.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

09 tháng 10 2024

TRUYỆN.




TÔI CÓ TRƯỚC HAY DĨ VÃNG CÓ TRƯỚC?…

Khi tôi biết đóng thẳng chiếc đinh đầu tiên lên tường, má lắc đầu thở dài.
- Đàn bà, chỉ nên biết những thứ trong chừng mực mình cần biết. Đàn ông lấy một người đàn bà, chứ không ai tự cưới cho mình một người đàn ông nữa trong nhà đâu con.
Tôi cười, thấy mình chua chát với ý nghĩa nhân sinh của kiếp đàn bà.
- Con chỉ cố sống mạnh mẽ như má thôi mà.
- Đâu cần phải thế, hở con?
Má là người đàn bà từng trải, và má hiểu một người đàn bà cần những gì đủ chỉ để làm một người đàn bà. Nhưng tôi chỉ mới là một đứa con gái mới phát tướng làm thiếu nữ. Tôi đang đi theo một bản năng dẫn dắt. Đi theo thứ bản năng dư thừa cảm thức nhưng lại thiếu lý trí, nên có lẽ mọi thứ trở nên quá mù mờ.
***
Má nói đàn bà cần nhiều nhất là sự nhẫn nhịn. Tôi không có sự nhẫn nhịn lành tính của đàn bà. Mỗi lần bắt gặp tôi đánh nhau với một thằng con trai trong xóm, bao giờ má cũng mặc kệ tụi nó đánh tôi bầm tím tay chân. Má mang tôi về, vừa tha thuốc dấu, vừa cằn nhằn.
- Đàn bà con gái, chỉ nên nói những thứ người khác muốn nghe. Đừng có lắm lời, cãi nhiều chỉ khổ thân.
Má vừa xoa chỗ bầm, vừa lẩm bẩm khuyên nhủ. Những cục máu biến màu dưới da tôi tan đi. Lời của má nói cũng lảng vảng loang dần, như những bóng ma khói sương trong buổi chiều cô tịch, nắng đổ dài lên nóc tranh của ngôi nhà thiếu hơi đàn ông.
***
Tình yêu tới, đôi khi như một kẻ du lịch lạc loài và không được chào đón. Những bà thầy bói nửa thánh nửa tà phán, số tôi lấy chồng lớn tuổi. Người nói vía tôi nặng, nên cần người lớn tuổi hơn tôi gánh vác.. Người nói tiền kiếp tôi sinh trong một nhà hiếm muộn, được phước lộc nhiều nên kiếp này phải đầu thai vào một gia đình chồng… muộn vợ để trả ơn. Má dẫn tôi qua từng ấy chỗ, mỗi cái Tết mỗi bà thầy. Lần nào má cũng chỉ thở dài, vắn tắt nói cảm ơn, vén tấm rèm bốc mùi nhang trầm hoai hoải.
- Về con. Chắc chỉ nói vậy thôi. Chồng con là duyên số!
Càng lớn, tôi càng thấy má lẩn thẩn. Nhưng niềm tin của má vào những lời phán u u mê mê hoặc, nửa trần thế nửa địa phủ kia càng lớn lên. Má dòm ngó những người xúm xít quanh tôi. Má dang cánh như gà mẹ che cho gà con trước mỏ diều hâu.
- Má à! Con lớn rồi mà.
- Ai mà biết lớn rồi thì còn chuyện gì nữa?
- Chuyện gì tới nó tới má à!
- Kệ tao. Lo kệ tao lo….
Má dỗi. Mái tóc trắng một nửa của má rung rung lấp ló những đốm sáng lanh chanh nhảy nhòa cả mắt.
***
Tôi yêu bạn cùng lớp đại học, hơn tôi hai tuổi, ma mãnh hơn, thông minh hơn, nhưng không đủ già để có thể trở thành chồng tôi như dự kiến của thánh thần và những thiên sứ mặc áo thụng đen, nói lào khào trong hương nhang khói mù mịt của họ. Tôi không kể cho Thức nghe về những lời phán nguyền về số phận đường tình duyên sau này của mình. Tôi đang yêu, yêu mãnh liệt và tự do, yêu không cần ngày mai sẽ còn có thế giới này hay không. Tình yêu không toan tính thường chỉ sống qua từng ngày, chứ không dài theo năm tháng và những kích thước có thể ước lược của không gian.
Thức đóng những mắc đinh trên tường chắc chắn hơn. Những nụ hôn ngẫu hứng nồng nàn và ngọt. Thỉnh thoảng, Thức nếm những vá canh âm ấm trên bệ bếp cùng tôi, môi chạm môi.
Nhà Thức ở phố. Những hôm không học ở Thủ Đức, Thức rủ tôi lên Văn Khoa ở đường Đinh Tiên Hoàng ngồi. Từ khi trường xây khu mới, wireless tràn ngập khu giảng đường lát đá hoa cương màu nâu đỏ, Thức mang thêm laptop lên trường. Sau giờ học, hai đứa lẩn quẩn vào mạng, viết blog, comment qua lại và thỉnh thoảng lén hôn nhau khuất sau bệ đá đen bóng. Thức viết những entry rất trầm uất trên blog. Tôi đọc sau những nụ hôn, bàng hoàng thấy xa lạ và hình như là không hiểu được Thức bao nhiêu.
***
Tháng năm. Những buổi học cuối kỳ ồn ào co cụm trong nắng nóng. Thức đưa tôi về nhà Thức ở phố. (Với tôi, chỉ là con phố như mọi con phố khác). Hai đứa nằm lăn ngủ ngả ngớn bên nhau. Chạng vạng. Ba Thức đi làm về, thả cặp trên bộ salon, ngay cạnh chân con chó lười biếng đang nghếch mõm lên chân hai đứa tôi ngủ ngày.
- Ăn gì chưa mà ngủ hai đứa.
Thức gãi gáy, làu bàu trong cơn mê ngủ.
- Dạ rồi… Để con ngủ đi mà…
7 giờ tối. Thức đưa tôi về. Ngôi nhà u u sáng hai ô cửa sổ phòng phía Tây, như đôi mắt nhoài theo bóng đêm để bắt chân mặt trời ở lại.
***
Sài Gòn bắt đầu đẫm mình trong những cơn mưa. Thức chở tôi ào qua những khung kính lấp lánh nước no nê ánh đèn. Sau lưng, gió bị bỏ rơi hực lên những hồi vụt vụt không rõ là giận hờn hay tức tối.
Tôi ở nhà trọ cấp bốn. Thức ở nhà mặt phố có sân và những con chó lười biếng sủa dăm ba tiếng đáp lại chuông cửa rồi thôi. Đôi khi, hai đứa cứ chở nhau chạy đi chạy về giữa hai nơi. Tôi bảo, khi nào đoạn đường này ngắn bằng một centimet chúng tôi sẽ lấy nhau. Thức nhìn trừng trừng vào những khóm hoa má Thức trồng trong chậu kiểng của ba. Chúng chết khô, quẹo đầu vào nhau… Những lúc như vậy tôi thấy Thức xa xôi, như một cái bóng mờ trong những cơn ác mộng, cứ bám mãi sau lưng, nhưng tôi lại chẳng bao giờ với tới được.
***
Sinh nhật Thức hai mươi ba tuổi là một ngày mưa. Thức đến nhà tôi trong bộ dạng ướt sũng, mặt đầy nước. Không biết là nước mắt hay nước mưa.
- Đi chơi với anh nghen. Giọng Thức run rẩy, ướt nhem.
Tôi lặng lẽ chui vào nhà tắm thay đồ. Thức đi theo, đứng ngay lưng cửa gấp khi tôi chéo tay cài móc áo ngực sau lưng. Những giọt mưa tròn trịa còn nhỏ giọt trên cánh mũi Thức. Chúng tôi nhìn nhau. Lưng trần. Mặt trần. Những nỗi đau trần trụi buông thả vào nếp áo chưa khép kỹ, rơi vào nhau ở một khoảng hõm mênh mông.
- Ba má anh ly dị rồi, hôm nay…
Thức đẩy tôi vào tường. Cánh tay trái còn nằm tréo dưới lưng, tưng tức. Thức úp mặt vào ngực tôi khóc. Những giọt nước mắt đàn ông lành lạnh cuốn trôi đời thiếu nữ của tôi vào dĩ vãng.
***
Tôi không còn cầm búa đóng đinh vào những bức tường trơ khốc những vụn cát không tô kỹ. Những cái móc treo tường vừa khít và chắc chắn. Tay tôi dành để Thức cầm. Thức thường tẩn mẩn đánh thức cảm giác đầy ắp trong tôi bằng những nụ hôn ngắn, chi chít khắp cánh tay, da mặt, trên vùng ngực tôi đã để Thức khóc trôi đời thiếu nữ của mình.
Khi những cảm giác bị đẩy lên đến định mức giới hạn cuối cùng, tan dần ra rồi rơi thõm xuống, lòng tôi rơi vào cảm giác trơ khấc khô khan. Ra vậy! Cứ nghĩ ngợi và tin tưởng mù quáng rằng tôi sẽ thành đàn bà bởi một người đàn ông khác, trong một khung cảnh khác… Nhưng rốt cuộc, cũng chẳng có gì khác nhau giữa người này và người kia. Cũng chẳng có gì liên quan giữa tôi và Thức trong việc tôi đã trở thành một người đàn bà. Đơn giản chỉ là như vậy. Như một cái giá tôi phải trả cho chuyện tình yêu, như cuộc sống này vốn dĩ nó vậy. Thế thôi!
***
Thức vẫn viết những entry xa lạ. Tôi vừa viết đề tài tốt nghiệp vừa comment hết câu này đến câu khác. Chúng tôi thôi gặp nhau, hệt như một mối dán bằng keo chưa kịp khô đã bị dính nước. Rã ra, rơi lả tả như những con thiêu thân thả mình vào đêm.
- Mình không gặp nhau một thời gian.
Tôi nói trong khi khuấy cà phê trong một góc quán khuất, không biết là mình đang đề nghị, đang hỏi hay đang tự trả lời cho chính mình. Thức không trả lời. Chỉ có tiếng đá chạm vào thành ly lanh canh. Không buồn, không vui! Bàn tay Thức để hờ trên ve áo tôi bất động. Đã hai tuần, giữa chúng tôi có cái gì đó lợn bợn, khó hiểu và lặng lẽ. Tưởng như thời con gái của tôi đã hóa ma, treo lơ lửng giữa tôi và Thức như một thứ trang trí.
Với tôi, nó gần như chỉ là một thứ hình thức trá hình, nhưng cũng không đồng nghĩa là nó vô giá trị. Tôi không có cảm giác khác nhau giữa cuộc sống của một người đàn bà và một nàng trinh nữ. Nhưng tôi cũng không còn là tôi trước những ngày đó nữa. Cái cảm giác đó vô hình, bất động, nhưng nó có sự im lặng chứng minh rằng nó tồn tại. Nếu tôi và Thức không còn gặp nhau , có lẽ nó cũng sẽ tự biến mất.
***
Tôi mở chuỗi ca khúc Bài không tên của Vũ Thành An trên máy tính vào buổi đêm. Giữa tôi và Thức bây giờ là sự cô độc xa lạ. Thức cô độc trong cuộc sống của Thức. Tôi cô độc trong cuộc sống của tôi. Hai sự cô độc xa lạ với nhau. Kể cả khi thân xác chúng tôi gắn kết, bản thể của chúng tôi vẫn nằm rời như hai hạt cát bị sóng đánh tời trên bãi biển. Tôi đã nghĩ, trong lúc Thức suy sụp và đau khổ, chúng tôi có thể tiến vào trong tâm thức của nhau, tôi có thể lấy mảnh dằm vừa xóc vào lòng Thức. Tôi đã thử. Nhưng chúng cắm quá sâu. Sâu hơn sự thấu hiểu của một người con gái lần đầu tiên bước qua vùng tối thời thiếu nữ. Tôi chỉ không biết với tôi, nơi nào là dĩ vãng. Trước khi tôi trở thành người đàn bà của Thức, hay sau đó mới là bóng đêm không tên của thời gian?
***
Tôi kể má nghe về Thức, rất lâu sau khi chia tay. Tôi cũng không hẳn coi đó là sự chia tay. Tôi nói với má rằng hai đứa không còn gặp nhau lâu lắm rồi, không có cảm giác gì về nhau lâu lắm rồi. Vậy thôi!
Má thở dài, rất dài. Dài hơn cả những nụ hôn khi yêu của Thức. Tiếng thở dài của một người đàn bà có trả lại sự trinh trắng cho một người đàn bà khác không?
Chắc không.
***
Má không còn đi bói duyên cho tôi nữa. Tôi và Thức không gặp nhau. Cuộc sống chìm vào giữa những thói quen vô thức. Quên cũng là một thứ cảm thức vô giác. Thỉnh thoảng giật mình, như đi qua một vùng mộng du rất rộng rồi nhận ra rằng mình đang đi lạc. Nhiều khi, cái mà người ta nghĩ rằng khó quên nhất, thì lại là thứ chẳng khi nào họ nhắc nhớ được giữa những suy nghĩ bộn bề trộn lẫn vào nhau trong cuộc sống. Những thứ một nói quên, hai nói quên thì lại nhớ. Chẳng ăn nhập gì vào nhau!
Tôi không thuộc dạng thiếu nữ chính chuyên, không thuộc hẳn vào loại người hư hỏng. Giữa má. Giữa Thức. Tôi đứng giữa mọi thứ, lững lờ như một cái bóng chán nản vay mượn sự khổ hạnh để tự hành xác bản thân. Thỉnh thoảng, tôi đi một mình đến những điểm bói ngày xưa, rút những quẻ thăm rủi may và ngậm ngùi cười với những giọng phán xử lên đồng. Tôi về nhà, mang theo hương nhang trầm trong những căn phòng tối hù hù, hỏi má.
- Má không tin vào duyên số của con nữa sao?
- Thì duyên số nó vậy mà. Con gái không còn trinh bói không linh…
Má ngoảnh mặt, ngẩng đầu nhìn ngọn dừa đang lao xao hát, nói mà như an ủi chính mình.
- Cái gì tới sẽ tới.
Tôi đón xe về phố. Phố thường ồn và bụi. Những con phố tôi chỉ coi là phố. Phố nào cũng chỉ là phố. Không có gì khác nhau giữa một con phố còn con gái với một con đường dấu chân người đã giẫm nát nhan sắc. Ở đó, tôi chạy trốn được chính sự hoang hoải của bản thân mình.
***
Một buổi chiều, gặp Thức trong quán cà phê cũ. Thức ngồi viết blog một mình. Ly cà phê của thói quen đổ bóng dài lên chỗ tôi thường ngồi còn để trống. Tôi ngồi nhìn Thức, không gọi tên, không nhắc nhớ. Tôi pha cà phê, uống những ngụm nhỏ. Mái tóc Thức xõa che kín trán. Tôi cho thêm đá vào ly. Thức lúc lắc cho nước quanh thành ly rỏ hết xuống bàn, ngón tay trỏ dài miết trên ô vuông cảm ứng điều khiển con trỏ nhấp nháy trên màn hình. Những thứ nguyên vẹn, gần gũi vậy đó, mà ngồi nhìn từ phía sau lưng, lại thấy từ chỗ mình đang đứng, để quay lại với kỷ niệm, là cả một quãng đường ngun ngút xa xăm những thứ mịt mờ vô hình.
***
Những chiếc đinh trên tường long vữa, bóc hết lớp trát xi măng. Tôi đứng nhìn sự hủy diệt hằng ngày như đứng nhìn vào chính sự khô khốc và cô độc của một người đàn bà trót đi qua thời thiếu nữ quá sớm.
Tôi ngồi sau lưng Thức hằng ngày, thấy con đường dĩ vãng ngày càng xa đích về. Tôi nghe Bài không tên số 4: “Đời con gái cũng cần dĩ vãng, mà em tôi chỉ còn tương lai…”. Tôi tự hỏi: Chúa tạo ra đàn bà để làm đàn bà? Hay Chúa tạo ra đàn bà chỉ để đàn ông biến họ thành đàn bà?
Vậy, dĩ vãng của tôi có trước? Hay tôi có trước?

TIÊU SA


MỘT CƠN GIẬN…
Một buổi tối mùa Đông, chúng tôi ngồi trước lò sưởi, trong một căn buồng ấm áp. Tự nhiên trong câu chuyện, một người nói đến những cơn giận tự nhiên đến tràn ngập cả tâm hồn ta và có khi gây nên nhiều cái kết quả không hay. Rồi mỗi người đều bày tỏ ý kiến riêng của mình.
Anh Thanh, từ nãy đến giờ vẫn lặng yên có vẻ trầm ngâm, cất tiếng nói:
- Sự giận dữ có thể sai khiến ta làm những việc nhỏ nhen không ai ngờ. Tôi biết hơn ai hết, vì chính tôi đã trải qua sự đó. Tôi sẽ kể các anh nghe một câu chuyện mà cái kỷ niệm còn in sâu trong trí nhớ tôi.
Cũng một buổi chiều mùa Đông như hôm nay, tôi ở tòa báo ra về, trong lòng chán nản và buồn bực. Có những ngày mà tự nhiên không hiểu tại sao, ta thấy khó chịu, và hay gắt gỏng, không muốn làm việc gì. Tôi đang ở vào một ngày như thế mà chiều trời hôm ấy lại ảm đạm và rét mướt càng khiến cho cảm giác đó rõ rệt hơn.
Tôi đi vài bước trên con đường phố vắng người. Một cái xe tay đằng xa đi lại, anh phu xe co ro vì rét, hai tay giấu dưới manh áo tơi tàn. Theo lệ như mọi khi, tôi mặc cả:
- Xe đi không? Bốn xu về gần nhà bò Yên Phụ.
- Thầy cho sáu xu.
- Không, bốn xu là đúng giá rồi.
Tôi vừa nói vừa bước đi. Người phu xe đã có tuổi, cứ kéo cái xe theo sau tôi mà lẩm bẩm: "Bốn đồng xu từ đây về nhà bò". Cái tiếng nhà bò anh ta nhắc đi nhắc lại làm cho tôi khó chịu. Tôi biết đó là một cách của các phu xe cứ đi theo sau khách để làm cho người ta bực tức, tôi lại càng ghét và quay lại gắt:
- Có đi hay không thì thôi! Đừng có theo sau người ta mà lải nhải.
Thấy tôi gắt, người phu xe đứng lại, không dám theo nữa. Nhưng để tôi đi một quãng xa, anh ta ới gọi:
- Lại đây đi mà.
Rồi anh ta hạ càng xe xuống, cứ đứng yên chỗ ấy đợi chứ không kéo lại phía tôi. Cái cử chỉ ấy làm tôi sinh ghét thêm, đã toan không đi, nhưng lúc ấy không có cái xe nào khác. Tôi giận dữ bước mạnh lên xe, vừa mắng:
- Anh thật là lắm chuyện, không đi ngay lại còn vẽ.
Anh xe cãi lại:
- Từ đây về đấy thầy cho được bốn đồng xu thật rẻ quá!
- Thì ai bảo anh đi? Không có tôi đã gọi xe khác.
Người phu xe khẽ thở dài, yên lặng nhấc xe lên. Lúc bấy giờ tôi mới ngả mình ra phía sau, nhưng thấy cái đệm cứng như gỗ đập vào lưng, tôi cúi xuống bên nhìn cái tay xe.
Tôi đoán không sai, chính là một cái xe hiệu "con lợn" cái tên hiệu cũng xứng đáng một hạng xe tàng ở ngoại ô mà tôi vẫn phải đi. Anh xe này đã vào đây kéo trộm, vì xe ngoại ô không được phép vào thành phố đón khách, nếu không tuân lệnh thì bị phạt từ ba đến bốn đồng bạc. Sự tồi tàn của cái xe làm tôi càng ghét anh xe nữa.
- Xe khổ thế này mà anh lại còn đòi cao giá.
- Xe thế mà thầy chê thì còn thế nào nữa!
Anh xe bướng bỉnh cũng không chịu kém. Tôi nói câu gì là anh ta đối lại liền. Sau cùng, giận quá, tôi dẫm mạnh chân xuống sàn xe, gắt:
- Thôi, câm họng đi, đừng lải nhải nữa.
Sự giận dữ làm cho tôi quên rằng anh xe cũng chỉ có trả lời những câu mắng của tôi mà thôi, và chính tại tôi gắt với anh ta nhiều quá. Nhưng lúc bấy giờ tôi chỉ thấy tức người xe ấy đến cực điểm, vì hắn dám cãi lại tôi mà không sợ.
Xe đi khỏi nhà máy nước thì gặp một người đội xếp Tây đi xe đạp lại, theo sau một người đội xếp ta. Tôi nhận thấy anh xe kéo tôi có ý luống cuống và sợ hãi. Có lẽ vì thế mà người cảnh sát để ý, đi giáp vào cái xe kéo để xem dấu hiệu.
- Ê! Đứng lại!
Người kéo xe dừng chân... Anh ta quay lại tôi hớt hải van xin:
- Lạy thầy... thầy nói giúp con... thầy làm ơn...
Dưới ánh đèn tôi thấy mặt anh xe tái mét. Những vết răn in sâu xuống trên mặt già nua hốc hác, chân tay người khốn nạn ấy run bật lên và tôi thấy cái rung động chuyển cả vào chiếc thân xe.
Người cảnh sát Tây đến, nói bằng tiếng ta hơi sõi:
- Mày chết nhé! Mày sẽ bị phạt!
Người phu xe ấp úng nói thì ông ta khoát tay bảo im, rồi quay lại tôi hỏi, lần này bằng tiếng Pháp.
- Người này kéo ông từ trong phố ra hay ông đi khứ hồi?
Tôi liếc mắt nhìn anh kéo xe. Trong bóng tối của vành nón qua ngang mặt, tôi thấy hai mắt anh ta long lanh nhìn tôi, như khẩn cầu van xin yên lặng. Tôi biết lời nói của tôi sẽ làm anh ta bị bắt hay không. Những khi nói chuyện với các phu xe khác, tôi được biết rằng nếu người khách nói là đi khứ hồi từ ngoại ô, thì người xe không việc gì. Nhưng lúc ấy, lời van xin của anh xe kia không làm cho tôi động lòng, mà lại làm cho tôi ghét anh thêm. Tôi trả lời người đội xếp:
- Tôi đi từ phố hàng Bún.
- Vậy phiền ông xuống xe.
Rồi anh ta nhìn anh phu xe, cười một cách tinh quái:
- Allez! Đi về bót!
Khi anh phu xe run sợ và hai người cảnh sát đã khuất đầu phố, tôi mới quay đi thong thả trên bờ hè. Cơn giận của tôi đã hết rồi. Sự hối hận dần thấm thía vào lòng tôi, tôi thấy một cái chán nản bực tức rung động trong người.
Tôi rung mình nghĩ đến số phận của anh xe khốn nạn. Ba đồng bạc phạt! Anh ta phải vay cai xe để nộp phạt; nhưng ba đồng bạc nợ ấy, bao giờ anh ta trả xong, sau những ngày nhịn đói, bị cai xe hành hạ, đánh đập vì thù hằn?
Tôi càng nghĩ đến bao nhiêu lại càng khinh bỉ tôi bấy nhiêu. Qua ô Yên Phụ, nhìn thấy những thợ thuyền tấp nập làm việc dưới ánh đèn trong những căn nhà lá lụp xụp, tôi rảo bước đi mau, hình như trông thấy tôi họ sẽ biết cái hành vi khốn nạn và nhỏ nhen đáng bỉ của tôi ban nãy.
Những ngày hôm sau thực là những ngày khổ cho tôi. Lòng hối hận không để tôi yên. Hình như có một cái gì nặng nề đè nén trên ngực làm cho tôi khó thở, và lúc nào hình ảnh anh phu xe cũng hiển hiện ra trước mắt.
Tôi nhất đinh đem tiền đến cho người xe kia để chuộc tội lỗi của mình. Đến phố hàng Bột hỏi dò những người chung quanh xưởng xe, tôi biết được anh xe bị phạt đêm hôm ấy là tên Dư, và ở trong một dãy nhà quá ngã tư Khâm Thiên.
Lần ấy là lần đầu tôi bước vào một chỗ nghèo nàn, khổ sở như thế. Các anh thử tưởng tượng một dãy nhà lụp xụp và thấp lè tè, xiêu vẹo trên bờ một cái đầm mà nước đen và hôi hám tràn cả vào đến thềm nhà. Trong cái hang tối tăm bẩn thỉu ấy, sống một đời khốn nạn những người gầy gò, rách rưới như những người trong một cơn mê.
Người phu xe Dư ở trong ấy. Một bà cụ già gầy giơ xương ngồi cắn chấy ở vệ hè chỉ cho tôi một cái cửa thấp bé ở đầu nhà. Tôi cúi mình bước vào, chỉ thấy tối như bưng lấy mắt và thấy hơi ẩm lạnh thấm vào tận trong mình. Có tiếng người đàn bà khẽ hỏi:
- Bẩm thầy muốn gì?
Khi mắt mắt đã quen tối, tôi nhận thấy người đàn bà vừa hỏi, một bà già ở mép một chiếc giường tre mục nát kê ở sát tường. Sau lưng bà này, một người đàn bà nữa ngồi ôm trong lòng một vật gì hơi động đậy. Cả hai cùng ngước mắt lên nhìn tôi một cách ngạc nhiên và đầu họ chạm vào mái nhà thấp, đầy những mảng giẻ rách nát vắt trên xà.
- Bác Dư có nhà không ?
- Bẩm, chú nó đi về quê vắng từ hôm nọ.
Một vẻ sợ hãi thoáng qua trên mặt đủ tỏ cho tôi biết họ không nói thật, tôi giảng giải:
- Không, cụ cứ nói thật cho tôi biết. Tôi đến để giúp bác ta chứ không có ý gì khác.
Bà cụ nhìn tôi nghĩ ngợi một lát rồi nói:
- Thế thầy đã biết việc chú nó bị bắt xe hôm nọ?
Tôi gật đầu ra hiệu cho bà cụ cứ nói:
- Hôm ấy cai nó phải đem tiền lên nộp phạt để chuộc xe về. Chú nó đã xin khất với cai để rồi trả dần số tiền đó. Nhưng nó nhất định không nghe, bắt phải trả một nửa ngay. Khốn nạn, thì lấy đâu ra mà trả. Thế là bị nó lột quần áo đánh một trận thừa sống thiếu chết thầy ạ. Khi về đây lê đi không đuợc nữa. Thế mà nó còn bắt mai phải trả ngay.
Người đàn bà ngồi trong cất tiếng ốm yếu nói theo:
- Nó còn bảo hễ không trả nó sẽ bắt lấy thẻ.
- Thế bây giờ bác ta đâu?
Bà cụ trả lời:
- Đi ngay từ hôm ấy, mà không biết đi đâu. Đã ba hôm nay chúng tôi dò mà không thấy. Chắc là sợ cai không dám về nữa, dù có về mà không có tiền cũng chết với nó. Thật cũng là cái vạ, nghe đâu chú nó nói hôm ấy tại người khách đi xe không biết nói với người đội xếp thế nào mới bị bắt, chứ không cũng chẳng việc gì.
Tôi yên lặng, trong lòng náo nức
Bà cụ chép miệng, chỉ người đàn bà ngồi sau:
- Tội cho vợ con chú đây, ốm đã mấy ngày hôm nay không có thuốc. Đứa cháu không biết có qua khỏi được không?
Tôi đứng lại gần xem. Trên cánh tay người mẹ, chỉ còn là một dúm thịt con đã nhăn nheo: đứa bé há hốc miệng thở ra, mặt xám nhợt. Người mẹ thỉnh thoảng lấy cái lông gà dúng vào chén mật ong để bên cạnh, phết lên lưỡi của đứa bé.
- Cháu nó sài đã hơn một tháng nay. Hôm nọ đã đỡ. Mấy hôm nay vì không có tiền mua thuốc lại tăng. Ông lang bảo cháu khó qua khỏi được.
Người mẹ nói xong nấc lên một tiếng rồi nức nở khóc. Bà cụ già lê nhích lại gần, cúi xuống khe khẽ kéo lại những cái tã rách như xơ mướp.
Cái cảnh đau thương ấy làm tôi rươm rướm nước mắt. Một cảm giác nghẹn ngào đưa lên chẹn lấy cổ. Tôi lấy tờ giấy bạc năm đồng đưa cho người mẹ, rồi vội vàng bươc ra cửa, để mặc hai người nhìn theo ngờ vực.
Qua ngưỡng cửa, tôi va phải một người đàn ông ốm yếu tay cắp một cái áo quan con bằng gỗ mới. Đến bên đường, tôi nghe thấy trong căn nhà lụp xụp đưa ra tiếng khóc của hai người đàn bà.
Đứa bé con đã chết.
Anh Thanh lặng yên một lát như nghĩ ngợi, rồi nói tiếp:
- Cái kỷ niệm buồn rầu ấy cứ theo đuổi tôi mãi mãi đến bây giờ, rõ rệt như các việc mới xảy ra hôm qua. Sự đó nhắc cho tôi nhớ rằng người ta có thể tàn ác một cách dễ dàng. Và mỗi lần tôi nghĩ đến anh phu xe ngoại ô kia, lại thấy đau đớn trong lòng, như có một vết thương chưa khỏi.
THẠCH LAM




Tôi là một cô gái nhà nghèo đã ngoài 20 tuổi. Cha tôi mất từ khi tôi còn rất nhỏ. Vì để có tiền nuôi mẹ bị bệnh nặng và nuôi em trai đang học đại học, mỗi ngày tôi đều kéo chiếc xe ba gác ra đường lớn để bày quầy hàng ăn. Những ngày làm ăn tốt, tôi cũng kiếm được đủ số tiền cho cả gia đình sinh sống . Nhưng vào những ngày mưa gió hay những ngày có nhân viên trật tự đô thị đi tuần tra thì hàng ăn của tôi đều bị ế rất nhiều.
Thế rồi , có một người con trai hơn tôi độ mấy tuổi thường xuyên tới quán của tôi ăn mì. Anh ta luôn gọi bát mì thịt băm có giá rẻ nhất. Trong lúc ăn, cũng là ngẫu nhiên trò chuyện bâng quơ cùng tôi đôi ba câu. Nhưng phần lớn những câu anh ta hỏi tôi đều là:
-- “Em làm ăn có tốt không? Thu nhập có đủ sinh sống không?”
Anh ta ăn mặc rất bình thường, đi bộ nên tôi đã mặc định trong đầu mình rằng:
“Đây chắc hẳn là một anh chàng rất nghèo, thậm chí lười biếng, không muốn động tay nấu cơm nên thường ra quán vỉa hè của mình ăn!” . Mối quan hệ giữa tôi và anh ta cứ trôi qua bình thường như vậy trong một khoảng thời gian khá dài. Mãi cho đến một hôm, bất chợt anh ta hỏi tôi với một giọng ngập ngừng và bối rối:
-- “Em đã …có bạn trai …hay chưa?”
Tôi trả lời rất thật: “Em nghèo như thế này, trong nhà lại còn có mẹ già bị bệnh nặng, em trai đang đi học thì ai mà dám kết bạn với em ?”. Tôi vừa dứt lời thì anh ta thuận miệng nói:
-- “Anh dám…”
Hai chúng tôi đều sửng sốt và ngượng ngùng một lát. Tôi không dám đồng ý làm bạn gái của anh ta nhưng kể từ sau hôm đó, cứ đúng 6 giờ chiều là anh xuất hiện ở quán của tôi, giúp đở tôi các việc.
Đến một ngày, chờ mãi không thấy anh ta tới , trong lòng tôi có chút hoang mang và buồn buồn nghĩ ngợi: “Anh ấy chắc là đã quên tôi rồi !" . Nhưng không ngờ, đến 8 giờ tối hôm đó, anh lại xuất hiện trước mặt tôi cùng với một bó hoa tươi rất đẹp rồi nói lời tỏ tình. Cứ đơn giản như vậy, hai chúng tôi mỗi ngày đều gặp mặt và ở bên nhau.
Cũng nhiều lần, anh ấy muốn dẫn tôi về nhà gặp cha mẹ nhưng tôi luôn thấy rất áp lực nên một mực nghĩ ra lý do để từ chối. Mãi đến lúc sức khỏe của mẹ tôi đã khá hơn rất nhiều, tôi mới đồng ý đến thăm gia đình anh ...
Vừa đến cổng nhà, tôi thực sự bị kinh ngạc, không ngờ, ngôi nhà mà anh ấy ở là một căn biệt thự rộng lớn cùng một khu vườn xanh mát … ngay lúc này, một ý nghĩ lại nảy sinh trong đầu tôi: “Mình phải về ngay, mình đâu có xứng đáng, còn bố mẹ anh ấy biết nhà mình nghèo thì sao…?”.
Mọi ý nghĩ cứ đột nhiên xuất hiện trong đầu tôi, ý nghĩ này đan xen ý nghĩ kia khiến tôi rất khó khăn và không biết phải quyết định ra sao. Dường như anh ấy đoán được những điều này qua nét mặt lo lắng của tôi, nên anh cầm tay tôi và nói:
-- “Hãy tin tưởng anh!” .
Anh đã khiến tôi không ngờ là ngay từ lúc tôi bước chân vào cửa gặp cha mẹ anh, họ rất nhiệt tình đón tiếp tôi, quan tâm đến tôi khiến tôi mất hết cảm giác mặc cảm tự ti ban đầu. Lúc này anh mới kể :
-- Cách đây gần hai năm, cha anh bị bệnh lẫn tuổi già, có lúc tỉnh táo, có lúc lại rất lú lẫn. Một lần, ông đi ra ngoài dạo rồi không nhớ được đường về. Trời cũng đã muộn, ông lại đói bụng nên đã vào quán của em giành ngay một bát mì của một người khách đang ăn để ăn. Cha anh kể rằng :
Lúc ấy em đã không những không mắng đuổi ông đi mà còn bê một bát mì khác đưa cho ông ăn. Cho đến giờ em dọn quán, cha anh vẫn chưa rời đi, lúc ấy em đã biết cha của anh bị lạc đường và em đã đưa ông đến trạm cảnh sát gần đó nhờ họ tìm nhà giúp.
Nghe xong những lời anh ấy kể, mọi chuyện của ngày hôm đó như hiện ra trước mắt tôi, một ông lão đáng thương, vừa đói vừa ngơ ngác…tôi không ngờ, một việc làm rất bình thường này lại trở thành một bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Sau này, khi chúng tôi đã trở thành vợ chồng rồi, anh ấy mới tiết lộ thêm rằng:
-- Ban đầu anh đến quán của em chỉ là muốn cho em một chút tiền và nói lời cảm ơn. Nhưng anh lại thấy em nấu mì càng ngày càng ngon, nên...
Một năm sau, anh lo cho tôi có một nhà hàng nho nhỏ. Sau tất cả những gì đã trải qua mà tôi nhận được, tôi đã hiểu ra rằng :
Cho dù khó khăn thế nào, hãy cố gắng sống, chắc chắn Thượng đế sẽ không bỏ rơi những người cố gắng. Đừng vì khó khăn trước mắt mà buông bỏ chính mình, vứt bỏ tương lai, chỉ cần cố gắng thì ánh sáng mặt trời sẽ chiếu rọi. Tình yêu chân thật có thể gặp nhưng không thể cầu, hãy luôn quý trọng người hiện tại đang ở bên bạn nhé..!
P/s: Cho dù bạn đã bị cuộc sống làm tổn thương bao nhiêu đi nữa chắc rằng sẽ có một người xuất hiện xóa đi mọi đau đớn trong lòng bạn ...
———-
Sưu tầm - DieuLe

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.