.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

RẤT THỪA & RẤT THIẾU…

Ảnh tác giả nhà văn Luydmila Ulitskaya


Một bài viết rất ý nghĩa….
Tôi đang thấm thía điều này vô cùng sau khi chuyển đến một căn hộ nhỏ chỉ bằng 1/3 căn nhà trước đó. Tôi đã và đang ngạc nhiên với chính mình khi đang dần thích nghi một cách thích thú.
Càng nhận ra rằng, chúng ta đã sống thừa thãi hoang phí biết bao nhiêu. Trong những năm tháng đó, chúng ta hùng hục kiếm tiền, điên cuồng mua sắm, dồn tiền để mua những căn nhà lớn & không bao giờ thấy đủ.
Đa số người Việt điên đảo kiếm tiền, điên đảo bon chen để thành quan to, quan bé, say sưa với túi hàng hiệu với xe xịn, nhà to. Nhưng không hề có bất cứ đam mê gì ngoài tiêu tiền và đi du lịch. Những chuyến đi nước ngoài, mang đi những cái vali siêu to để lại điên cuồng mua sắm, ních thật đầy & ì ạch bê về tiếp tục nhồi nhét vào những cái tủ đã muốn vỡ tung. Du lịch với họ đơn giản chỉ là chạy show, checkin sống ảo & dành phần lớn thời gian ở các trung tâm mua sắm…
Tôi đã từng đến nhà một ông tỷ phú người Nhật và rất ngạc nhiên sao họ lại ở trong căn nhà nhỏ, với những căn phòng rất nhỏ. Vì họ trân trọng những kkỷ niệm của cả gia đình. Những căn phòng của 3 người con đã lớn không còn ở chung nữa, vẫn còn nguyên gọn gàng sạch sẽ, ấm áp như các con họ vẫn ở đó mỗi ngày…
Chúng ta sống thừa vật chất nhưng lại rất thiếu đời sống tinh thần. Thiếu những đam mê, hầu như không có thời gian quan tâm chăm sóc cảm xúc tâm hồn. Nên cứ sống đơn điệu, tẻ nhạt và đầy áp lực bon chen…bế tắc, thậm chí sa ngã, hay tù tội cũng chỉ vì “nghèo nàn” về tinh thần & tham lam vô độ về tiền bạc, quyền lực…
Rất THỪA & rất THIẾU !!!
Đọc bài viết dưới đây của nhà văn Luydmila Ulitskaya từ Facebook Tran Hậu, chia sẻ để nhớ và luôn nhắc mình.
Phan Ngoc Minh
====
Chúng ta đang sống trong thời đại thừa thãi chưa từng thấy. Chưa bao giờ trên thế giới, người ta lại sản xuất ra nhiều thứ đến thế: giày dép, quần áo, đồ gỗ, bát đĩa... Những thứ đắt tiền và rẻ tiền, chất lượng tốt và xấu, những thứ dùng một lần... Nhiều lắm, thậm chí là quá nhiều. Những chiếc tủ chật ních áo quần, những thùng rác ngập tràn rác rưởi.
Nhà tôi có chiếc máy khâu “Singer” bà tôi được tặng nhân ngày cưới vào mùa xuân 1917. Đó là một món quà rất kịp thời: bà tôi đã sử dụng chiếc máy khâu này để may vá cho cả gia đình gần như suốt cả cuộc đời. Tôi nhớ những đồ vật trong gia đình đã sống qua nhiều đời – chiếc bành tô mất rất nhiều thời gian để “chế tạo”, nào là mua vải, lớp lót, diềm, viền, cổ áo, cúc áo, sau đó bà tôi trải vải lên tấm bìa, dùng một miếng xà phòng để vẽ, rồi cắt…Tóm lại, bà tôi phải làm việc rất lâu dài, chăm chỉ mới cho ra đời được một sản phẩm ưng ý...
Mẹ tôi đã mặc chiếc bành tô rất lâu, sau đó nó được sửa lại, và tồn tại thêm mười năm nữa, sau đó nó được tái sinh thành chiếc váy, áo gi-lê, rồi nhiều đồ lặt vặt khác trong gia đình. Cổ áo trước đây đã biến thành miếng lót giày... Chiếc áo bành tô gia đình này lẽ ra phải được gìn giữ như một hiện vật bảo tàng, nhưng điều này là không thể, vì nó đã phục vụ đến sợi chỉ cuối cùng. Những đồ vật đáng tự hào, yêu quý, trân trọng như vậy giờ không còn nữa.
Sự thừa thãi đã giết chết tình cảm của chúng ta đối với các đồ vật: chúng ta không còn yêu mến và trân trọng chúng nữa. Bà tôi đã mất từ lâu, nhưng cho đến hôm nay, khi cần một sợi chỉ hồng hay một chiếc cúc áo màu xanh, tôi vẫn tìm thấy chúng trong ngăn kéo máy khâu. Một thế giới khác, một nền văn hóa khác. Cho đến nay tôi vẫn thích sự khắc khổ và nghèo nàn này, và tôi thích cái tài năng đặc biệt ngày càng hiếm hoi của người phụ nữ trong các công việc gia đình.
===




 Chuyện Vặt Của Hai Người Già

Hai ông bà đã ngoài bảy mươi, đang ở chặng giữa của mười năm 70 - 80. Chặng mà các chuyên gia sức khỏe cảnh báo “chặng khó khăn”!. Ngày nào ông bà cũng đọc báo, nhưng xem ra không ảnh hưởng mấy tới đời sống của cả hai. Hằng tháng, ông vẫn chở bà đến bệnh viện tái khám. Sáu tháng thì xét nghiệm tổng quát một lần, vì cả hai đều mang bệnh mãn tính phải chạy chữa lâu dài. Dù bệnh, hai ông bà cũng chẳng lo lắng mấy. Sáu mươi đã là thọ, nay đã ở giữa chặng hơn của bảy mươi rồi, lo làm gì cho nó...mất vui!. Nói không nghe họ to tiếng là hơi... thiên vị và không đúng sự thật! Có hôm nghe ông hỏi hai lần bà không trả lời. Ông nói to: em không nghe hay sao mà không trả lời? Bà thong thả: để anh cảm nhận được cái bực khi em hỏi mà anh không trả lời. Từ dạo ấy ông luôn trả lời khi bà hỏi!
Có hôm bà luộc rau, ông dòm vào nồi lúc bà vừa bỏ rau vào. Ông nhắc: em phải để nước sôi đã chứ thì rau mới xanh! Bà làm thinh chập lâu, ông hơi giận lại ghế ngồi. Bà trả lời ông nhẹ nhàng như “lời của gió”: để anh biết cái cảm giác khi anh quát em là “ai không biết mà phải...dạy!”. Được cái ông bà không cải nhau lâu! Chỉ bất đồng ý kiến chút đỉnh vậy đó. Và họ cũng “dạy nhau” nhẹ nhàng mà thật...hiệu quả!
Khi còn trẻ, ông học về kỹ thuật, bà học văn, tất nhiên tâm tính, suy nghĩ và công việc trong đời sống vợ chồng hoàn toàn khác nhau. Bà thích văn, thơ, hơi lãng mạn, đọc sách, nghe nhạc tình ca, nhẹ nhàng, thích sống đơn giản nhưng sâu sắc, giận dai, để bụng, nhưng trời lại cho bà dễ mũi lòng nên dễ làm hòa, vì bà :hay suy đi nghĩ lại trong lòng”! Ngược lại ông tính tình bộc trực, ăn to nói lớn, thiếu kềm chế, nhưng tốt bụng, mau giận chóng quên, và mềm yếu khi bà...khóc! Tưởng rằng tính cách khác nhau vậy thì khó “sống hòa bình” cho đến cuối đường. Nhưng xem ra ông bà còn sống êm đềm như thế cho đến khi kết thúc, chỉ còn lại một người.
Ông bà vẫn gọi nhau là anh em dù đã có cháu nội, cháu ngoại. Bà quan niệm ông bà là của các cháu, còn “anh, em” là của ông bà! Giận nhau cũng gọi anh em, nếu không muốn giận luôn cho đến chết!
Ngày xưa ông đi làm xa nhà, nơi có mộ nhà thơ bà thích. Nhưng vì kinh tế khó khăn nên ông chưa thể cho bà cơ hội đi thăm ông và đến viếng nhà thơ bà thần tượng. Ông đến viếng mộ nhà thơ, chụp tấm hình, mua tập thơ của thi sỹ về tặng bà trong một lần về phép. Chỉ một việc làm xem ra nhỏ bé thế nhưng bà rất vui và bà đã đọc tập thơ ấy một cách say sưa, giữ gìn cho đến bây giờ với tất cả lòng yêu mến người bạn đời không cùng chung sở thích! Thỉnh thoảng ông chở bà đi cà phê, nghe ca sỹ KL, TN hát tình ca. Ông lên mạng thấy bài thơ hay, bài viết về sức khỏe, lịch sử, về một thời của tuổi trẻ ông bà, ông thường gởi cho bà rồi cùng nhau bàn luận rất sôi nổi quên đi mọi phiền muộn trong cuộc sống vốn cũng không thong thả mấy. Gần năm mươi năm sống bên nhau, ông bà vẫn giữ thói quen có ý kiến về cách ăn mặc của nhau. Trước khi ủi đồ ông thường hỏi bà xem quần màu này đi với áo này có được không, nếu bà nói không được, ông đổi áo khác. Bà mặc áo dài nhờ ông gài giùm nút, ông chưa bao giờ chê bà cách chọn màu áo và thỉnh thoảng cũng khen bà dáng còn...thon thả! Bà “chê” bụng ông hơi to rồi đấy, ông đạp xe đạp buổi sáng cho...bụng nhỏ hơn!
Con cái đều có quyền có ý kiến về cha mẹ. Chúng không bênh ai nhưng có quyền không đồng tình với người này, bất đồng ý kiến với người kia khi cha mẹ không đồng quan điểm. Nên ông bà hoàn toàn độc lập, không có đồng minh để dựa. Nên mình sẽ hoàn toàn cô đơn khi chiến tranh lạnh kéo dài...
Những “lời hay ý đẹp” trên mạng cũng đem lại hiệu quả một cách âm thầm trong suy nghĩ vốn tồn tại quá lâu trong đời sống mỗi người. Độ sau này ông ít chê ngon dở khi có món không vừa ý, vì có câu “ngon dở có ăn là tốt rồi”, bà cũng ít than không có tiền “khá khá” chút, vì có câu “có ít hay nhiều miễn có tiền trong túi là được”. Ông bà tôn trọng ý thích riêng của mỗi người, bạn bè ai thì người nấy đi chơi, sinh hoạt với nhau, vì đó là “khoảng trời riêng” của mỗi người. Ở đó, họ tìm lại tuổi thanh xuân của mình, “ta tìm thấy ta” khi cùng bạn bè ôn lại thời cắp sách, thời quân ngũ, thời mà chỉ toàn màu hồng, màu xanh, và chưa vướng bầu đoàn thê tử. Còn nàng thì chỉ có sách vở, thơ văn và chút tình yêu lãng đãng như sương như khói tuổi học trò...
Giờ thì ông nhắc bà uống thuốc, ăn uống và đi bệnh viện khám định kỳ! Rất thực tế, chân thật đến nao lòng! Đã hết thời lãng mạn, nên thơ rồi chăng!? Không, ông vẫn hay mua phân cho bà bón cây, tưới nước, thêm đất mấy gốc hồng cho bà, mua thuốc khi thấy bà ho và thỉnh thoảng mua cho bà chậu hồng bà thích!
Mong sao hai ông bà cứ “sống tự nhiên” như thế cho đến những ngày sau cùng, bình lặng, an yên, thanh thản và giản đơn như thế.
“Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn bức tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xui ngàn”
Sưu tầm



ĐỌC NHIỀU KHÔNG BẰNG ĐỌC ĐÚNG - 4 KỸ NĂNG ĐỌC SÁCH HIỆU QUẢ

Trong thời đại hiện nay, mỗi ngày bạn phải tiếp cận với vô vàn các thông tin tràn ngập trên các trang mạng xã hội và cả những nơi bạn có thể nhìn thấy. Do đó, để có được những thông tin chất lượng và phù hợp, bạn cần phải tìm kiếm.

Đa số mọi người tìm kiếm thông tin trên mạng, nhưng thực tế các nghiên cứu cho thấy, những thông tin tốt nhất thường nằm ở trong sách chứ không phải ở trên mạng. Và việc đọc sánh cũng đang dần được chú tâm ngày một lớn hơn.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang lầm tưởng việc đọc nhiều và đọc "chất lượng". Đọc nhiều chưa chắc đã chất lượng nhưng đọc đúng sẽ mang lại cho bạn nhiều giá trị, nâng tầm hiểu biết và mở rộng, phát triển tư duy của bản thân.

Đọc là kỹ năng trọng tâm của việc học. Nếu nâng cao được kỹ năng đọc, người học sẽ làm chủ cuộc đời mình qua việc đọc một cách thông minh và chủ động hơn. Kỹ năng đọc đúng gồm 4 kỹ năng sau đây:

1. Đọc thông minh

Yêu cầu tiên quyết là bạn cần tìm bằng được nội dung cần thiết trong cuốn sách một cách nhanh nhất có thể. Hãy đọc nội dung chính, tóm lược được cuốn sách. Người đọc thông minh sẽ đọc lướt cuốn sách ở tất cả các đề mục rồi đánh giá nội dung và chủ đề xem có phù hợp với mình không.

Ngoài ra, hãy đặc biệt chú ý đến lời mở đầu và các mục lục của cuốn sách. Sau đó, hãy bắt đầu tiếp cận từng chương, từng phần xem phần nào bản thân cho là cần thiết rồi đánh dấu các phần đó lại. Sau cùng hãy tiến đến từng trang để đọc nó. Nếu nhận thấy không có gì trong quyển sách mà bản thân cần, hãy "vứt" nó đi.

2. Đọc chủ động

Đọc chủ động là đọc cái bạn muốn đọc. Để xác định được cái mình muốn đọc, hãy tìm hiểu thật kỹ về thứ mà bạn đang muốn khai thác. Ví dụ: Bạn đang muốn tìm hiểu về lĩnh vực nào? Có bao nhiêu chuyên gia trong lĩnh vực đó và bao nhiêu người trong số họ có viết sách? Bạn đã biết được gì và cần tìm kiếm thêm thông tin gì trong lĩnh vực đó?

Sau khi đã xác định thành công. Điều quan trọng tiếp theo khi đọc chủ động là bắt buộc bạn phải có giấy và bút. Khi đọc tới đâu, đúng cái mình muốn biết, hãy ghi chú và đánh dấu lại. Bằng cách này, bạn có thể chủ động tìm kiếm lại kiến thức bất cứ khi nào một cách nhanh chóng.

3. Đọc tăng tốc

Nếu bạn đang đọc chậm thì đừng bao giờ nghĩ mình không thể đọc nhanh được hay tìm lý do để biện minh cho việc đó. Các nghiên cứu đã cho thấy việc đọc tăng tốc giúp tăng gấp nhiều lần hiệu quả đọc sách so với đọc chậm. Và điều này hoàn toàn có thể đạt được thông qua việc luyện tập.

Hãy đọc lướt mắt thật nhanh với tốc độ ổn định trên một trang giấy. Phương pháp đọc lướt này cực kỳ quan trọng vì khi đang đọc lướt, nếu thấy thông tin cần, lập tức bạn phải dùng kỹ thuật thay đổi tốc độ đọc. Điều này giúp bạn tiếp cận nhanh hơn với các thông tin thực sự cần thiết. Thông tin quan trọng này thường là các ý tưởng, các từ khóa động lực và nuôi dưỡng động lực.

4. Đọc thay đổi tốc độ

Bạn đang đọc rất nhanh rồi đột ngột dừng lại xong lại tiếp tục đọc nhanh. Như đã nói khi phát hiện ý tưởng là "trọng số" bạn đang tìm kiếm thì lập tức bạn sẽ đọc chậm lại. Ngoài ra việc đọc nhanh và chậm liên tục giúp cho hơi thở bạn thay đổi, tăng cường sự tập trung và tránh sự nhàm chán.

Tóm lại, việc đọc nhiều sách hay ít sách không đóng vai trò quyết định. Một khi đã đọc, hãy tìm cho mình những thông tin giá trị và phù hợp nhất. Thà đọc đúng mà đọc ít, còn hơn đọc nhiều mà giá trị mang lại chẳng bao nhiêu. Để thành thạo kỹ năng đọc không phải ngày một ngày hai là đạt được, bạn cần luyện tập 4 kỹ năng trên mỗi ngày để tạo dựng thói quen đọc đúng và văn hóa đọc cho bản thân.
Chúc Bạn Thành Công!
Sưu Tầm

Người ta nói xấu con một câu, con nhớ hai ngày, thế là biến thành con bị người ta nói xấu hai ngày.

Nếu như cả năm con vẫn nhớ, vậy thì con sẽ bị người ta nói xấu cả năm. Mà con đến chết cũng không quên, vậy thì chính con đã để người ta nói xấu cả đời.

Cho nên ấy à, người biết tu, ai nói gì trái ý, mình giận một chút rồi bỏ đi, xả đi. Giận làm chi, ôm cái giận là dại chớ không phải khôn, tội gì ôm cho khổ đời mình.

Người đã không ưa con thì dù con thánh thiện đến đâu trong mắt họ con vẫn là kẻ đa nghi, chi bằng con cứ sống tốt cuộc đời mình và quan tâm đến những người con yêu thương là được rồi. Còn lại kệ đi !

Vô Thường


"Mình rất thích câu nói này của Lỗ Tấn: “Tôi cho rằng, người khác tôn trọng tôi vì tôi rất tốt đẹp. Nhưng sau này tôi mới hiểu, người khác tôn trọng tôi bởi bản thân họ vốn rất tốt đẹp. Những người tốt đẹp sẽ tôn trọng tất cả mọi người. Tôn trọng lãnh đạo là thiên chức. Tôn trọng đồng nghiệp là việc nên làm. Tôn trọng người dưới là tốt tính. Tôn trọng khách hàng là lẽ thường. Tôn trọng đối thủ là rộng lượng. Và hơn hết, tôn trọng hết thảy mọi người là có giáo dưỡng.”
Thật vậy, tốt đẹp và tử tế từ trước tới nay luôn là một lựa chọn. Không ai có nghĩa vụ phải đối xử tốt với chúng ta cả, tất cả đều là chọn lựa của mỗi người.
Cuộc sống sẽ không ngừng đẩy bạn va vào những con người xấu xí, tình huống tồi tệ và câu chuyện dở khóc dở cười. Nhưng quyết định đối mặt như thế nào lại nằm ở phía bạn.
Mong rằng dù có trải qua bao nhiêu thăng trầm, dù có bị bào mòn bởi tháng năm, bạn vẫn giữ được một trái tim lương thiện và sáng ngời, đứng trước muôn vạn ngã rẽ của cuộc đời, vẫn lựa chọn là một người tốt đẹp."
Nguồn: Khu vườn ngôn từ



- Căn phòng này mai mốt là của ba mẹ nè! Ba thấy có đẹp không?
Tôi đưa điện thoại lên, quay hết căn phòng một lượt cho ba xem. Từ khăn trải giường đến màn treo cửa sổ, tất cả đều nhuộm một màu xanh biêng biếc của biển trời, lưa thưa thêm những vạt cỏ cây. Tôi hy vọng mang chút thiên nhiên vô phòng để khi lên thành phố, cha mẹ tôi vơi bớt nỗi nhớ thôn quê.
Từ màn hình điện thoại, ba tôi nằm trên giường, đôi mắt lờ đờ, mệt mỏi nhưng vẫn cố mỉm cười.
Mẹ tôi vừa khuấy muỗng vào tô cháo, vừa nói giọng háo hức.
- Biết sắp lên sống cùng con cháu nên ba con vui lắm, mấy hôm nay chịu khó ăn uống. Nay ăn hết một chén cháo còn xin mẹ uống thêm một hũ yến nữa!
Trầm trồ khen vội vàng ba một câu, liếc nhìn đồng hồ, gần đến cuộc họp quan trọng ở công ty, tôi đành tắt nhanh điện thoại. “Cố chạy deadline dự án này xong là kịp về quê đón ba mẹ lên…!”. Tôi tự nhủ thầm, khi ngồn ngộn khối công việc ngày qua ngày cứ dồn đuổi liên tục.
Gần 5h chiều, cuộc họp tan, đối tác đã ký hợp đồng, vừa dựa lưng vào chiếc ghế xoay, điện thoại tôi đổ chuông inh ỏi. Khi trượt ngón tay trỏ trên màn hình, một cảnh tượng ám ảnh, đau lòng, hiện ra trước mắt tôi. Có lẽ cả đời này, tôi cũng không bao giờ quên được.
Mẹ đang ôm ba trong vòng tay, nước mắt mẹ lênh láng mặt. Đôi mắt ba tôi đã đứng tròng, hai môi đã tím đen. Màn hình điện thoại rung giật, đảo lắc, bởi tiếng khóc nghẹn ngào của anh trai tôi.
- Ba mất rồi! Em mau về nhà đi!
Tôi thấy trần nhà nghiêng ngả, cả không gian chuyển thành một màu đen như cái lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy nhật thực.
6h tối, tôi có mặt trên chuyến xe tốc hành về quê.
- Người mất thì cũng đã mất rồi…ở dưới này đã có cô chú và hàng xóm dựng rạp, chuẩn bị bàn ghế, nước non…Cháu cứ bình tĩnh, đi đường cẩn thận đó!
Bên kia điện thoại là giọng nói thân tình của cô hàng xóm. Tôi vâng dạ, để mặc những giọt nước mắt đang tràn ướt cái khẩu trang. Tôi không thể ngờ, ngày hôm ấy, đó là cuộc gọi cuối cùng, tôi trò chuyện và nhìn thấy ba.
Biết tôi có người thân vừa mất nên bác tài cố gắng tăng tốc thật nhanh. Bóng tối tràn vào ô cửa kính tôi ngồi, những hàng cây lướt phăng phăng qua mắt. Tất cả đều mờ nhòe. Chỉ 3 tiếng ngồi trên xe nhưng đối với tôi, đó là chuyến xe dài nhất trong cuộc đời.
Tôi nghĩ đến căn phòng màu xanh, nơi tôi từng mong, mỗi ngày sẽ nghe tiếng ba nói cười, tiếng ông bình luận thời sự, bóng đá nhưng tất cả giờ chỉ còn là trong tưởng tượng của riêng tôi.
Giờ tôi mới thấm thía: Cha mẹ già như ngọn đèn trước gió, như lá mùa thu, bạn có thể thấy đó nhưng mất đó, khi nào không hay. Đừng đợi, đừng chờ…một dịp nào đó, bạn sẽ làm một điều gì đó ý nghĩa cho cha mẹ như tôi. Bởi thời gian đôi khi lại nghiệt ngã, không cho phép họ đợi chờ chúng ta, phải không!?

Tác giả: Nguyễn Nga
Trích từ truyện ngắn tự cổ chí kim chưa xuất bản




Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.