.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2024

Tuyệt phẩm Besame Mucho: Mộng ảo thiếu nữ, bài hát trăm năm. - Bài Kha Anh - Art Columnist








Năm tới đây, 2024 ca khúc bất hủ của Mexico, Besame Mucho sẽ bước vào tuổi 93. Gần một thế kỷ sắp trôi qua, tuyệt phẩm này vẫn ở lại như thể nỗi nhớ, như thể khát khao lứa đôi chưa bao giờ ngừng thôi thúc.
Tác giả của nó, Consuelo Velazquez, nếu còn sống cũng đã bước qua tuổi 100. Dù đã mất 15 năm nay nhưng những di sản âm nhạc mà bà để lại là vô giá, trong đó có bài tình ca bất hủ, Besame Mucho.
• Nụ hôn tưởng tượng
Tên tuổi Consuelo Velazquez từ lâu không còn là của riêng đất nước vùng Bắc Mỹ - Mexico - nữa. Di sản mà bà để lại cho nhân loại là những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng mà sáng chói nhất chính là bài hát Besame Mucho, một ca khúc đã mở cánh cửa đưa âm nhạc Mexico ra bên ngoài biên giới và đưa tên tuổi nữ nhạc sĩ ra thế giới.
Consuelo Velazquez sinh năm 1916, mất năm 2005 tại Mexico. Bà bắt đầu chơi dương cầm từ lúc 4 tuổi, vào nghề như một tay dương cầm nhạc cổ điển tại nhạc viện Palaciode Bellas Artes và XEQ Radio, nhưng sau đó trở thành một ca sĩ và ca nhạc sĩ thu âm. Ngoài ca khúc này, bà còn sáng tác hàng trăm tác phẩm khác, nhưng chỉ có Besame Mucho nổi tiếng nhất, được nhiều người hâm mộ nhất.
• Điều gì khiến Besame Mucho được yêu mến nhiều đến vậy?
Đầu tiên, Besame Mucho (Kiss me a lot – Hãy hôn em thật nhiều) là một bản nhạc tình buồn. Và nỗi buồn ấy được viết bằng điệu bolero lúc ấy chỉ mới vừa du nhập vào Mexico, trong khi samba, mambo, tango mới là thứ âm nhạc đang nổi khắp nơi tại khu vực latin. Quan trọng hơn, Consuelo Velazquez là một nữ tác giả hiếm hoi viết nhạc bằng thức điệu bolero vào thời điểm ấy.
Thứ đến, nỗi buồn của bài hát là một nỗi buồn đẹp, nỗi buồn muôn thuở của một cặp tình nhân khi sắp phải chia lìa nhau. Trong bài hát, cô gái thổn thức “Hãy hôn em thật nhiều/ Như thể đêm nay là đêm cuối/ Bởi vì em sợ sẽ mất anh/ Mất anh mãi mãi/ Hãy ôm em thật chặt/ Để được thấy em trong mắt anh/ Để được thấy anh thật gần/ Bởi vì ngày mai/ Em sẽ phải xa anh/ Xa anh muôn trùng”…
Một bài hát với lời lẽ trữ tình, lãng mạn, say đắm và nồng nàn, có thể ở thời buổi sau này, đó là điều hết sức bình thường, nhưng vào những năm 30 thế kỷ trước, đó là sự đột phá mang tính biểu tượng.
Khi nghe bài hát, nhiều người lầm tưởng đây phải là lời lẽ của một tác giả đã kinh qua lẽ đời, đã trải nghiệm những đớn đau trong tình yêu. Nhưng hóa ra không phải. Khi viết ca khúc này Consuelo Velazquez mới chỉ vừa… 15 tuổi, là một thiếu nữ trong trắng, chưa có một mảnh tình vắt vai và (như bà kể lại sau này), chưa hôn ai bao giờ.
“Đó là vào một buổi chiều, ngồi bên dương cầm, trong tâm trạng ngẫu hứng tôi đã ứng tấu những tình cảm và ước vọng đang tràn ngập. Khi đó, thậm chí tôi còn chưa biết ghi lại nốt nhạc”, Consuelo Velazquez sau này nhớ lại.
Vào năm 1931 ấy, khi Besame Mucho ra đời, ngay lập tức nó đã trở thành một quả bom, chẳng khác nào hình ảnh gây náo động cả một thế hệ khi Brigitte Bardot mặc áo tắm hai mảnh trong bộ phim “Và Chúa đã tạo ra đàn bà” sau này.
Bởi vào thời đại những năm 30 thế kỷ trước, xã hội Mexico vẫn còn rất bảo thủ, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, trọng nam khinh nữ, tôn giáo quyết định những chuẩn mực, đàn bà cần tránh tiếp xúc với đàn ông, tránh xa cám dỗ, hôn nhau là tội lỗi…
Vậy mà có một cô gái dám đứng lên kêu gọi ”hãy hôn em thật nhiều”. Giai điệu bolero cùng với những lời ca nồng cháy cứ len lỏi, chầm chậm nhưng thấm sâu vào tâm gan người nghe, làm nên một nỗi buồn man mác.
Besame Mucho nhanh chóng trở thành tâm tư, mộng ước của đa phần công chúng khi ấy, cho dù đó chỉ là nụ hôn tưởng tượng của người sáng tác. Và cũng chỉ bằng Besame Mucho, Consuelo Velazquez đã trở thành tượng đài, thành một người đấu tranh cho nữ quyền, một kiểu mẫu cho phong trào giải phóng phụ nữ vào thời bà sống.
Và từ đó trở đi, Besame Mucho trở thành bài hát Mexico hay nhất mọi thời đại, trở thànhniềm tự hào của xứ sở rượu tequila.
*****
Nhiều người khi ấy không thể tưởng tượng rằng một khúc mộng ảo thời thiếu nữ của một cô nàng tuổi teen nào đó bỗng nổi tiếng đến vậy.
Nhưng cũng cần phải nói rõ rằng Besame Mucho không thuần là sáng tác của một mình Consuelo Velazquez, bởi bà cũng chịu ảnh hưởng từ người khác.
• Bản tình ca thế kỷ
Hai câu mở đầu bài này, bà đã lấy từ giai điệu của nhà soạn nhạc cổ điển người Tây ban Nha cuối XIX, Enrique Granados, trong tổ khúc Đôi tim non trẻ yêu đương (Los majos enamorados), đặc biệt là ở khúc thứ 5 Lời thở than hay thiếu nữ và cánh chim Họa mi (Quejas, o La Maja y el Ruiseñor) với những cảm xúc giai điệu tình tứ sâu lắng nhất. Những câu sau, nhất là phần điệp khúc, bà đã dựa theo câu mở đầu theo ngẫu hứng mà biến tấu, thay đổi cấu trúc thành điệu bolero rất đẹp và hài hòa.
Nhưng cho dù có sự ảnh hưởng từ đâu thì Besame Mucho vẫn được xem là sáng tác để đời của Consuelo Velazquez. Sau khi nổi tiếng tại quê nhà, bài hát đã vượt đường biên vào tới Mỹ. Ngay sau đó, Besame Mucho đã xuất hiện trong một bộ phim và đến năm 1941, ca khúc này chính thức được phát hành qua giọng ca của Emilio Tuero.
Lúc ấy, Besame Mucho thoát khỏi những vướng mắc mang tính xã hội tại Mexico và trở thành bài hát chuyên chở nỗi lòng của những người ra trận khi đệ nhị thế chiến lôi những chàng trai ra chiến trường và chia cách tình yêu của họ. Vì thế nó lại càng nổi tiếng.
Từ Mỹ, bài hát này đi một vòng Bắc Mỹ, sang toàn bộ Nam Mỹ rồi đến Pháp, châu Âu, sang Liên Xô tới châu Á và nhanh chóng trở thành bài hát quen thuộc trên toàn thế giới.
Một loạt những giọng ca hàng đầu, từ những vocal huyền thoại như Frank Sinatra, Dean Martin, Cesária Évora… cho đến những nhóm nhạc chỉ mới vừa chập chững vào nghề thời ấy như The Beatles (hát năm 1962), The Ventures… hay những hảo thủ jazz danh tiếng João Gilberto, Wes Montgomery, Bill Evans, kể cả những giọng tenor dữ dằn như Placido Domingo cùng những dàn nhạc danh tiếng cũng đã biểu diễn bài này. Dù vào thời điểm nào Besame Mucho vẫn được hát như mới lần đầu, kể cả sau này Andrea Bocelli, Celine Dion, Diana Krall hay Michael Buble… cũng đều hát lại. Năm 1980, bộ phim “Moskow không tin vào nước mắt” đoạt giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar, trong phim đã sử dụng bài hát này.
Theo thống kê chưa chính xác, Besame Mucho trở thành một trong những bài hát được thu âm nhiều nhất thế giới với hơn 1000 phiên bản cả hát lẫn hoà tấu, bán hơn 100 triệu đĩa, được biểu diễn trên ti vi và đài phát thanh hơn 2 triệu lần, và tác quyền, theo như lời Consuelo Velazquez, “không phải nghĩ, đủ để tôi sống sung túc cả đời”.
Ở Việt Nam, ca khúc này tồn tại dưới 3 phiên bản lời Việt: Đẹp như giấc mơ (nhạc sĩ Y Vân); Giấc mơ xưa (Phong Vũ); Yêu nhau đi (Trường Kỳ). Phiên bản của Trường Kỳ thông dụng hơn, được khá nhiều ca sĩ chọn để trình diễn và thu âm.
Tuy vậy, khi thoát thai khỏi biên giới quê nhà, Besame Mucho phần nào bị mai một đi ý nghĩa cháy bỏng của lời gốc và được gán dưới nhiều mức độ cảm xúc khác nhau dù tinh thần thì vẫn được giữ lại.
Nhưng bất luận thế nào, theo thời gian, Besame Mucho vẫn là bài hát được xưng tụng dưới mọi ngôn ngữ. Đó là ca khúc của tự do, của tình yêu, của tuổi trẻ và là bản tình ca thế kỷ.
Năm 2003, để ghi nhận cống hiến lớn lao của Consuelo Velazquez về nghệ thuật lẫn kinh tế cho đất nước, chính quyền Mexico đã tạc tượng bà và đặt trang trọng tại thủ đô Mexico City.
LeVanQuy share từ trang navigator-com

Đi Ăn Ở Hà Nội

Hà Nội có nhiều món ngon; chuyện ấy ít người cãi. Nhưng món ăn ngon Hà Nội tập trung ở Phố cổ; mà nhà ở Phố cồ thì bé tẻo teo, thế nên hàng quán bày bán đầy vỉa hè, muốn ăn thì ngồi ngay đường đi, ghế thấp lè tè, toàn ghế nhựa. Món ăn cũng bày tràn ra đường mặc cho bụi đường và vi trùng ồ ạt.  Hà Nội nổi tiếng là thành phố ô nhiễm bậc nhất cho nên thức ăn cũng thế thôi.

Ra Hà Nội tìm món ăn ngon của một thời trong văn của Thạch Lam, của Vũ Bằng và cả ông Nguyễn Tuân, những người được cho là sành ăn, thế nhưng khi thấy mọi người chen chúc ở vỉa hè và món ăn bày tràn cả lề đường thì ngại ngùng. Cũng có một số quán bán trong nhà, nhưng chật chội và bẩn cộng với muỗng đũa nhầy nhụa cả mỡ. Căn nhà ám khói và tràn giấy lau bay như bướm, trắng cả sàn. Chủ tiệm và người phục vụ có lẽ đắt khách quá nên chẳng cần lịch sự với khách.  Họ trả lời cứ nhấm nha nhấm nhẳng. Chủ và tớ nhễ nhại mồ hôi cứ thế mà bưng bê thức ăn. Đặc biệt khi đi ăn ở các quán ăn Hà Nội, nhớ tuyệt đối đừng bao giờ đi vệ sinh, bởi đã vào đấy đi ra thì không thể ra ăn tiếp được vì nhà vệ sinh quá xá bẩn, bẩn tới phát khiếp.

Một lần tui vào Phở Thìn ở Phố Lò Đúc, ngồi một lát chẳng thấy ai hỏi mà quán thì nóng hầm hập, người chen chúc.  Bàn ăn của quán là một dãy dài, ngồi chung chạ nhau. Đợi một hồi thấy chả có ai hỏi dù đã ra dấu nhiều lần với người phục vụ, nhưng các cậu ấy cứ tảng lờ. Ông khách ngồi chung bàn thấy thế mới bảo:

- “Ông phải ra ngoài kia gọi phở và trả tiền thì nó mới bưng vào.”

À ra thế!  Gọi mấy bát phở, bảo chín, gầu.  Cậu phục vụ lắc đầu:

- “Ở đây chỉ có một món tái lăn.  Một bát 60 ngàn.”

Khi tô phở bưng ra, tui thử một muỗng nước lèo, đầy bột ngọt, thế là chỉ ăn được một vệt. Nhìn lui, một cặp vợ chồng trẻ và đứa con đang đứng chờ ngay sau lưng, tui đành đứng dậy.  Ở đây không bán nước uống.  Thôi thì để miệng nham nháp bột ngọt mà đi ra khỏi quán.

Người ta bảo Phở Bát Đàn ngon, tui lại không thích quán đó, dù có ngon, bởi cái kiểu cầm tô xếp hàng và thái độ khinh khi khách của tên lùn múc phở là tui không chịu được. Lại nghe Phở Dư, Phở Sướng, Phở Hàng Da… ăn cũng được lắm (?)  Tui thuê xe đi ngang qua các quán này lại không dám vào vì quán nào cũng chen chúc, chỗ nào cũng chật chội.

Không ăn phở thì ăn bánh cuốn vậy!  Nghe bảo ở Hàng Gà có bánh cuốn ngon, chợt nhớ cô bạn nhắn bảo ở phố Hàng Cót có quán bánh cuốn ăn được lắm.  Tui hí hửng đi lộn về, gọi một dĩa nhưng rất thất vọng. Chạy qua Thanh Vân ở Hàng Gà, quán sạch sẽ, có quầy thu tiền ở cửa. Được giới thiệu “dĩa combo” gồm bánh cuốn và hai miếng chả cắt xéo giá 60 ngàn. Tui gọi ngay một đĩa, rồi cũng đành bỏ vì ăn không ngon; có lẽ khẩu vị của tui khác chăng? Tui bị cái tật là cảm thấy không ngon là bỏ, không ăn. Thà nhịn đói chứ không chịu ăn thứ dở.

Tui đành kêu cuốc xe trở về khách sạn. Đi ngang hàng quán bún, miến, cháo, gà, vịt, ngan, bún thang, bún ốc, chân gà, lòng lợn, cua, ốc, giò, nộm, chả cá…  đẩy phố, nhưng thấy quán chiếm chật vỉa hè đành nhịn mà đi.

Một tối tui đi ăn bún chả gần khách sạn tui đang ở, đương nhiên là ngồi vỉa hè rồi.  Đang ăn chợt thấy trước mặt, chị giúp việc rửa tô bằng cách nhúng vào một xô nước lợn cợn bún và rau, rồi cầm một cái khăn đã ngã màu theo tháng năm lau quanh, sắp thành chồng. Nhìn thế, tui phát nhợn, không ăn tiếp được.

Buổi sáng thức dậy sớm, một anh bạn người Hà Nội đem xe chở tui đi về làng Ước Lễ, nơi còn có cái cổng làng chụp hình. Anh bảo ghé Lý Thường Kiệt mua mấy gói xôi xéo ăn sang.  Theo anh, đây là nơi bán xôi ngon nhất Hà thành. Tới nơi, thấy xôi, hành phi, giò chả để ngay dưới đất trên lối đi của người đi bộ, không sạp, không bàn ghế là đã thấy oải. Có ngon cũng thành dở.

Hà Nội vẫn có nhiều nhà hàng lịch sự và vệ sinh, nhưng người Hà Nội bảo rằng các món ăn ở đó không ngon, không đúng chất Hà Nội. Ăn ở các nơi đó là chưa thưởng thức được món ăn Hà Nội và chứng tỏ là không biết ăn.

Có lẽ Hà Nội là nơi có nhiều quán lề đường nhất nước và cũng có lẽ đó là phong cách ẩm thực của người Hà Nội. Tui ra Hà Nội rất nhiều lần từ thập niên 90 đến nay, nhận thấy cung cách mua bán hàng ăn ở Hà Nội không đổi mà ngày càng xô bồ và nhếch nhác hơn.

Đây là ý kiến và cách nhìn của một cá nhân, có thể chưa bao quát hết, nhưng cũng là nhận định của một người phương xa yêu Hà Nội viết vội về việc ăn ở Hà Nội.

 

Đỗ Duy Ngọc

Đính kèm là hình của Lady Nguyễn Thị Kim Loan từ Edmonton bay qua Cali năm 2023 :

Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021 và mới nhận Giải Vinh Danh Tác Giả năm 2023.

 


 Điểm Trừ... Đó Đây


Những điểm tốt đẹp hấp dẫn của Little Sài Gòn, Nam California (mà người Việt hải ngoại mình hay gọi ngắn gọn là Khu Bolsa), đã được nhiều người nói đến. Nào là khí hậu ôn hoà, nhiều bờ biển nổi tiếng, nhiều phong cảnh đẹp xinh, cây trái hoa lá tốt tươi và nhất là “thiên đường ẩm thực” của người Việt khắp nơi đổ về thưởng thức. Tôi không phản đối điều này, mặc dù tôi đã bị vào vài ba quán không hề ngon tại Bolsa, khỏi cần kể tên ra đây làm gì (kẻo bị... guýnh sao, ngu gì!). Sự thực, kiểm lại những quán ăn Việt Nam ở nhiều thành phố tôi đã từng ghé qua, có nơi nhiều lần, từ Canada qua Mỹ thì thấy rằng, nơi nào cũng có thức ăn ngon. Nhưng ở Little SaiGon vì dân số đông, mức độ canh tranh nhiều, nên thức ăn đa dạng hơn, và có thể ngon hơn, còn ngon nhất hay nhì hay ba, thì tuỳ vào khẩu vị từng người, có phải ?

Thôi thì “điểm cộng” người ta nói hết rồi,  bữa nay tôi nói về những điểm “chưa tốt”, hay còn gọi là “điểm trừ”,  nha!

Năm đó, cũng cỡ gần chục năm rồi, gia đình tôi và gia đình mấy anh chị em tôi ở các tiểu bang khác trong nước Mỹ rủ nhau cùng bay đến Little Sài Gòn, để kết hợp thăm Bố, gia đình ông anh, bà con họ hàng cũng như thăm thú cảnh đẹp Nam California.

Sáng chúa nhật, cả nhà kéo nhau đi chơi trung tâm Phước Lộc Thọ giữa lòng Bolsa. Chúng tôi đi một vòng trên lầu, thấy chả có gì hấp dẫn ngoài mấy tiệm vàng. Khổ nỗi, vàng bạc, kim cương hột soàn không phải là niềm đam mê của tôi, vàng giả vàng thiệt, hột soàn dỏm hột soàn thật tôi chẳng biết phân biệt, cho tôi đeo chỉ thêm uổng phí. (Nói nào ngay, tôi cũng có đam mê, đó là…tiền trong bank thôi). Chúng tôi lại kéo nhau xuống tầng dưới, tìm các món ăn cho bữa trưa. Tôi và bà chị Cả vì vẫn còn no với ly café sữa đá và ổ bánh mì thịt Lee Sandwich trên xe lúc khởi hành, nên trong lúc chờ đợi mấy người khác ăn uống, hai chị em thấy một cửa hàng áo quần ngay đó, tiện chân bước vào xem để giết thời gian. Vào tiệm rồi hai chị em mới thấy ân hận vì trong tiệm không có bóng một người khách nào, tính quay trở ra thì chị chủ xuất hiện, lớn tiếng sang sảng:

-           Hai chị đã vào tiệm chưa coi cái gì mà tính ra về, “chơi” vậy sao được chứ, mở hàng kiểu này tội tui lắm đó!

 

Tụi tôi giật mình nhìn chị chủ, người vừa mở lời chào khách với cái giọng sẵn sàng gây sự (gì mà “chơi” với “không chơi”, nghe y như phim… kiếm hiệp giang hồ). Khuôn mặt chị ấy nhìn quen quen như những khuôn mặt “mang dấu ấn thẩm mỹ” thường gặp ở đâu đó. Mắt cắt hai mí, lông mi dài, chân mày xăm đậm lè, mũi thẳng băng và đặc biệt là cái miệng có đôi môi chẻ hai trái tim (chẻ môi trên môi dưới luôn á). Cái miệng trái tim này tưởng chỉ để thốt ra những lời êm ái dịu dàng thôi chớ, ai dè ngược lại.

Nghe vậy, chị em tôi đành bước lại xem mấy cái áo trên cái rack, thầm thì bảo nhau, ráng tìm một cái gì đó mà mua “trả nợ quỷ thần”. Trong lúc hai chị em xem áo, chị “đẹp” cứ đứng sát bên "kềm kẹp", không cho chúng tôi có thì giờ bàn bạc, suy tính tìm cách “chuồn” ra ngoài.

Chị chủ lấy một chiếc áo ra mời chào:

-       Áo này là hàng mới về, hợp với bà chị lắm đó.

 Chúng tôi nhìn áo lưỡng lự, rồi chị tôi hỏi:

-          Cái này giá bao nhiêu vậy chị?

-          Giá rành rành đây mà không thấy hở? Bốn chục.

 

Ý chị “đẹp” rủa chúng tôi … hổng có mắt sao? Bán hàng kiểu gì vậy trời? Tôi nhanh nhẩu:

- Úi, hơi mắc chị ơi!

Và chi “đẹp” được dịp xổ một tràng, rằng người mua lầm chớ nguời bán không lầm, tiền nào của nấy…yada…yada ...yada ... rồi quăng cái áo vào người chúng tôi:

            - Thôi, tui bán mở hàng làm quen giá ba lăm đồng, hai chị mở hàng lẹ lẹ giùm.

 

Chị “đẹp” lập lại mấy lần chữ “mở hàng” (dù là đang vào giờ trưa) là tụi tôi hiểu phải làm gì, nếu không muốn nhìn thấy chị đốt giấy phông lông đuổi tà. Nhìn cái áo chẳng ưng ý cho lắm, nhưng bà chị tôi muốn thoát khỏi nơi này càng sớm càng tốt nên đành cầm cái áo đi vào chỗ thử sau tấm màn che và trở ra, sung sướng báo tin:

- Chị chủ ơi, cái áo hơi dài. Tiếc quá tôi không thể mua nó.

Tôi nhìn cái áo bà chị mặc hơi dài rành rành ra đó, tưởng sẽ có lý do chính đáng để khỏi phải mua áo nên tôi thở phào thóat nạn:

-  Phải chi ngắn đi chút xíu thì quá đẹp luôn. 

Nhưng không, chị “đẹp” không hề nao núng, với tay chụp liền một cái áo khác:

 - Vậy thì cái này ngắn hơn nè, tuy kiểu hơi khác một chút, nhưng cũng đẹp tương đương áo kia.

 

Hai chị em tôi nhìn nhau, biết là đã lâm vào bước đường cùng, không thể không mua áo, đành ỉu xìu cầm chiếc áo ra ngoài quầy tính tiền.  Chị “đẹp” la lên:

    - Ủa, không cần thử áo hả?

    - Thôi, tôi biết nó cùng size, khỏi thử!

 Chị “đẹp” trố mắt hai mí, lại nói trỏng không chủ ngữ:

-  Tùy nhe, chớ bước ra khỏi tiệm mà quay lại đổi hay trả hàng là không được đâu.

 

Ủa, chị “đẹp” còn nghĩ là tụi tui muốn quay trở lại đây sao? Mơ đi cưng!

Hai chị em tôi, kẻ ở Texas, người bên Canada đã mấy chục năm. Chúng tôi thừa biết, đi shopping mua sắm nơi các tiệm người Mỹ hay Canada đều được đón chào nhiệt tình vui vẻ, tha hồ lựa áo quần, rồi vào phòng thử rộng thênh thang, thử hết bộ này đến bộ kia, mấy lượt thử mấy lượt ôm đống đồ vừa thử ra ngoài cho nhân viên treo lại lên rack mà người nhân viên bán hàng vẫn phục vụ không một lời phàn nàn, và khi đem hàng về nhà không vừa ý, vẫn có thể quay lại đổi, thậm chí muốn refund cũng không hề gặp khó khăn cản trở gì. Vậy mà xui xẻo, ma đưa lối quỷ đưa đường, bị “bà nhập” sao đó, mà lại kéo nhau vào cái tiệm nhỏ như lỗ mũi của chị chủ “bá đạo” này.

 

Bình thường, tôi cũng thuộc loại người hay “ngứa miệng”, giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha, biết vận dụng phương châm “khách hàng là thượng đế” để góp ý những lúc cần thiết. Nhưng nhìn thấy khuôn mặt son phấn dư thừa của chị “đẹp”, nhất là đôi mắt lúc nào cũng như trợn ngược,  nhìn tụi tôi thiếu điều muốn ăn tươi nuốt sống, cái miệng trái tim trề ra như chuẩn bị quăng những lời khẩu chiến dữ dội, tôi bỗng trở nên “em hiền như ma-xơ” (ông xã từng nói tôi “khôn nhà dại chợ”, ở nhà giỏi lớn tiếng ăn hiếp chồng con, ra ngoài bị người ta hét một tiếng là lí nhí như khỉ mắc mưa, quả chẳng sai).

Hai chị em tôi ngoan ngoãn, líu ríu móc bóp, trả tiền cho cái “áo em chưa mặc một lần” và chẳng bao giờ mặc, vì sau đó chúng tôi không mang theo hành lý về nhà mà để lại nhờ bà chị dâu  đem cho Good Will giùm.

Từ đó, thỉnh thoảng tôi có trở lại Nam California nhưng không có dịp nào vào Phước Lộc Thọ nữa. Bà chị Texas của tôi cũng thường bay qua phố Bolsa thăm Bố khi Bố còn sống nhưng cũng bận rộn gặp gỡ người thân, bè bạn, nên cũng không ghé vào cái nơi “kỷ niệm nhớ đời” ấy nữa. Chẳng biết lúc này cái tiệm ấy ra sao, có đổi chủ mới chưa, hay là chị “đẹp” vẫn còn đó và tiệm vẫn vắng như chùa Bà Đanh chỉ trông chờ chó ngáp phải ruồi khách phương xa (như hai chị em tôi) lớ ngớ bước chân vào và chị chủ lại ra tay "khủng bố" khách hàng phải mua bằng được món đồ gì đó mới có thể bước ra khỏi tiệm?

Đó là chuyện bên California. Giờ thì đến chuyện của Texas, nơi mà vợ chồng con cái chúng tôi qua chơi rất thường xuyên như “đi chợ” vì hầu hết đại gia đình, bà con của tôi đều ở tiểu bang “lone star” này.

Trong một chuyến đi chơi New Orleans, trên đường lái xe xuyên bang trở về Arlington, chúng tôi ghé vào một nhà hàng Việt để pick up mớ thức ăn đã order trước đó. Tôi đứng tại quầy cashier, xem lại các món hàng, giá cả, chuẩn bị trả tiền thì thấy trên quầy vừa bày ra bánh cuốn nóng hổi và chả lụa, nên với tay lấy mỗi thứ một cái. Do vậy chủ quán quay đi lấy thêm túi rồi phụ tôi để thêm đồ. Lúc đó, có bà cô kia từ đâu đi tới, đưa thẳng tiền cho chủ quán:

-  Tính tiền hai tô bún nhe ông chủ.


Chủ quán hơi khựng lại, nhìn tôi như phân trần. Tôi im lặng chả biết tính sao, vì bà cứ dí tiền trước mặt ông chủ, nên tôi lờ đi, nhìn qua chỗ khác cho ông chủ thoải mái giải quyết cho bà ấy. Xong việc, chủ quán chuẩn bị tính tiền mớ đồ của tôi, thì y như lần trước, một người đàn ông lấn qua tôi, bước tới, la lớn như chốn không người:

-  Cho mấy cây tăm đi chủ quán ơi …ơi..!


Ủa, Ủa, tôi nghĩ bụng, tôi đang ở đâu thế này? Ở Việt Nam hay bên Mỹ? Chủ quán lại nhìn tôi cầu cứu. Tôi đâm ra bực mình, quá chán nản với cái ông chủ… bất lực này! Chuyện gì cũng nhìn tôi, là sao? Tôi thì làm được gì? Tiệm của ông, khách của ông, ông tự phải biết mở miệng ra mà giải quyết chứ. Tôi lại tiếp tục ngó lơ, ông chủ quán mừng quá, liền chạy vào trong, lục đục một hồi, rồi mang ra hộp tăm cho “thượng đế” kia.

Cuối cùng thì tôi cũng được quan tâm sau khi chủ quán xin lỗi. Lần này thì tôi được góp ý vì ông chủ Texas khác với chị “đẹp” California, nên tôi... hổng sợ, hổng “em hiền như ma- xơ” nữa. Ông chủ này rất chiều khách, mà chiều quá đáng, sợ mất lòng khách, nên mới có hai người khách “hư” như tôi vừa kể. Tôi nói với ổng:

-  Thật lòng mà nói, tôi không ngại nhường cho họ vài phút trước sau, nhưng ít ra, họ cũng phải có lịch sự tối thiểu, là hỏi một câu, hỏi tôi hay chủ quán cũng được. Ai nỡ lắc đầu nếu chị kia cần phải đi gấp, và chú kia không xỉa răng ngay tức khắc thì răng lợi nhức nhối không chịu nổi? 

Chủ quán bối rối, cười chuộc lỗi rồi thanh minh:

-  Tôi xin lỗi cô lần nữa nhe, lâu lâu cũng có mấy người khách như vậy, tui cũng đâu dám nói thẳng với họ, sợ họ giận rồi mình mất khách, cô thông cảm. 

Tôi cười cười:

-    Ông sợ mất mấy người khách kia mà hổng sợ... mất tui sao? Hay là ông biết tui là dân từ xứ lạnh tình nồng Canada qua đây chơi nên không cần giữ? 

-          Cô thiệt là vui tính! Nhưng cô đừng nói vậy, lần sau qua nhớ ghé tiệm tui nữa nha.


Tôi tự hỏi, hai người kia, qua xứ này được bao lâu rồi mà vẫn chưa thực hành bài học xếp hàng? Tôi tin chắc rằng, nếu trong trường hợp tương tự, nhưng ở nhà hàng Mỹ toàn người da trắng, thì hai vị khách này sẽ tự động biết xếp hàng, rất nghiêm túc, để chứng minh cho dân bản xứ biết mình cũng biết điều, biết cư xử như ai.

Vậy hoá ra, với đồng hương Việt Nam thì… không “care” à, không cần phải biết hành xử đúng phép lịch sự sao?

Người Việt mình ở khắp nơi trên thế giới. Ở nơi đâu, Mỹ, Canada, và những nước khác, cộng đồng chúng ta cũng có điểm hay và điểm chưa hay. Chúng ta hoà nhập nơi xứ người, học hỏi và thực hành những điểm hay của họ, và cũng nên làm tương tự như thế với đồng hương mình chứ? Chả lẽ đi vào chợ Việt thì tha hồ xới tung các thùng xoài, các mớ rau để giành phần ngon nhất cho mình, nhưng vào chợ Mỹ thì… không dám?

Đã gần chẵn 50 năm xa xứ, chúng ta đã và đang xây dựng một cộng đồng người Việt lớn mạnh, có nhiều đóng góp đáng kể trên quê hương thứ hai. Dù hai câu chuyện này chỉ là những hạt sạn rất nhỏ có thể bắt gặp ở đâu đó, chúng ta cũng nên nhắc nhở nhau để bộ mặt người Việt ở Mỹ nói riêng, và ở hải ngoại nói chung ngày càng đẹp hơn, để không chỉ người bản xứ nhìn cộng đồng Việt với lòng cảm mến, mà còn cho cả chúng ta khi gặp nhau, đối xử nhau văn minh thân thiện và hãnh diện là người Việt Nam.

Tôi có cái tật “nhớ lâu nhưng không thù dai”, có sao kể vậy người ơi, chớ hổng có ý gì hết á!

Edmonton, Tháng Ba 2024

KIM LOAN 





Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.