.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

KỸ NIỆM MÙA HÈ


KỶ NIỆM MÙA HÈ









                                                                             










                                                                           












KỶ NIỆM MÙA HÈ


Tôi biết bắt đầu câu chuyện của tôi từ đâu nhỉ? Thật là khó. Những kỷ niệm, phải, những kỷ niệm ấy đã có từ lâu lắm rồi và giờ đây nó đan xen vào nhau dệt thành một tấm lưới. Tấm lưới kỷ niệm. 



… Mùa hè năm ấy, tôi là con bé 11 tuổi, vừa kết thúc lớp 5. Mái tóc hoe vàng, nước da ngăm đen dãi dầu nắng gió – nước da của những con bé nông thôn gắn mình với đồng quê. Tôi được ra Hà Nội thăm gia đình ông ngoại. Và tôi quen hắn – một thằng con trai da trắng, tóc đen, dáng người mảnh khảnh, gắn “mác” thành phố nghiêm chỉnh. Hai đứa quen nhau kể cũng kỳ quặc… Những buổi chiều tôi có thói quen đi bộ vòng quanh phố rồi trở về nhà khi đã tắt nắng. Chiều hôm đó, đang trên đường đi về nhà, qua sân tập thể, bất thần tôi bị một cú bóng như trời giáng vào giữa trán. Tôi ngã quị xây xẩm mặt mày. Những tiếng la ó, hò hét càng làm tôi váng óc. Ê, Hùng, mày làm gì con cái nhà người ta như thế? Hoan hô, tay Hùng đã sút thủng lưới đối phương! Tôi phủi cát, cố mở mắt nhìn. Đám đông choai choai vây quanh tôi. Một thằng bé, ừ, thì cứ cho là như thế mặc dù nó cao hơn tôi một tí chỏm đầu, đang bối rối, mặt đỏ bừng, bẻ gập những ngón tay, miệng lúng túng: “Tôi… xin lỗi bạn! Tôi… trót vô ý…” À, thằng này là thủ phạm. Đang giận, cái giận nghẹn ứ trong tôi tự nhiên tan mất. Tôi cũng đang lúng túng, thương hại cho thằng bé. Không sao. Tôi cũng… không đau lắm! Tôi cố gắng nói được mấy câu, cố gắng nở một nụ cười gượng gạo và cố gắng bước về nhà, bỏ mặc sau lưng đám con trai nhí nhố… 



Chuyện đó sẽ bị quên lãng đi nếu không có một buổi tối. Tôi ngồi trên sân thượng mê mải đếm sao, bỗng có tiếng đàn vang lên. Những âm thanh trầm bỗng, nhẹ nhàng, dịu ngọt quấn quýt vào nhau. Tôi đưa mắt tìm kiếm. Kìa bên hiên nhà hàng xóm có thằng con trai, nó ngồi nghiêng ôm đàn, ngẩng đầu nhìn trời. Ánh trăng trong vắt chảy tràn theo dòng âm thanh trong vắt. Mải nín thở lắng nghe, vô tình tôi đánh rớt chiếc que dùng để dính ve sầu. Tiếng động làm tiếng đàn im bặt. Nó quay nhìn tôi. Cả hai cùng nhận ra nhau trong sự kinh ngạc và bối rối: thằng bé hôm nọ! Hai đứa nhìn nhau trân trân. Cuối cùng tôi nói: Bạn đàn đi! Tiếng đàn lại cất lên, lúc đầu hơi dè dặt, sau mạnh dần, say sưa, cuốn hút. Ấy tên gì? Dung. Còn ấy? Hùng. Hỏi vậy thôi chứ tôi còn lạ gì tên nó. Dung học lớp mấy? Lớp 5. Thế à, vậy thì kém Hùng hai lớp. Buồn cười à? Người ta bị… còi xương đấy!… Thế Dung còn tức Hùng hôm Hùng đá bóng vào đầu bạn không? Có. Nhưng không ghét vì Hùng biết xin lỗi, ở quê mình bọn con trai không biết xin lỗi bao giờ cả! Quê Dung ở đâu? Xa lắm… tận Ninh Bình. À, có phải quê bạn là cố đô Hoa Lư không?… 



Chuyện của chúng tôi không bao giờ hết. Nó kể cả về lớp học của nó có 25 người. Nó học cũng được – có nghĩa là giỏi, nó vốn khiêm tốn mà. Chiều nào cũng vậy, hai đứa đều đầu trần như vòng hoa chiến thắng. Rồi nó dạy tôi đàn. Nó còn có một cái đàn to lắm, đàn piano, nó bảo vậy. Tôi bắt đầu làm quen với những nốt nhạc “đồ, rê, mi…” Chà, một thằng bé hiền và nhát quá thế – nhưng tôi không bao giờ bắt nạt nó. Lẽ ra tôi là nó, nó là tôi mới đúng. Nó gầy nhom như một con ếch cốm, trắng xanh như một kẻ thiếu nắng. 



Tôi nhớ có chiều hai đứa đi chơi về gặp mưa. Nó cởi áo ngoài trùm đầu cho tôi rồi cả hai chạy trong làn mưa trắng xóa. Hùng này, sấu nhiều lắm! Rụng đầy đường! Nó và tôi cúi nhặt. Tôi rút cái áo trên đầu để đựng sấu. Nhiều không để đâu hết, hai đứa đành tiếc rẻ ra về. Lúc đó tôi thấy mặt nó tái xám. Và ngày hôm sau, nó bị ốm! Tôi lo quá, đợi lúc bố mẹ nó đi làm, tôi vội leo tường sang nhà nó. Hùng! Có còn mệt không? Mệt, nhưng đỡ rồi. Nó xanh xao như một con gà con. Tội nghiệp. Tôi chìa cho nó một quả sấu chín: Này ăn đi! Ngon lắm. Nó cố gắng ăn cho tôi vui lòng. Sờ trán nó nóng như hòn than. Rồi hai ngày sau nó khỏi. Bố nó cấm không cho nó ra ngoài. Tôi lại vượt tường sang nhà nó. Nó đang ngồi khóc ti tỉ, thấy tôi sang vội lau nước mắt. Đồ khóc nhè chè thiu! Người ta là con gái còn không bao giờ khóc nữa là! Nói khoác! Í, không tin à? Bố đánh người ta đau lắm, bắt úp mặt vào tường từ sáng đến trưa mà người ta không khóc tí nào. Nó bật cười, lảng chuyện. Vào đây. Tớ ốm nên có nhiều bánh lắm. A, có thích xem tranh người ta vẽ không? Nó vẽ rất đẹp. Những đàn gà, đường phố, những dãy nhà cao tầng, cảnh sân trường vui nhộn. Hùng vẽ đẹp thế! Dạy Dung đi! Người ta cũng biết vẽ gà, vịt và cả mèo nữa đấy! 



Tôi thường vượt tuờng sang nhà nó như vậy. Phải nói là thằng ếch cốm (tôi vẫn gọi đùa Hùng như thế) rất lắm tài vặt. Tôi không chịu thua, cũng học theo nó những ngón đàn, nét vẽ. Nó vẽ rất đẹp nhưng còn lâu mới vẽ được những cánh đồng lúa, những hình con cá, con tôm, những người cấy lúa. Nó đề nghị tôi dạy nó – oai đấy chứ! Cấy lúa thì người ta cấy từng cây một hả Dung? Tôi cười ngất khi nghe nó hỏi. Thế Dung có sợ đỉa không? Ồ, mình còn bắt đỉa chơi ấy chứ! Eo, con gái mà ghê thế? 



Nó chỉ được thả khỏi nhà khi bố mẹ nó đi làm về vào 5 giờ chiều. Nhưng cũng tầm đó nó phải đá bóng. Vậy là chúng tôi vẫn chơi trò trèo tường sang nhà nhau. Hè sắp hết, tôi phải về quê học. Tôi trèo tường sang nhà nó. Nó buồn buồn cho tôi một hòn bi ve và một hộp giấy xinh xinh. Về quê năm sau bắt dế mang cho mình nhé! Ừ, tớ về đây. Tôi leo tường về. Lúc ấy tôi mới để ý: bức tường chỗ bọn tôi vẫn thường trèo qua đã có một vết mòn kha khá… 



Hè năm lớp 9. 



Thế là sau 4 năm tôi mới được ra Hà Nội. Mọi thứ đều đổi khác. Nhà ông tôi xây lại. Hùng cũng thay đổi. Nó cao lên rất nhiều nhưng vẫn cứ như một cây mồng tơi vậy. Vẫn cứ trẻ con, vẫn hiền và nhát. Trong suốt 3 năm qua, hai đứa thường xuyên viết thư cho nhau. Những ngày trung thu, sinh nhật, lễ Tết, tôi đều có quà của nó – trừ ngày 8-3. Bởi tôi nhận mình không phải là con gái. 



Căn phòng của Hùng được bài trí lại. Trên tường treo rất nhiều tranh – cả của tôi và của nó. Một giá sách đồ sộ, một bàn học ngăn nắp, trên bàn có một lọ hoa lưu li, cạnh đó có chiếc đàn piano. Tính nó vẫn còn “tiểu thư” lắm, ra đường mẹ nó còn dặn kỹ phải đội mũ, tránh nắng chiều… Những lần ra đường tôi để ý Hùng rất hay bị con gái trêu. Nó không đáp, không nhìn, chỉ lẳng lặng đi. Cậu làm sao thế? Sao không trả lời người ta? Ôi, bọn chúng ghê lắm, một mình Hùng làm sao mà nói lại nổi? Vả lại mình không thích chơi với họ. 



Bây giờ nó có vẻ tự do hơn. Những buổi tối rảnh rỗi, chúng tôi lượn qua các phố, các ghế đá công viên, có lúc cao hứng trêu chọc những đôi trai gái đang trò chuyện. Thường thì bọn tôi lượn xe rà sát chỗ họ, hay vờ hỏng xe, nhảy xuống sửa, cố ý trêu. Cái trò này là do tôi bày ra đấy! Nghịch ngợm quá thế. Dung này, mình mới biết làm thơ đấy! Một lần Hùng bảo tôi. Thế à? Ừ, mình học Dung… Học mình ư? Sao biết mình làm thơ? Người ta là bạn của Dung cơ mà!… Có thích xem không? Về rồi Hùng cho xem. Đừng chê nhé… Tôi ngồi sau mỉm cười. Cái gì ở tôi nó cũng biết. Và có lẽ, chúng tôi đều thuộc từng ý nghĩ của nhau… 



Dung này, hoa phượng sắp tàn hết rồi! Thế thì sao – lẩn thẩn vừa chứ, hôm nay Hùng nhắc tới điều đó mấy lần rồi biết không? Nhưng… hoa phượng tàn nó đem theo cả Dung đi nữa. Mình không muốn thế… Tôi lạnh lùng. Gương mặt nó đượm buồn, mắt nhìn xa vời vợi: Mình sợ mùa hoa phượng tàn lắm!… Im lặng kéo dài. Cuối cùng, không chịu nổi tôi la lên: Trời đất, buồn gì cơ chứ, đi chơi khắc hết buồn! Nói rồi tôi kéo tuột nó ra vườn hoa cửa Nam, tung tăng quanh những khóm hoa sặc sỡ. 



Hè lớp 12. 



Tôi xuống xe, đưa mắt tìm Hùng. Một thanh niên chạy ào tới. Kìa, Dung! Tôi ngơ ngác. Sau mấy giây đồng hồ tôi mới nhận ra nguời con trai ấy là Hùng! Trời ơi, Hùng cao đến mức này rồi sao? Tôi lúng túng nhìn Hùng cũng đang… lúng túng. Hùng rất cao, tôi chỉ đứng tới vai. Hùng đã trở thành một chàng trai thực sự. Đẹp và cường tráng. Tôi cười: Bởi vì… Hùng lớn quá nên Dung không nhận ra nổi. Thế bây giờ Dung còn gọi Hùng là con ếch cốm nữa không? – Hùng cười rất tươi. Ờ… bây giờ Hùng là… ếch ộp rồi! Thoáng đỏ mặt. Hùng đỡ hộ tôi chiếc túi xách rồi cùng tôi bước đi. Tôi cảm thấy ngường ngượng. Đâu rồi cái hồi bé tẹo hai đứa vẫn thường nắm tay nhau đi dưới trời hè đầy hoa đỏ, vừa đi vừa vô tư hát… Hùng lớn quá, sẽ không còn là chú ếch cốm của tôi nữa rồi. Dung, sao buồn vậy? Nó ngạc nhiên bởi nét mặt của tôi. Không sao đâu, đi đường xa hơi mệt. 



Hùng chào ông bà tôi rồi quay sang tôi: Từ hôm Dung ra đây tới giờ chưa đi chơi đâu. Hôm nay Hùng đưa Dung đi thăm phố nhé! Dung sẽ thấy phố xá đổi khác nhiều lắm. Ừ, đợi mình một lát nhé! Bà tôi chợt lên tiếng: Sao hai đứa cứ xưng hô như vậy? Thằng Hùng hơn mày 2 tuổi, phải gọi nó bằng anh, nghe không Dung! Chúng tôi cười, khẽ nhìn nhau, tự nhiên mặt hai đứa đỏ bừng. 



Chúng tôi đi khắp nơi trong thành phố. Chiếc ba lô đựng giấy vẽ, màu vẽ và thức ăn. Tôi ngồi trên đòn giông ngang của chiếc xe đạp đua, Hùng lái, còn sau xe là 2 giá vẽ. Con ngựa đua chở chúng tôi vào cả thành phố nhỏ yên tĩnh rợp tán phượng đỏ. Những bức vẽ và những bài thơ ngày một đầy lên trên chiếc ba lô màu tím ấy… Cũng xin nói thêm: Hùng đã là sinh viên của trường ĐHTH khoa Toán rồi đấy. Nhưng Hùng vẫn yêu thơ và nhạc – họa như ngày nào. Dung sẽ thi vào Tổng hợp Văn chứ? 



Vâng. Có thể em sẽ thi vào cả trường Mỹ thuật nữa. Tôi phải gọi Hùng bằng anh lúc đầu cũng hơi… ấm ức. 



Hùng dẫn tôi đi gặp các bạn của anh. Anh giới thiệu tôi là một bạn gái rất thân của anh với thái độ tự hào trước những con mắt ngạc nhiên của các bạn. Lúc ấy tôi mới nhận ra một điều mà từ trước đến nay tôi không hề biết: tôi quá xấu so với Hùng. Tôi lẳng lặng rút khỏi đám bạn Hùng. Điều đó làm tôi day dứt mãi… Hùng này, chơi với em anh không cảm thấy xấu hổ sao? Tại sao? – Hùng ngạc nhiên hỏi. Vì anh rất đẹp và nổi tiếng. Còn em… chỉ là một con bé nhà quê không hơn không kém. Mà em lại quá xấu xí… Thôi đi Dung! Anh không muốn em nói và nghĩ như thế! Anh không nhận em quá xấu sao? Hoàn toàn không, cô bé ạ. Ngược lại thì có. Mà sao em lại nghĩ vớ vẫn thế? Anh không cho phép em nghĩ như vậy! Hùng có vẻ không bằng lòng, nét mặt điềm tĩnh nhưng ánh mắt ngạc nhiên pha lẫn sự hờn giận. Tôi ngoác miệng cười xí xóa – nụ cười dàn hòa muôn thuở của bọn tôi. Anh dí ngón tay vào trán tôi: Em chẳng khác xưa tí nào. Đúng, tôi chẳng hề khác. Mái tóc hoe vàng, vẻ mặt bất cần. Không một bông hoa trên mái tóc, có nghĩa rằng tôi vẫn chưa phải là con gái. Vậy mà tôi không dám ngồi trên xe anh phóng từ sân ra cổng nữa. Tôi thường chờ anh ở cuối phố – nơi có một cây phượng nở hoa đỏ rực vô tư thả hoa xuống áo người qua đường. 



Có một chiều, tôi và Hùng ra bãi sông Hồng. Tôi cố thu hết vào bức tranh dòng sông Hồng rực phù sa, những bãi ngô xanh ngút ngàn, những con thuyền máy ròn rã lướt sóng và những con thuyền câu mỏng manh tư lự xuôi dòng. Cỏ may xâu đầy áo. Kìa anh, gỡ cỏ may khó lắm! Không trả lời, anh gỡ chiếc bút vẽ trong tay tôi đặt lên giá vẽ và kéo tôi ngồi xuống giữa đám cỏ may nhiều hoa nhất. Em thích cỏ may lắm cơ mà! Anh muốn "khắp chốn giăng đầy hoa cỏ may, áo em sơ ý cỏ gặm đầy…" Em có thuộc bài thơ đó chứ? Đọc nốt anh nghe? Xì, thơ tình, em ghét! Ghét? Vậy nếu bây giờ có người nói là họ yêu em, em sẽ xử sự ra sao? Ồ, thì em thẳng thừng từ chối. Từ chối như thế nào? Rằng em không nghĩ tới, rằng em ghét, em không đơn thuần là một cô gái. Mà… cũng tùy thuộc vào người đó. Em có quí họ đâu? Nếu người đó em rất quí? Tôi lúng túng: Thì… kệ! Mà nói làm gì, lúc ấy em sẽ xử trí rất kịp thời! Nếu… Dung à, nếu… người đó… là anh chẳng hạn. Tôi vô tư cười: Thì em sẽ đánh anh! Đánh thật đau! Sao em cứ đùa hoài vậy, Dung? Giọng anh run run nghèn nghẹn. 



Tôi sững sờ nhìn anh. Đôi mắt anh thăm thẳm, một thoáng buồn, chút bối rối, khắc khoải lướt nhanh trong đáy mắt. Tôi bỗng rụt khỏi tay anh. Nếu như người đó là anh – tôi thoáng hiểu điều gì đã xảy ra. Tôi lúng túng đứng dậy. Ta về đi anh. Muộn rồi. Trời còn nắng mà Dung! Em vẫn chưa nói… Thôi về! Tôi nổi cáu. Anh không về, em sẽ về trước. Tôi hấp tấp, đi như chạy, mặc kệ anh cuốn quýt gọi với theo. Lát sau, anh đuổi kịp. Nài nỉ mấy tôi cũng không lên xe. Anh lẽo đẽo dắt xe sau tôi. Đêm buông màn. Trăng lên. Mảnh trăng non bơi trong bầu trời trong trẻo. Đói khát. Mệt. Tôi quay nhìn anh. Anh nhìn tôi, đôi mắt anh đầy nước… Tôi thở dài. Anh lại đèo tôi đi. Không hát. Không cười. Không cả nói chuyện. Hai đứa như hai kẻ xa lạ, như hai cái bóng chìm dần giữa dòng người ồn ã. Đến đầu phố tôi nhảy xuống. Anh về trước đi! Em còn giận anh không? Tôi lắc đầu ngượng nghịu, đứng sát vào hàng dậu thưa. Hoa lý rơi đậu trên vai áo anh, rụt rè như một ngôi sao lạc. 



Trò giận dỗi trẻ con – tôi tự nhủ như vậy. Nhưng tôi cũng đủ thông minh để nhận ra rằng anh đã khác xưa rồi. Khác lắm rồi. Đêm ấy tôi ngồi gỡ cỏ may bám đầy trên quần áo và nhận thấy cái gì đó như một sự đỗ vỡ rất lớn lao. Tôi đã khóc. Hôm sau, tôi theo ông về quê, không một lời chào Hùng. Mùa hè ấy sao mà buồn thế! 



Những lá thư của anh, tôi đã trả lời bằng sự im lặng. Tôi giận anh – giận vì lẽ gì không biết. Chỉ biết rằng mỗi lần nhìn thấy thư anh là cơn giận lại nổi lên. Nhưng không thấy thư anh, tôi buồn lắm. Và tôi mơ hồ nhận ra: tôi rất nhớ anh! Vì là năm cuối cấp, nhà xa, tôi chuyển hẳn lên ký túc xá trường. Việc học đã làm tôi quên dần chuyện cũ. 



Tôi đã vào Đại học. Việc đầu tiên là tôi đến tìm anh. Ông nói rằng anh đã đi du học từ năm ngoái rồi. Tôi như chết lặng trong người. Tôi mất anh – mất thật sự rồi. Ông đưa tôi một cuộn giấy – bức tranh anh nhờ ông gửi tặng cho tôi. Tôi hấp tấp mở ra: bãi đê sông Hồng, một cô bé đang ngồi giữa đám cỏ may. Cô bé ấy là tôi. Dưới bức tranh bốn câu thơ: 



Cỏ May hoang vu tìm đến thu 
Đem nhung nhớ găm đầy tà áo 
Còn Mây trắng vẫn là mây mùa hạ 
Lang thang hoài chưa muốn đi xa 



Anh muốn nói gì? Tôi không biết gì ngoài khóc. 



… Anh đã đi 3 năm. Những mùa hè Hà Nội, tôi cô đơn như một cánh phượng hồng bị người quên nhặt. Một mình tôi lang thang, viết và vẽ. Nhưng cũng không yên với đám thanh niên hiếu kỳ. Tôi phải đến một nơi thật yên tịnh – đó là bờ đê sông Hồng. Kỷ niệm xưa làm tôi buồn quá! Tại sao tôi lại ngốc thế? Và tại sao anh lại nói với tôi khi tôi chưa kịp lớn? Những bông cỏ may hoang sơ – lại một mùa hè nữa sắp đi qua. Bao giờ anh sẽ trở về để chúng mình cùng cười xí xóa? Có lẽ anh đã quên em rồi. Một đôi nam nữ đèo nhau trên chiếc xe đạp đua, cô bé ngồi sau khoác chiếc ba lô màu tím. Sao mà giống anh và tôi ngày ấy? Tôi bỗng nhớ tới hôm ấy, trên bãi cỏ này… 



… Nếu… Dung à, nếu… người đó là anh chẳng hạn? Thì em sẽ đánh anh! Đánh anh thật đau! Sao em cứ đùa hoài vậy, Dung? 



Sao em cứ đùa hoài vậy, Dung? – em không đùa đâu, thật đấy! Vì khi đó em còn ngốc lắm. Chẳng lẽ anh chẳng biết, chẳng hiểu em sao? Sao anh không hỏi em vào lúc khác – để bây giờ mình đã xa nhau, xa trong sự day dứt khôn nguôi với một thứ tình cảm lạ kỳ giằng xé. 



Chiều nắng. Những sợi tơ nhện dan díu đan cùng với nắng. Phố phường tấp nập ồn ào. Đường phố vốn vô tình lắm. Tự nhiên tôi bật cười nhớ tới câu thơ không hiểu của ai: 



Từ buổi về đây sầu lại sầu 
Người xa vời quá, ai thương đâu 
Tôi đi ngửa mặt trên hè phố 
Xem những cành cây nó cưới nhau.

                                             SƯU TẦM TỪ INTERNET
CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.