.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2024

Người giàu nhất Sài Gòn xưa, giai thoại thuê nhân công phơi tiền cho khỏi mốc

 

Trong thời kỳ cực thịnh, gia đình Huyện Sỹ nắm trong tay toàn bộ vùng đất trù phú ở Gò Công, Long An, Tiền Giang kéo dài đến tận biên giới Campuchia.

Ruộng đất bao la, cò bay mỏi cánh

Trưa tháng 3, TP.HCM nắng nóng như đổ lửa, chúng tôi đến thăm quan nhà thờ Huyện Sỹ (quận 1). Đây là một trong những nhà thờ có khuôn viên rộng rãi, khoáng đãng nhất tại TP.HCM.

Với gam màu trắng sáng chủ đạo, khối kiến trúc toát lên vẻ đẹp trang nghiêm. Tính đến nay, nhà thờ đã ngoài trăm tuổi và là nơi lưu dấu về Huyện Sỹ, người đứng đầu trong tứ đại phú hào Sài Gòn xưa.

Huyện Sỹ tên thật là Lê Nhứt Sỹ (1841 - 1900). Ông sinh ra tại Sài Gòn trong một gia đình theo Công giáo. Thuở nhỏ, ông được các tu sĩ người Pháp đưa sang Malaysia học tập.

Trong thời gian này, Lê Nhứt Sỹ đổi tên thành Lê Phát Đạt do tên cũ trùng với tên một người thầy của ông. Trở về Sài Gòn, ông được bổ nhiệm làm thông ngôn, rồi trở thành Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam kỳ.


Nhà thờ Huyện Sỹ, nơi lưu dấu về vị đại phú hộ giàu có nhất Sài Gòn xưa. Ảnh: Hà Nguyễn

Sau đó không lâu, ông được phong hàm lên cấp huyện. Dù đã đổi tên nhưng người dân vẫn quen gọi ông bằng cái tên Nhứt Sỹ. Danh xưng Huyện Sỹ gắn bó với ông từ đó.

Huyện Sỹ giàu lên không phải nhờ chức tước, bổng lộc. Trong sách Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển cho rằng, Huyện Sỹ giàu lên là nhờ việc gom tiền mua rẻ những thửa đất có địa thế tốt do chính quyền Pháp phát mãi.

Sau khi mua lại, ông trồng lúa trên các mảnh đất này. Lúa trúng mùa, Huyện Sỹ thu về lượng lớn thóc gạo. Nhận thấy đầu tư có lãi lớn, ông tiếp tục vay mượn tiền bạc để mua đất khắp Tân An, Đức Hòa, Đức Huệ thuộc tỉnh Long An ngày nay.

Có ruộng đất, ông thuê người canh tác, trồng lúa. Lúa liên tiếp trúng mùa, ông Sỹ giàu lên nhanh chóng và tiếp tục có tiền để mua thêm điền sản ở nhiều nơi.

Trong thời kỳ cực thịnh, gia đình Huyện Sỹ nắm trong tay toàn bộ vùng đất trù phú ở Gò Công, Long An, Tiền Giang kéo dài đến tận biên giới Campuchia.

Giai đoạn này, dân gian thường có câu "cò bay mỏi cánh cũng không hết đất của ông Huyện Sỹ". Gia đình Huyện Sỹ giàu có đến mức xuất hiện giai thoại ông có một kho tiền bí mật. Để đảm bảo tiền không mốc, hỏng, ông thuê hẳn một nhóm người bảo quản, đem tiền ra phơi nắng rồi cất lại vào kho.

Giàu có, Huyện Sỹ Lê Phát Đạt cho con cái du học ở những trường danh giá của Pháp. Khi các con trưởng thành, trở về nước, ông chia cho quản lý một phần tài sản ở những vùng khác nhau.

Sau này, con cháu của ông gồm: Lê Thị Bình (mẹ Nam Phương Hoàng hậu), Lê Phát An, Lê Phát Thanh, Lê Phát Vĩnh, Lê Phát Tân đều là những đại điền chủ nổi tiếng có nhiều đất ở Tân An, Đức Hòa, Đức Huệ và Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An ngày nay). Trong số này, người con Lê Phát An của ông là nổi tiếng nhất.

Gia tộc giàu có hơn vua Bảo Đại

Không chỉ sở hữu ruộng đất bao la ở các tỉnh miền Tây, Huyện Sỹ còn mua một loạt khu đất ngoại thành Sài Gòn, đặc biệt là ở khu vực quận Gò Vấp ngày nay để làm kho xưởng, nhà máy rồi cho người khác thuê lại.

Tại đây, ông cũng cho xây dựng hàng nghìn căn nhà để cho thuê. Các giai thoại đều khẳng định, đất đai của Huyện Sỹ bao trùm một vùng rộng lớn của Sài Gòn, kéo dài từ ngoại thành đến các quận 1, Tân Bình, Gò Vấp.

Cho đến bây giờ, dù đã trải qua hơn 100 năm, các dấu tích, minh chứng cho nhận định trên vẫn hiện hữu tại TP.HCM gồm: Nhà thờ Huyện Sỹ (quận 1), nhà thờ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp), nhà thờ Chí Hòa (quận Tân Bình).

Tất cả các nhà thờ này đều xây trên đất của Huyện Sỹ. Trong số này, nhà thờ Huyện Sỹ hay còn gọi nhà thờ Chợ Đũi là nổi tiếng hơn cả.

Theo các tài liệu còn sót lại, nhà thờ này được Huyện Sỹ Lê Phát Đạt hiến đất và xuất 1/7 gia tài để xây dựng. Tính theo thời giá lúc bấy giờ, chi phí xây dựng nhà thờ Huyện Sỹ trên 30.000 đồng bạc Đông Dương. Đây được nhận định là một số tiền cực lớn vào thời điểm ông sinh sống.

Nhà thờ Huyện Sỹ được xây dựng từ năm 1902 đến năm 1905 mới hoàn thành. Nhà thờ xây theo kiến trúc Gothic và dùng đá granite Biên Hòa để ốp mặt tiền, các cột chính điện. Sau hơn 100 năm, kiến trúc này vẫn trầm mặc cùng thời gian, trở thành điểm du lịch nổi tiếng của TP.HCM.

Ngoài các dấu tích nói trên, người xưa còn truyền tai giai thoại gia tộc Huyện Sỹ giàu có hơn cả vua Bảo Đại. Thông tin này xuất hiện khi cháu ngoại ông, bà Nguyễn Hữu Thị Lan kết hôn với vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn.

Chuyện kể rằng, khi bà Nguyễn Hữu Thị Lan ra Huế tổ chức hôn lễ với vua Bảo Đại, ông Lê Phát An, con trai của Huyện Sỹ đã tặng cô cháu gái của mình 1 triệu đồng tiền mặt để làm của hồi môn.

Lúc bấy giờ, giá vàng chỉ 50 đồng/lượng. Nếu quy đổi, 1 triệu đồng lúc đó tương đương 20.000 lượng vàng. Từ món quà hồi môn này, dân gian đồn thổi tài sản của gia tộc Huyện Sỹ còn giàu có hơn nhiều so với vua Bảo Đại.


Hiện nay, nhiều người đến nhà thờ Huyện Sỹ để tìm hiểu về cuộc đời, độ giàu có đến choáng ngợp của đại phú hào Lê Phát Đạt. Ảnh: Hà Nguyễn

Thậm chí, có thông tin cho rằng, vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn cưới Nam Phương Hoàng hậu chỉ để có thể sử dụng khối tài sản kếch xù của gia tộc bà. Lúc còn làm vua, Bảo Đại luôn bị cho là tiêu tiền của nhà vợ.

Nhận định trên được ông Phạm Khắc Hòe, Đổng lý Ngự tiền Văn phòng tại triều đình Huế ghi lại trong hồi ký Từ Triều đình Huế đến Chiến khu Việt Bắc của mình. Ông viết: “Cô Lan lấy Bảo Đại chủ yếu là để lên ngôi Hoàng hậu. Bảo Đại lấy cô Lan chủ yếu là để đào mỏ…”.

Độ giàu của gia tộc Huyện Sỹ còn thể hiện trong việc ông Nguyễn Hữu Hào (con rể Huyện Sỹ, cha đẻ của Nam Phương Hoàng hậu) để lại khối tài sản khổng lồ cho con gái, khi bà rời Việt Nam sang Pháp sinh sống. 

Sách Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang viết: “Tài sản riêng do gia đình Nguyễn Hữu Hào tậu cho bà gồm một chung cư lớn tại Neuilly và một chung cư tại đại lộ Opera. Ngoài ra bà còn nhiều nhà đất ở bên xứ Maroc, Congo…”.

Mặc dù không có một thống kê cụ thể nào về tài sản, ruộng đất của Huyện Sỹ nhưng mức độ giàu có của ông được thể hiện qua những công trình còn hiện hữu tại nhiều quận của TP.HCM sau hơn 100 năm qua. 

Chưa kể đến việc gia tộc sở hữu những điền sản bao la ở các tỉnh miền Tây, chỉ riêng việc nắm trong tay các khu đất rộng lớn kéo dài từ quận 1 đến quận Bình Tân, Gò Vấp, Huyện Sỹ đã đủ trở thành người giàu bậc nhất Sài Gòn xưa.

Dẫu vậy, Huyện Sỹ vẫn chưa phải là người có tiếng tăm nhất tại Nam kỳ lục tỉnh. 

Thay vào đó, một nhân vật khác dù xếp sau ông một bậc về độ giàu có nhưng lại vô cùng nổi tiếng. Thậm chí, gia sản của người này không chỉ khiến người dân Nam kỳ lục tỉnh thán phục, mà cả người Pháp cũng phải ngạc nhiên.

HÀ NGUYỄN/VIETNAMNET

Tỷ phú Sài Gòn xưa chơi ngông cỡ nào?

Ông Nguyễn Văn Hảo, một thương gia, tỷ phú ô tô của Sài Gòn xưa vì quá yêu cải lương đã mở nguyên một rạp hát lớn nhất, 1200 chỗ mang tên mình: Rạp Nguyễn Văn Hảo.

Nằm cách tòa nhà 4 mặt tiền không xa, cũng trên đường Trần Hưng Đạo, rạp Công Nhân được xem là 1 trong những rạp cải lương lâu đời nhất ở miền Nam. Trước khi mang tên Công Nhân, rạp mang tên chính chủ nhân của nó, rạp Nguyễn Văn Hảo...

Quá mê nghệ thuật cải lương, năm 1905 thầy năm Tú, một nhà giáo ở Mỹ Tho đã bỏ tiền ra lập nên gánh hát và xây dựng rạp hát Thầy Năm Tú. 35 năm sau, năm 1940 ở Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Hảo - một thương gia - tỷ phú ô tô ở Sài Gòn cũng đã tìm được một miếng đất rộng để xây dựng nên rạp hát mang tên mình - rạp Nguyễn Văn Hảo.

Ông Hảo cũng như thầy năm Tú và bao người dân miền Nam khác, rất mê nghệ thuật cải lương. Dường như cải lương đã đi vào máu thịt của từng người. Họ không hề bỏ một vở diễn nào. Vì thế, rạp Nguyễn Văn Hảo mở cửa đã đáp ứng được sự mong muốn của khán giả và của chính người trong cuộc, ông Hảo.



Rạp Nguyễn Văn Hảo trước đây. Ảnh tư liệu

Rạp khá rộng. Mặt tiền trên đường Trần Hưng Đạo và mặt hậu giáp với đường Bùi Viện. Qui mô của rạp khá lớn với tổng cộng 1200 chỗ ngồi chính thức. Ngoài ra trên các lối đi còn có những hàng ghế phụ dành cho những khách không mua đươc vé chính thức. 

Rạp có 3 tầng. Tầng trệt dành cho người có vé hạng nhất với 500 ghế bọc nệm da màu đỏ. Tiếp đến lầu 2 có 400 ghế dành cho khách có vé hạng nhì. Cả tầng trệt và lầu 2 đều có ghế dựa và bọc nệm. Riêng tầng 3, ghế được đóng bằng ván dài xếp thành nhiều tầng có thể chứa khoảng 300 người, dành cho những vé rẻ tiền hơn.



Rạp Công Nhân số 30 Trần Hưng Đạo ngày nay

Với sức chứa lớn cùng với sân khấu rộng và thoáng nên khi rạp Nguyễn Văn Hảo bắt đầu hoạt động, một lượng khá giả đến ủng hộ. Những rạp hát cùng thời như rạp Aristo trên đường Lê Lai, rạp Thành Xương đường Yersin, rạp Thuận Thành ở Đakao đều là những rạp dành cho cải lương nhưng không còn đáp ứng được yêu cầu của khán giả. 

Các đoàn cải lương ở khắp 3 miền, gánh nào cũng muốn được trình diễn trên sân khấu Nguyễn Văn Hảo. Vì ở đó có những thuận lợi giúp cho các bầu gánh, soạn giả và họa sĩ thực hiện những tiến bộ kỹ thuật và nghệ thuật để nâng cao trình độ của sân khấu cải lương.

Có thể nói, trong suốt một thời gian khá dài nhờ có rạp Nguyễn Văn Hảo với những tiện nghi vào bậc nhất thời bấy giờ, nghệ thuật cải lương càng có điều kiện phát triển lên tới đỉnh cao.

Từ khi thành lập đến trước 1954, nhiều đoàn hát với những vở tuồng rất ấn tượng được trình diễn tại đây. Người mê cải lương không thể quên "Tây Thi gái nước Việt" do đoàn Năm Châu biểu diễn, "Đoàn chim sắt" của đoàn Hoa Sen...

Chuyện kể về những đoàn hát đến rạp biểu diễn thì nhiêu vô kể. Trong số đó, câu chuyện về đêm khai trương vở tuồng "Đoàn chim sắt" thật ấn tượng. Ngoài 1200 chỗ ngồi chính thức, khán giả còn đứng đông nghẹt ở hai bên vách tường, chật cả lối đi ở giữa. Thậm chí, có một số khán giả còn đứng trước sân khấu che cả tầm nhìn của khách có vé thượng hạng khiến nhiều người lên tiếng phản đối...

Đến năm 1970, gia cảnh ông Hảo có nhiều biến động khiến cho ông không còn toàn tâm toàn ý với công việc kinh doanh. Ông cho thuê rạp hát để sau đó, người chủ mới đã biến nơi đây thành rạp chiếu bóng với cái tên mới, ciné Nguyễn Văn Hảo.

Bộ phim đầu tiên được trình chiếu tại đây là "Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài" rồi đến "Thích Ca đắc đạo". Đây là những bộ phim gây được ấn tượng và có tiếng vang lúc bấy giờ.

Sau 1975, rạp Nguyễn Văn Hảo được đổi tên thành rạp Công Nhân đến bây giờ...

VIETNAMNET

Khu mộ cổ của bá hộ giàu nhất Sài Gòn xưa

- Ngôi cổ mộ nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ trên đường Phú Thọ Hòa (Phú Thọ Hòa, Tân Phú, TP.HCM). Mộ được xây bằng đá, có tường rào, mái che, họa tiết chạm khắc công phu. Người nằm trong mộ là vợ chồng ông Lý Tường Quan, hay còn gọi là bá hộ Xường, người đứng thứ ba trong bốn người giàu có nhất Nam kỳ lục tỉnh.

Chân dung một thương gia

Lý Tường Quan (1842-1896), tự Phước Trai. Cha ông vốn là người Hoa sang Việt Nam sinh sống, lấy vợ người Việt và sinh được 4 người con. Ông là con thứ 3 sinh ra tại đất Gia Định.

Ông là người có tài, rất thông minh và ham học. Ông tinh thông tiếng Việt, tiếng Hoa và tiếng Pháp. Người Hoa tại Chợ lớn đã bầu ông là bang chủ Tiều Châu. Người Pháp nghe tiếng mời ông làm thông ngôn rồi kiêm luôn bang chủ của cả 7 bang người Hoa.



Khu nhà mồ bà hộ Xường tại hẽm 79/30 đường Phú Thọ Hòa.

Nghề thông ngôn thời ấy không đơn giản là chỉ phiên dịch. Người làm thông ngôn có điều kiện biết nhiều thông tin cơ mật và khả năng tiến thân vào bộ máy chính quyền Pháp là điều dễ dàng.


Trước ngôi mộ có 2 tượng người bằng đá, hương án, lư hương và bia đều bằng đá.

Lý Tường Quan hiểu rõ điều đó nhưng bản chất không muốn tiến thân bằng con đường quan lộ. Năm 30 tuổi ông xin nghỉ làm thông ngôn trở về đời sống dân thường làm nghề buôn bán. 


Mộ ông Lý Tường Quan

Khởi nghiệp đi buôn, ông về miền lục tỉnh mua cá đem ra bán ở Chợ Lớn. Ông bán cả cá khô lẫn cá tươi và có cả một đội thuyền để vận chuyển. 

Nhận thấy các ghe thuyền chỉ lưu thông một chiều rất lãng phí, ông nghĩ ngay đến việc chuyển các nhu yếu phẩm cần thiết từ Chợ Lớn đua đến tận tay người nông dân. Nhờ vậy là chỉ trong thời gian ngắn việc buôn bán của ông phất lên như diều gặp gió.



Bia sau ghi tiểu sử và sự nghiệp ông Lý Tường Quan, trước bia có hình thờ.

Không chỉ buôn bán trong nước, ông mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Các loại cá khô, mắm được ông chế biến bán qua các nước lân cận. Công việc làm ăn của ông thuận lợi nhờ vào sự hiểu biết và tinh thông nhiều ngôn ngữ giúp ông vượt qua được những trở ngại ban đầu.

Cái tên bá hộ Xường bắt đầu vang danh khi ông bước sang lĩnh vực bất động sản. Ông tìm mua những thửa đất giá rẻ ở những vị trí đẹp. Sau đó, ông xây nhà, xây biệt thự rồi cho thuê. Cứ thế ông phát triển và chỉ vài năm sau số nhà đất ông có trong tay con số khá lớn. Có thể nói, nhà đất của ông chiếm hết phân nửa vùng Chợ Lớn và lan rộng ra trong pham vi Gia Định.

Tiếng tăm của ông vang dội. Nhiều người đánh giá, nếu chú Hỏa với 30.000 căn nhà nhưng chỉ được xếp vào hàng thư 4 thì với bá hộ Xường đứng hàng thứ 3, số nhà phải hơn rất nhiều.

Trong khi nhứt Sỹ (huyện Sĩ), nhì Phương (tổng đốc Phương) làm giàu nhờ có các chức vụ trong chính quyền Pháp thì tam Xường (Lý Tường Quan) chỉ nhờ vào năng lực sẵn có của mình để tiến thân, khiến người đời cảm phục.


Mộ bà Nguyễn Thị Lâu, vợ ông Lý Tường Quan

Mặc dù rất giàu nhưng ông và gia đình vẫn sống trong khuôn khổ và nề nếp, không ăn chơi, hưởng lạc. Ông mất năm 1896 khi chỉ mới 54 tuổi. Con cháu ông tiếp tục cai quản gia sản cho đến năm 1975 thì họ ra sinh sống ở nước ngoài.

Khu mộ bá hộ Xường 

Khu mộ của vợ chồng bá hộ Xường không to lớn nguy nga, nép mình trong con hẻm nhỏ, ngôi mộ mang đậm nét kiến trúc cổ Trung Hoa. Ngôi mộ nằm trong nhà mồ ngay chính giữa có cửa vòm, hai bên cửa là cặp liễn chữ Hán.

Mộ bằng đá xanh hình chữ nhật 3,4x2,2m, dày 0,3m, nhô cao 0,8m. Đứng trước mộ là 2 tượng người bằng đá, một nam một nữ, mang tên là Lương Phước Thắng và Kiều Thoại Hương. 

Hương án được đặt ở giữa bên trên có lư hương. Tất cả đều bằng đá được chạm khắc công phu. Bia trước cũng bằng đá dựng sát ngôi mộ. Trên bia có ba hàng chữ Hán ghi lại phần mộ của ông Lý Tường Quan kèm theo danh tánh các con cùng lập mộ.



Mặt tiền và trong sân từ đường họ Lý bị chiếm dụng.

Phía sau mộ là một tấm bia lớn được dựng rất trang trọng. Hai bên là liễn đối. Trên bia có khắc hơn 300 chữ Hán với nội dung ghi lại tiểu sử và sự nghiệp của ông Lý Tường Quan. Trước bia còn có tấm hình thờ.

Mộ bà Nguyễn Thị Lâu - vợ ông Lý Tường quan - được xây dựng ngoài trời bên cạnh nhà mồ. Mộ có tường bao quanh, có bia trước bia sau. Tất cả đều bằng đá kiên cố và rất mỹ thuật.

Quần thể nhà mồ và mộ của ông bà Lý Tường Quan đều là di sản quý giá về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và chạm khắc trang trí của Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.



Bên trong từ đường

Ngoài ngôi cổ mộ, trên đường Hải Thượng Lãn Ông (phường 14, quận 5) còn có ngôi từ đường của dòng họ Lý. Sinh thời, căn nhà này là nơi ông bà Lý Tường Quan và các con sinh sống. Hiện cả ngôi mộ và nhà từ đường đều được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Mặc dù đã được công nhận là di tích nhưng mặt tiền và trong sân nhà từ đường dòng họ Lý đã bị nhiều người buôn bán chiếm dụng. Khi chúng tôi có mặt, còn trong giờ làm việc nhưng cửa từ đường đóng chặt. Phải khó khăn lắm những người bên trong mới mở cửa cho chúng tôi vào bên trong ghi hình. 

VIETNAMNET




Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.