(Michael Mongin, Unsplash.com/CC BY0)
(Michael Mongin, Unsplash.com/CC BY0)
Hãy tưởng tượng mình là một nhà thiết kế đồ họa cho nhạc sĩ Enya của dòng nhạc New Age, bạn được giao nhiệm vụ tạo bìa cho album tiếp theo của cô. Hai hoặc ba màu sắc nào từ bảng màu dưới đây mà bạn nghĩ rằng sẽ “phù hợp nhất” với âm nhạc của Enya?
Bạn sẽ chọn lại những màu ấy cho bìa album hoặc video âm nhạc của ban nhạc rock ồn ào và mạnh mẽ Metallica chăng? Có lẽ là không.
Trong nhiều năm qua, các cộng tác viên của tôi và tôi vẫn đang nghiên cứu về những liên kết giữa âm nhạc với màu sắc. Từ kết quả nghiên cứu có thể thấy rõ là cảm xúc có một vai trò quan trọng trong việc chúng ta diễn giải và phản ứng như thế nào với bất kỳ các tác nhân kích thích nào từ bên ngoài, bao gồm cả màu sắc và các bài hát.
Những sắc màu của các bài hát
Trong một nghiên cứu, chúng tôi đã đề nghị 30 người nghe bốn clip âm nhạc, và đơn giản chỉ cần chọn các màu sắc từ một dải có 37 màu sao cho “phù hợp nhất” với phần nhạc mà họ nghe thấy.
Thực ra bạn có thể tự mình nghe các clip. Hãy suy nghĩ về 2 đến 3 màu sắc từ bảng màu mà bạn cho là tương hợp nhất với mỗi lựa chọn.
Audio Player
Lựa chọn A.
Audio Player
Lựa chọn B.
Audio Player
Lựa chọn C.
Audio Player
Lựa chọn D.
Những hình ảnh dưới đây cho thấy màu sắc mà người tham gia lựa chọn đầu tiên, tương ứng với bốn bản nhạc được đưa ra ở trên.
A/ Bản concerto Brandenburg số 2 (Nhịp rất nhanh) của Nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach (J.S.Bach)
B/ Bản concerto Brandenburg số 2 (Nhịp thong thả) của Nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach (J.S.Bach)
C/ “City of Gold” của BBM (tên ba nghệ sĩ trong ban nhạc Bruce (bass) – Baker (trống) – Moore(ghi ta)) ở Đức
D/ “If I had Nothing but a Dream” của Hagood Hardy
Lựa chọn A, từ bản concerto Brandenburg số 2, khiến hầu hết mọi người chọn màu sắc tươi sáng, sống động và sắc màu vàng chiếm ưu thế.
Lựa chọn B, một phân đoạn khác trong cùng bản concerto của Bach, dễ nhận thấy là đã làm cho những người tham gia chọn những màu tối hơn, màu ghi và xanh, xám đậm hơn.
Lựa chọn C là một trích đoạn từ một bài hát nhạc rock năm 1990, và nó khiến những người tham gia chọn lựa  màu đỏ, màu đen và các gam màu tối khác.
Trong khi đó, lựa chọn D, một khúc nhạc piano chậm rãi, yên tĩnh, “dễ nghe” gợi ra các lựa chọn được chi phối bởi các màu màu xám, không chói, mang các sắc thái khác nhau của màu xanh.

Vai trò trung gian của cảm xúc

Nhưng tại sao âm nhạc và màu sắc lại tương hợp theo cách thức đặc biệt này?
Chúng tôi tin rằng đó là bởi vì âm nhạc và màu sắc đều có tính chất chung là cảm xúc. Chắc chắn là hầu hết các bản nhạc đều truyền đạt cảm xúc. Trong bốn clip bạn vừa nghe, lựa chọn A “nghe có vẻ” hạnh phúc và mạnh mẽ, trong khi B có vẻ buồn và yếu đuối. C nghe có vẻ giận dữ và mạnh mẽ, và D nghe buồn và thanh thản. (Chúng tôi sẽ giải thích tại sao lại như thế ở đoạn sau)
Nếu như màu sắc cũng tạo nên những liên tưởng tương tự về cảm xúc thì mọi người sẽ có thể ghép giữa màu sắc với các bài hát chứa đựng những đặc tính cảm xúc trùng khớp. Họ có thể không biết rằng họ đang làm điều này, nhưng những kết quả chứng thực ý tưởng này.
Chúng tôi đã thử nghiệm lý thuyết của chúng tôi bằng cách để mọi người đánh giá từng lựa chọn âm nhạc và từng màu sắc dựa trên năm yếu tố cảm xúc: vui đến buồn, giận dữ đến bình tĩnh, sôi động đến rầu rĩ, chủ động đến thụ động, mạnh mẽ đến yếu đuối.
Chúng tôi đã so sánh các kết quả và phát hiện ra rằng chúng gần như có sự liên kết hoàn hảo: âm nhạc nghe vui tươi nhất gợi ra những màu sắc nom có vẻ vui vẻ nhất (các màu tươi sáng, sống động, những màu có ánh vàng), trong khi bản nhạc nghe có vẻ buồn lại gợi ra những màu sắc nhìn buồn nhất (màu đen, có sắc thái hơi xám, xanh). Trong lúc đó, âm nhạc nghe có vẻ tức giận nhất lại gợi ra những màu sắc nhìn bực bội nhất (các màu tối, chói, có ánh đỏ).
Để nghiên cứu những khác biệt có thể có về văn hóa, chúng tôi đã lặp lại thí nghiệm này ở Mexico. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, những kết quả ở Mexico và ở Mỹ là hầu như giống hệt nhau, điều này cho thấy rằng các mối liên tưởng âm nhạc–màu sắc có thể là phổ quát. (Chúng tôi hiện đang thử nghiệm khả năng này trong các nền văn hóa, như Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, nơi mà âm nhạc truyền thống về cơ bản là khác hơn nhiều so với âm nhạc phương Tây).
Những kết quả này ủng hộ cho ý tưởng rằng mối liên kết âm nhạc–màu sắc ở hầu hết mọi người đều thực sự có cảm xúc làm trung gian.
Các nhà thiết kế bìa album cho tác phẩm Shepherd Moons của Enya và Master of Puppets của Metallica có thể đã vô thức chọn màu sắc tương xứng với các đặc tính về tình cảm của các nghệ sĩ âm nhạc.

Mọi người thực sự nhìn thấy màu sắc khi nghe nhạc

Có một số rất ít người – có lẽ một người trong số 3.000 người – những người này có các kết nối thậm chí mạnh mẽ hơn nữa giữa âm nhạc và màu sắc. Họ được gọi là những chromesthete, là những người “nhìn thấy” các màu sắc khi nghe nhạc (gọi là chứng chromesthesia).
Ví dụ, một clip từ bộ phim The Soloist (người độc tấu) năm 2009 cho thấy sự phức tạp, được phát sinh ra từ bên trong màn “biểu diễn ánh sáng” mà nhân vật chính – vốn là một nhạc sĩ đường phố mắc chromesthesia – có thể đã trải nghiệm trong khi nghe bản giao hưởng thứ ba của Beethoven.
Chromesthesia chỉ là một hình thức của một tình trạng tổng quát hơn được gọi là cảm giác kết hợp (cảm giác kèm – synesthesia), trong đó một số cá nhân trải nghiệm thông tin cảm giác không chỉ bằng cơ quan thụ cảm tương ứng mà còn bằng cả một bộ phận thụ cảm khác, dường như là chẳng ăn nhập gì với cảm giác đó.
Hình thức phổ biến nhất của cảm giác kết hợp là giữa chữ với màu sắc, trong đó người có đặc điểm cảm giác kèm (synesthete) khi nhìn thấy những chữ viết và chữ số màu đen lại cho rằng chúng có màu sắc. Có rất nhiều hình thức khác của cảm giác kết hợp, và trong đó có chromesthesia, có ảnh hưởng đến một số lượng đáng ngạc nhiên các bộ phận thụ cảm khác nhau.
Một số lý thuyết đề xuất rằng hiện tượng cảm giác kết hợp được gây ra bởi các kết nối trực tiếp giữa các vùng cảm thụ khác nhau của não. Các giả thuyết khác đề xuất rằng cảm giác kết hợp có liên quan đến khu vực não sản sinh ra những phản ứng thuộc về cảm xúc.
Lý thuyết đầu ngụ ý rằng, đối với việc xác định các màu sắc mà người bị chromesthesia trải nghiệm, thì cảm xúc đóng vai trò rất ít hoặc không có, trong khi đó lý thuyết sau lại ngụ ý cảm xúc đóng vai trò rất mạnh mẽ.

Lý thuyết nào là chính xác?

Để tìm hiểu, chúng tôi lặp lại thí nghiệm về mối liên kết giữa âm nhạc và màu sắc với 11 người chromesthete và 11 người không có đặc tính chromesthesia (non-chromesthete). Những người non-chromesthete đã chọn các màu sắc “phù hợp nhất” với bản nhạc (như mô tả ở trên), nhưng những người có thể nhìn được âm thanh (chromesthete) thì chọn các màu sắc “giống nhất với các màu sắc mà họ cảm nhận trong khi đang nghe bản nhạc này”.
Phía bên trái của hình ảnh dưới đây cho thấy những lựa chọn đầu tiên của nhóm người chromesthete và những người non-chromesthete đối với âm nhạc cổ điển có nhịp độ nhanh ở cung trưởng (như lựa chọn A), là âm điệu có xu hướng âm thanh vui tươi và mạnh mẽ. Phía bên phải cho thấy những phản ứng về màu sắc đối với âm nhạc cổ điển có nhịp độ chậm ở cung thứ (như lựa chọn B), là âm điệu có xu hướng âm thanh buồn và yếu đuối.
Những sự  lựa chọn màu sắc của những người có cảm giác kèm (synesthete) và người không có cảm giác kèm  sau khi nghe bản nhạc có âm điệu nhanh ở cung trưởng và bản nhạc có tiết tấu chậm ở cung thứ. (Tác giả cung cấp)
Những trải nghiệm màu sắc của nhóm chromesthete (Hình B) hóa ra lại rất giống với các màu sắc mà nhóm không có đặc tính này (non-chromesthete) lựa chọn khi được yêu cầu nghe cùng một bản nhạc (hình A).
Nhưng chúng tôi chủ yếu muốn biết nhóm non-chromesthete và nhóm chromesthete đã so sánh như thế nào dựa trên các hiệu ứng cảm xúc. Các kết quả được mô tả trong hình C.
Thật thú vị, các hiệu ứng cảm xúc đối với nhóm chromesthete cũng mạnh mẽ như hiệu ứng đối với nhóm non-chromesthetes trên một số tiêu chí (vui/buồn, chủ động/thụ động và mạnh/yếu), nhưng yếu hơn trên những tiêu chí khác (bình tĩnh/kích động và giận dữ/không tức giận). (Tác giả cung cấp)
Bằng chứng trên cho thấy nhóm chromesthete rõ ràng có thể hiện cảm xúc, qua đó gợi ý rằng synesthesia giữa âm nhạc với màu sắc phụ thuộc, ít nhất là một phần, vào các kết nối thần kinh có chứa các mạch liên quan đến cảm xúc ở trong não. Những cảm xúc mà nhóm chromesthete thể hiện yếu hơn so với nhóm non-chromesthete cho thấy rằng những trải nghiệm của nhóm chromesthete cũng phụ thuộc vào những kết nối trực tiếp, phi cảm xúc, giữa vỏ não thính giác và thị giác.

Thuyết nhân tính hóa âm nhạc

Bằng chứng trên về những liên đới giữa âm nhạc với màu sắc chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ bởi cảm xúc đặt ra nhiều vấn đề hơn nữa. Ví dụ, tại sao khi nghe nhạc lớn tiếng, có tiết tấu nhanh và chói tai lại nghe có vẻ như là tức giận, trong khi nghe những bản nhạc chậm rãi, yên tĩnh, không có những nốt chói tai thì cảm thấy yên bình?
Chúng ta vẫn chưa biết câu trả lời, nhưng có một điều mà chúng tôi thích gọi là “thuyến nhân tính hóa âm nhạc” – là thuyết cho rằng âm thanh được diễn giải theo cảm xúc tương tự như hành vi của con người vậy.
Ví dụ, nhạc nhanh hơn, to hơn, âm vực cao vút có thể được cảm nhận như là sự tức giận bởi vì mọi người có xu hướng sẽ di chuyển và nói chuyện nhanh hơn, và lên giọng cả về âm lượng lẫn âm vực, khi họ đang tức giận, trong khi đó họ sẽ cư xử trái ngược như thế nếu họ bình tĩnh. Tuy nhiên tại sao âm nhạc ở cung trưởng nghe có vẻ vui tươi hơn cung thứ vẫn còn là một bí ẩn.
Các nghệ sĩ và nhà thiết kế đồ họa chắc chắn có thể sử dụng các kết quả này khi họ đang sáng tạo các màn trình diễn ánh sáng cho buổi hòa nhạc hoặc các bìa album của các ban nhạc – sao cho việc “lắng nghe” âm nhạc có thể trở nên phong phú hơn và sống động hơn bằng cách “nhìn thấy” và “cảm thấy” nó.
Nhưng ở một mức sâu hơn, sẽ là rất thú vị nếu thấy được bộ não xử lý những liên đới trừu tượng hiệu quả và năng suất như thế nào.
Để tìm ra các kết nối giữa các sự kiện có nhận thức khác nhau – chẳng hạn như âm nhạc và màu sắc – bộ não của chúng ta cố gắng tìm những điểm chung. Những cảm xúc bùng lên bởi vì phần lớn nội tâm của chúng ta đang liên kết với chúng. Cảm xúc là yếu tố trung tâm không chỉ trong việc chúng ta diễn giải những thông tin đang đến như thế nào, mà còn ở phản ứng của chúng ta với thông tin đó ra sao.
Với vô số các kết nối từ những nhận thức đến những cảm xúc, rồi từ những cảm xúc đến hành động, dường như là tự nhiên những cảm xúc nổi lên rất mạnh mẽ – và có lẽ một cách vô thức – trong việc tìm kiếm các màu sắc thích hợp nhất cho một bài hát.

Stephen Palmer là giáo sư phụ trách bậc sau đại học tại Đại học California, Berkeley và Karen B Schloss là trợ lý giáo sư nghiên cứu tại Đại học Brown. Bài viết này đã được xuất bản lần đầu trênThe Conversation.
Tác giả: Stephen Palmer, Đại học California - Berkeley & Karen B Schloss, Đại học Brown