quốc gia. Tsunami ở Nhật năm 2011 làm thiệt mạng hơn 20,000 người và những quang cảnh chúng ta thấy ở miền Bắc nước Nhật không khác gì một bãi rác khổng lồ. Ðó chính là hình ảnh cho ta thấy trước những gì sẻ xẩy ra trong ngày tận thế.

Ðến một ngày nào đó quả đất này sẽ nổ tung hay tất cả các băng sơn ở Bắc Băng Dương sẽ tan rã, nhận chìm địa cầu này dưới hai mươi thước nước. Sẽ không còn một sinh vật nào trên trái đất này nữa! Nếu có một ngày như thế sẽ đến ngay ngày mai đây thôi, liệu chúng ta có sống được một ngày tốt hơn, ngay thẳng hơn, tử tế với đồng loại của chúng ta hay không? Không cần phải chết thử, mỗi người chúng ta đều phải đến một ngày chết thật!

Sáng sớm vào hộp thư nhận được một lá thư chứa câu truyện trên đây...chợt nhận ra bấy lâu mình sống quá cố chấp...luôn giữ lại những đối xử tệ của tha nhân đối với mình mà không bao giờ muốn "buông" dù chẳng biết để làm gì....đúng thật là niết bàn hay địa ngục cũng do chính mỗi người cảm vời ra rồi tự đày ải mình ngay khi còn sống....Biết thế nhưng sự tổn thương và vết thương vẫn còn đó và không lành lặn đôi khi làm mình yếu đuối...

- Bây giờ giả thử chỉ còn một ngày để sống....tôi muốn nói với mọi người tôi đã từng yêu thương, đã từng bạn bè rồi sau đó không là bạn bè nữa....rằng tôi yêu những cái tốt đẹp từng có và tôi sẽ quên hết những gì còn lại....Tôi luôn cầu mong hạnh phúc đến với mọi người trong cuộc sống vốn vô cùng mong manh ngắn ngủi này, hãy tận hưởng tận hiến khi xây dựng nó...cuộc sống của các bạn ấy mà....

- Hãy cứ là loài người không hiểu được ý nghĩa thật sự ngôn ngữ của loài chim...chỉ thấy mỗi giọng chim hót lên đều là những nốt nhạc, những bản nhạc yêu đời từ bình minh đến đêm tối...

 

NGỌN SÓNG MÙ

 

Biển ngàn năm sóng vỗ

Nước tìm về đại dương

Rồi quên mình, tha phương

Sóng vô thường, lãng đãng.

 

Đời rêu phong năm tháng

Mưa, nắng phủ quanh hồn

Sóng chưa lúc mỏi, chồn..

Trên lối về tay trắng.

 

Phút đi hoang dừng lặng

Ngắm biển chiều phôi pha,

Thấy dã tràng nho nhỏ

Chết khô vì.. thiết tha...

 

Mượn thân từ cát bụi

Xây mộng đời thiên thu.

Sóng tan thành giọt lệ

Bên cõi bờ thực, hư.

 

Chiều lao xao sóng vỗ

Hoát nhiên nghe sóng cười

Tử sinh loang từ độ

Với vọng tình rong chơi!

 

Như Nhiên - TT Tuệ


Người hạnh phúc không phải là không có lo lắng mà là có trí tuệ của sự hiểu biết và sẵn sàng buông bỏ những mưu cầu viển vông, xiềng xích danh lợi. Nếu có thể hãy bỏ nó xuống.

Vào thời xa xưa, có một người đàn ông tham lam tiền bạc, đi trên một chiếc thuyền với một túi vàng lớn trên lưng. Không ngờ khi thuyền ra đến giữa sông thì có gió lớn, thấy thuyền sắp bị sóng gió lật úp, người chèo thuyền hét lên: “Mau vứt vàng trong tay đi! "

Nếu được vứt bỏ kịp thời, thân tàu sẽ trở nên nhẹ hơn và vẫn còn một tia sáng của sự sống, tuy nhiên, dù người lái đò có la hét thế nào thì người đàn ông cũng không bao giờ buông vàng trong tay. Cuối cùng, con tàu bị chìm khiến cả người đàn ông và người chèo thuyền mất mạng.

Thoạt nhìn câu chuyện này không ít người cảm thấy khó hiểu, trên đời làm sao lại có người ngốc nghếch như vậy?

Chỉ khi trưởng thành, chúng ta mới hiểu, chúng ta bị lôi cuốn bởi danh vọng và tài sản nhưng mệt mỏi với danh và tài sản. Theo đuổi của cải nhưng bị nô lệ bởi vật chất. Bám víu vào tình cảm nên dễ bị tổn thương.


Ảnh minh họa. 

Có một người thành công đến thăm một giáo sư cao cấp và nói rằng ông ấy rất nổi tiếng nhưng luôn cảm thấy mệt mỏi.

Giáo sư hỏi: "Bạn đang làm gì mỗi ngày?"

Người đó trả lời: "Tôi bận rộn với nhiều hoạt động xã hội hàng ngày, tôi phải đối mặt với đủ loại người. Tôi thực sự cảm thấy không biết phải làm thế nào”.

Giáo sư chỉ im lăng rồi dẫn người đàn ông vào căn phòng chứa quần áo, bảo anh ta mặc tất cả quần áo trên người và nói: "Sau khi anh mặc vào, phiền phức của anh sẽ được giải quyết”.

Người đàn ông thắc mắc: "Tôi đang mặc đủ quần áo. Mặc thêm nữa cũng vô ích, huống chi trên người tôi mặc nhiều quần áo như vậy, khi đi lại trông sẽ không cồng kềnh hơn sao?"

Giáo sư nói: “Anh biết sự thật mặc nhiều đồ sẽ khó chịu, tại sao lại tự mình đeo nhiều gông cùm vào mình? Anh không phải là một nhà giao tiếp hay một nhà hùng biện, tại sao anh phải đóng quá nhiều vai trò và khiến bản thân bị choáng ngợp?”.

Con người sống trên đời, càng mang nhiều thì càng dễ mất. Khó khăn của cuộc sống là phải cân nhắc đánh đổi. Cho dù bạn có hạnh phúc hay không, cuộc sống của bạn là một vòng luân hồi giữa được và mất.

Trong nhiều trường hợp, tự do là khi bạn biết buông bỏ. Bỏ cuộc đôi khi là cách để giảm bớt gánh nặng cho cuộc sống. Chỉ khi bạn dám trút bỏ gánh nặng và nhẹ nhàng tiến về phía trước, bạn mới có thể thấy được một cảnh sắc khác của cuộc đời. Hạnh phúc không bao giờ phụ thuộc vào việc bạn có bao nhiêu, mà phụ thuộc vào việc bạn cho đi bao nhiêu.

Sưu Tầm


VIẾT TÀO LAO TRONG BUỔI CHIỀU



Con người ta hình như đến một tuổi nào đó sẽ ngộ ra rằng cuộc đời thật ra chẳng có gì quan trọng. Cuối cùng rồi như nhau cả. Bạn có thể có một cuộc đời sung sướng, hạnh phúc hay bạn đã phải lầm than, nghèo túng, khổ đau. Cuối con đường có khác gì nhau đâu. Lúc xuôi tay, quân vương hay kẻ cơ hàn đều là sự giã biệt. Có thể có kẻ sẽ có tiền hô hậu ủng, kèn trống vang trời. Có người bó trong chiếc chiếc chiếu rách đi giữa mưa rơi. Nhưng cả hai đều chẳng còn biết gì, tất cả đều đang làm cho người sống.

Đến một tuổi nào đó, người ra sẽ nghiệm thấy rằng cuộc đời chỉ là con số không to tướng. Sinh ra, lớn lên, già đi rồi mất hút. Mọi thứ danh vọng chỉ là trò hư ảo. Mọi thứ của cải làm ra cũng chỉ là thứ phù phiếm có rồi mất. Mọi thứ hoan lạc hay khổ ải cũng chỉ là gia vị của cuộc đời. Sinh ra thì phải sống, phải chiến đấu để tồn tại, phải khát vọng để vươn lên. Thế rồi, khi tuổi già đã tới, những bi kịch của tàn phai tác động đến mỗi người, sẽ thấy hoá ra mình đã bỏ cả tuổi thanh xuân để chạy theo toàn những thứ ảo vọng. Tranh dành nhau cái danh, lấn lướt nhau đoạt lợi. Được danh lợi rồi lại tham vọng nhiều hơn, lớn hơn. Cuối cùng cũng chỉ là một cuộc chơi, để rồi trắng tay lúc trở về cát bụi.

Đến một thời điểm nào đó của cuộc sống, nhìn lại đọan đường ta đã đi, ta phát hiện ta chỉ để lại lắm điều lầm lỗi. Lầm lỗi với cha mẹ, với những người thân yêu. Lầm lỗi với bạn bè, với xã hội. Lầm lỗi với những người ta đã gặp, những người đã đi qua đời ta. Tất cả đều do cái tôi quá lớn của mỗi người. Không biết quên mình mà chỉ sống cho mình. Do vậy, những suy nghĩ và hành động ích kỷ cứ mãi quẩn quanh để đưa đến lỗi lầm tiếp nối nhau.

 Sống đến tuổi nào đó, người ta mới hiểu được rằng tự thắng được mình mới là điều quan trọng. Tuổi trẻ háo thắng chỉ chăm chăm thắng người, hơn người. Cảm thấy tự mãn và sung sướng trong thắng lợi. Có biết đâu rằng cái thắng lợi mình có là cái thất bại và đớn đau cho người khác. Đâu có biết rằng chính cái thắng lợi ấy là chiếc bẫy tiếp theo của cuộc đời mình. Trong mọi hoàn cảnh, tự thắng chính mình là điều khó nhất. Làm được điều đó là ta đã có thể tự hào.

Đến một tuổi nào đó, người ta mới hiểu được rằng lắng nghe mới là điều cần thiết. Biết lắng nghe là biết thu thập cả thế giới cho riêng mình. Biết lắng nghe thì mới phân biệt được phải trái phân minh. Biết lắng nghe thì mới có chia sẻ. Muốn lắng nghe thì phải học im lặng. Con người ta chỉ mất vài năm để học nói, nhưng mất cả đời để học im lặng. Im lặng để lắng nghe. Không chỉ lắng nghe ngôn ngữ của con người, ta phải tập lắng nghe tiếng của thiên nhiên, tiếng của cỏ cây, giun dế, của gió, của nắng, của mưa bão. Tiếng sóng vỗ, tiếng chim kêu đều mang lại cho ta những cảm xúc của cuộc đời. Thiếu chúng nó, cuộc đời chỉ là khoảng trống vô vị.

Tới một tuổi nào đó, con người nên đến với thế nhân bằng những nụ cười. Hãy cười với nhau bằng tâm hồn mở tất cả các cửa, với tấm lòng thân thiện. Hãy chào nhau dù chỉ gặp một lần vì biết đâu ngày mai không còn cơ hội để gặp, không còn dịp để gởi nhau nụ cười. Sinh tử là ranh giới mỏng manh. Đời vốn vô thường. Già sẽ đưa đến tật bệnh, bệnh làm cho người ta héo úa, đau đớn khó chịu. Nếu lạc quan và trang bị nụ cười với mọi người, nỗi đau sẽ giảm đi, héo úa sẽ bớt đi, nụ cười chính là son phấn trang điểm cho tuổi già.

Đến một tuổi nào đó, con người sẽ hiểu được rằng điều cơ bản của con người là sự cô đơn. Con người sinh ra một mình và mất đi cũng chỉ một mình. Không ai sống thay ta và cũng chẳng ai chết thay ta. Gia đình, chồng vợ, con cái, bạn bè đều là người thân đấy, nhưng mỗi người có một cuộc sống, mỗi người có mỗi số phận và định mệnh riêng. Do vậy, mỗi người phải tự quyết định đời mình, không chờ đợi một ai có thể thay mình. Trong hành trình sống, con người là một thực thể cô độc, không ai hoán đổi được. Tới tuổi già chính là lúc gặm nhấm nỗi cô đơn nhiều nhất.

Tới một lúc nào đó, người ta hiểu được là sống là để làm cho đủ bốn bổn phận đối với cuộc đời. Bổn phận với quá khứ là trả hiếu với mẹ cha. Bổn phận với tương lai là nuôi dạy con cái. Bổn phận với cuộc sống là giúp đỡ kẻ hoạn nạn, yêu thương mọi người và cuối cùng là bổn phận lấp đầy đời mình bằng tiêu pha, sinh hoạt hàng ngày. Con người làm ra tiền dù ít hay nhiều cũng chỉ quẩn quanh từng đó bổn phận. Có kẻ làm không đủ thì là thiếu trách nhiệm. Thế cho nên làm người là làm tròn bổn phận. Tới tuổi già, làm xong bổn phận ta có thể ung dung để hưởng những ngày còn lại trong sự thanh thản.

Đến một lúc nào đó người ta sẽ có những nuối tiếc. Tiếc vì chưa làm được những điều muốn làm, chưa đến được những nơi muốn đến. Quỹ thời gian không còn, chuyến tàu sầm sập đến hoàng hôn. Chợt giật mình thời gian quá ngắn. Bởi thế nên muốn làm gì thì làm ngay, muốn đi đâu thì đừng lần lửa. Có ước muốn thì hãy thực hiện, kể cả việc trả thù một ai đó. Nhưng mà 
nếu tha thứ được thì nên tha thứnếu quên được thì nên quên. 

Sống tập quên cái cần quên cũng là một thứ thuốc chữa tâm hồn. Nhớ nhiều chỉ vác nặng. Sống mà mang nặng quá chỉ khổ thân.

Đỗ Duy Ngọc

 

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.