Vợ đi làm sớm. Con đi học. Nhà vắng tanh, buồn hiu! Đang nằm thơ thẩn nhìn giàn bông tỏi xanh um, trổ bông tím trước sân nhà, tôi lại nghe tiếng rao quen thuộc của chị bán bánh dạo trong xóm… “Bánh mì đây! Bánh mì nóng giòn đây...”. Bất chợt bao nhiêu kỷ niệm, hồi ức thân thương của tuổi thơ trong tôi lại ào ạt tràn về!
Hồi nhỏ, tôi thường lén lên sân thượng nhà nội tôi – bác Ba tôi – là rạp hát Nhị Trưng, chơi thơ thẩn mình ên. Nhấp nhô trên những mái ngói rêu phong, nổi bật một ống khói vuông, cao, xây bằng gạch thẻ, ám khói đen sì của lò bánh mì gần nhà. Sáng sớm, lò nổi lửa, hơi nóng bốc cao trên ống khói làm lung linh, lay động, xao xuyến cả vòm mây trắng bềnh bồng và hàng cây dầu xanh um mờ ảo trồng dọc bờ kinh.
Thấy khói lò bốc cao là biết sắp có bánh mì mới ra lò nóng hổi, tôi mừng húm chạy xuống lầu, xin tiền ba má, để đến lò bánh mì Quảng Tam Thái mua bánh. Lò chỉ cách nhà bác tôi gần chục căn phố, gần góc đường Hai Bà Trưng – Phan Chu Trinh bây giờ. Chủ tiệm bánh là phụ nữ người Hoa luống tuổi. Dáng bà mập mạp, tóc trắng búi cao. Đặc biệt nổi bật trên gương mặt trắng trẻo, bà chỉ có duy nhất một con mắt mở to, đang nhìn hiền dịu đám con nít trong xóm. Khách đến mua bánh, bà để yên cho con cháu mặc áo thun 3 lỗ, lăng xăng mua bán. Bà chỉ ngồi tính tiền. Còn đám con nít trong xóm, bà cho phép chúng tôi vào nhà, thọc tay vô giỏ cần xé, lựa bánh mì mới ra lò nóng hổi! Ôi thích ơi là thích!...
Thông thường tôi chỉ thấy bà ngồi một chỗ, trên chiếc ghế gỗ cao, đặt gọn ghẽ bên góc tường, kê với chiếc tủ lớn đựng bánh. Tủ này lớn lắm, chiếm hơn nửa mặt tiền căn phố. Chỉ đôi lần hiếm hoi lắm, tôi mới bắt gặp bà đi lại vài bước trong nhà. Bà bước chân ngắn với dáng đi liêu xiêu, phục phịch, khó khăn…
Ba tôi bảo: “Tội nghiệp bà “Quảng”. Hồi nhỏ bà bị tục bó chân của phụ nữ người Hoa, để lại di chứng đến bây giờ, bà lớn tuổi rồi còn đi đứng chậm chạp, khó khăn”… Nghe ba giải thích, khi ăn bánh mì nướng lò Quảng Tam Thái của bà, tôi càng thấy thơm, ngon, giòn, xốp vô cùng. Đặc biệt nhất trong tủ lọng kiếng của bà còn có những bọc bánh mì sấy vô cùng hấp dẫn. Nhưng cũng mắc tiền hơn! Đó là loại bánh mì cũ, xắt lát mỏng được chủ lò cẩn thận đem sấy lại cho vàng, giòn đều hai mặt bánh rồi rắc đường cát trắng mịn, nổi hột li ti trên miếng bánh mì.
Bánh mì sấy lò bà “Quảng” ăn rất thơm, ngọt, giòn xốp xộp, phao tan trong miệng. Nó chỉ thua chút xíu vị ngọt của mạch nha, mùi thơm và béo đậm của mè trắng… là loại bánh mè láo nổi tiếng của Vũng Thơm!...
Ngoài lò bánh mì củi truyền thống, trong tỉnh còn xuất hiện lò bánh mì điện Chánh Phong trên đường Nguyễn Huỳnh Đức. Nay là đường Nguyễn Văn Trỗi gần lò tương Hiệp Hương bây giờ. Kế đến là lò bánh mì điện Nam Đô, loại bánh mì điện này, nhờ kiểm soát được “độ lửa” nóng đều, nên ổ bánh trông săn chắc, vỏ bánh vàng sậm nên ăn ngon hơn, giòn hơn bánh mì lò củi.
Sau 1975, thời bao cấp, nhu cầu lương thực cấp phát theo tem phiếu, mỗi nhà được cấp sổ gạo hàng tháng, nhưng thiếu gạo, bà con đều phải lãnh độn thêm bo bo cho đủ khẩu phần lương thực trong gia đình.
Có lần ba tôi đem mớ gạo bo bo trong nhà gửi chủ lò bánh mì quen ở Phường 4, xay bột làm bánh mì. Chiều đi học về, mưa lạnh, thèm ăn bánh mì trừ cơm! Ba tôi biết ý, ba chịu khó ra lò quen lãnh bánh mì để trừ dần theo sổ gạo. Nhà tôi có 6 người, ba chỉ lấy 5 ổ bánh mì cho vợ con. Ba tôi nhịn. Ba mỉm cười nhìn vợ con ăn uống “no đủ” là ba mãn nguyện, vui lắm rồi!... Loại bánh mì bo bo lò củi này, ăn cũng giòn xốp, rất ngon, ngon tuyệt trần đời! Vì thuở ấy bà con và gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn!
Ngày nay, các lò bánh mì điện được dịp phất lên mạnh mẽ như lò bánh mì Nam Đô, Nguyên Trân, Quảng Sanh Thái… bên cạnh đó các lò bánh mì lò củi vẫn tồn tại, phát triển, các lò chế biến ra đủ loại bánh mì lạt, bánh mì ngọt, bánh mì dừa, bánh mì que... Đó là những loại bánh ngon, vô cùng hấp dẫn với mọi người, từ người lớn đến trẻ con, ai cũng được dịp tha hồ lựa chọn, tùy thích.
Giờ đây, món bánh mì kẹo thịt và chả của những xe bánh mì là món “cơm tay cầm” cho học sinh và mọi người điểm tâm nhanh buổi sáng. Là nỗi ấm lòng “lót dạ” của chị em công nhân tan ca muộn và những người lao động, mua bán trong các khu chợ rau cải, chợ thịt, chợ cá… trong thành phố lúc về đêm!...
Bánh mì còn gắn liền với hình ảnh tảo tần, mưu sinh vất vả của bao người nghèo khó như chị gánh bán dạo bánh mì cá mòi trong đêm, các xe bánh mì thịt nằm im lìm chờ khách bên góc phố! Đặc biệt nhất là hình ảnh các anh, các chị phụ nữ luống tuổi, sớm khuya chở cần xé bánh mì không. Họ chịu khó len lỏi khắp nơi từ thành thị đến thôn quê để bán bánh, mong kiếm chút đồng lời đắp đổi cho gia đình!
Bất chợt trong tôi lại hiện lên gương mặt hiền từ, phúc hậu của bà “Quảng” năm xưa với bao cảm xúc ngọt lành, thơm thảo của ổ bánh mì lò củi năm nào!
VƯƠNG KHÁNH HƯNG
HỦ TÍU XÀO MỠ, BÁNH XẦY… GIÁ CHỈ 1 XU!
“Đặc biệt nhất của chợ Bãi Xàu là hủ tíu xào mỡ, mỗi dĩa một đồng xu… Đến giờ ra chơi, học trò trường Primaire Sốc Trăng phải chạy cho kịp mua giành mua giựt cái bánh xầy của chị Năm Bồi, giá cũng chỉ 1 xu (bạc lối năm 1910)“ – Trích hồi ký cụ Vương Hồng Sển trong cuốn “Hậu Giang – Ba Thắc“.
Tôi sanh trưởng miền quê đất Hậu giang, tôi chỉ biết nhớ tỉnh nhà Sốc Trăng và hiện khi đang ngồi viết, tôi nhớ đáo để cái chợ nhỏ Bãi Xàu. (thị trấn Mỹ Xuyên ngày nay). “Hỏi anh có nhớ Bãi Xàu
Bánh xầy chiên mỡ, bánh bao thịt bằm“.
Bãi Xàu ngày nay – trước năm 1965 – rất phồn thịnh vì đây là chợ lúa gạo trong xứ, chỗ dự trữ lúa gạo đủ số có ghe chài vận chuyển lên Chợ Lớn, xay ra gạo cho chúng ta ăn. Lúa miệt đồng Bưng Xa Mo, đồng Trà Thê, đồng Mã Tộc, Giồng Có… đều qui tụ về đây – Sau này trước năm 1975, tại đây còn có ông Huỳnh Yến Truyền là chủ vựa lúa gạo lớn. Ông xứng danh là “vua“ lúa gạo miền Tây, để bán lúa gạo trên Sài Gòn và xuất khẩu.
“Nhưng đối với tôi, Bãi Xàu là kỷ niệm buổi ấu thơ thời xưa, những ngày tắm nắng hớt cá lia thia, theo chân cô bác dở nò bắt cua biển, lội vô vườn mua mía cây, bắp rẫy… Và đặc biệt nhất của chợ Bãi Xàu là hủ tíu xào mỡ, mỗi dĩa một đồng xu! (bạc lối năm 1910), đếm được 3 cọng hẹ, vài tép mỡ, duy hủ tíu thì một dĩa ê hề no bụng. Hủ tíu xào mỡ, chan nước mắm cho vừa, lua vô miệng, ngon không thể tả. Ngày nay tiền có dư nhưng tuổi cũng theo tiền chồng chất, cao lương mỹ vị quen mùi, nhưng lại bắt thèm hủ tíu xào mỡ, không tôm không thịt!
“Còn một thứ bánh nữa là bánh xầy (bánh cống). Bãi Xàu nguyên là xứ tép tôm, nên bánh xầy ở đây chiên để 2 con tép trên mỗi bánh và chiên bằng mỡ heo, chớ không chiên bằng dầu nên cái bánh thơm ngon.
Bánh xầy không biết của xứ nào phát minh: Khmer, Chệc hay Ta? Và tùy địa phương mỗi người gọi cái bánh một cách khác: Sốc Trăng, Bạc Liêu, Bãi Xàu gọi nó là bánh xầy (bánh cống). Nhưng khi chiên với bột nhưn giá thì gọi là bánh giá. Còn nhưn bột đậu xanh để nguyên vỏ mới gọi là bánh xầy. Ở Tri Tôn (Châu Đốc) lại gọi bánh Xà Tún. Lên đến Sài Gòn bánh đổi tên là bánh tôm khô chiên, để ăn kèm với bánh cuốn không nhưn của mấy mụ xẩm già bán dạo.
Thỉnh thoảng tôi vẫn ăn nhưng không làm sao cho tôi quên được cái bánh xầy quê hương. Và mỗi lần về quê nhà thăm tổ phụ, mỗi sáng tôi đều ních vài ba cái bánh xầy để nhớ lại cái tuổi hường tuổi xanh.
Mà tôi nhớ hơn hết là bánh xầy của chị Năm Bồi bán nơi sân trường “con trai“ cho học trò trường Primaire – Nay là khu vực Quảng trường Bạch Đằng. Tại đây còn sót lại vài cây dầu và cây đa là di tích cũ của trường “con trai“ Sốc Trăng xưa - Lúc ấy bọn tôi ngồi học mà trông cho mau tới giờ ra chơi, để chạy cho kịp mà mua giành mua giựt cái bánh xầy một xu, chan cho ngập nước mắm ớt, không chan kịp thì cứ thả nguyên cái bánh vào tô nước mắm cho nó càng thấm càng hay.
Bánh cắn nóng hổi và dòn khớu, cắn một miếng nước mắm chảy vào cổ ngọt xớt, nuốt tới đâu nó khoái tới đó. Nhứt là gặp buổi trời mưa lâm râm, bà Đốc chằn “Mme F. Gros“ bắt nhổ cỏ vườn rau, mình nhổ đại một cây củ cải non, không cần rửa ráy, phủi sơ sịa bằng tay cho sạch cát đất, rồi cắn chung với bánh xầy thì nó ngon thấu trời, không bánh Tây, bánh Mỹ nào bằng.
Bãi Xàu, Sốc Trăng hai nơi kỷ niệm tuổi thơ ấu. Ngày nay đối với tôi đã xa xăm, biết bao giờ tôi có dịp trở lại buổi xưa, nếm dĩa hủ tíu xào mỡ, nếm cái bánh xầy như lúc chưa mười tuổi.
Trích hồi ký cụ Vương Hồng Sển trong cuốn “Hậu Giang – Ba Thắc“.