.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

Thăm ngôi mộ độc đáo của Trương Vĩnh Ký - Tổng Biên tập đầu tiên của làng báo Việt Nam.

 (PLVN) - Khu lăng mộ Trương Vĩnh Ký là công trình kiến trúc độc đáo của Sài Gòn xưa. Ở đây có sự kết hợp hài hòa giữa các trường phái kiến trúc Đông - Tây, kim - cổ.

Lăng mộ độc đáo của nhà báo Trương Vĩnh Ký.

Nhà bác học Trương Vĩnh Ký - một trong 18 nhà bác học của cả hành tinh trong thế kỷ 19. Ông là một nhà văn, nhà ngôn ngữ học thông thạo 28 ngoại ngữ, nhà giáo dục học và khảo cứu văn hóa tiêu biểu của Việt Nam với trên 100 tác phẩm các loại. Riêng đối với nền báo chí quốc ngữ, ông được coi là “ông tổ nghề báo Việt Nam”, người đặt nền móng, bởi ông chính là người sáng lập, là Tổng Biên tập tờ báo quốc ngữ đầu tiên - Gia Định Báo.

Nhà bác học uyên bác về ngôn ngữ thế kỷ 19

Nhà báo Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) còn có tên là Petrus Ký, là một người có kiến thức uyên bác về nhiều mặt, trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học…

Cha ông là cụ Trương Chánh Thi, quê quán Bình Định, vào Nam lập nghiệp ở một khu vực đất Vĩnh Long (nay khu vực này thuộc Bến Tre). Cha ông là một nhà Nho học, thích thi phú, được bổ nhiệm làm lãnh binh dưới triều Minh Mạng của nhà Nguyễn, mất lúc Trương Vĩnh Ký 3 tuổi. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Châu, một người mẹ hiền và lam lũ, sinh một gái và hai trai.

3 tuổi, ông thuộc làu Tam tự kinh. 4 tuổi, ông học viết. 5 tuổi (năm 1842) cắp sách đến trường học chữ Nho, chữ Nôm với thầy giáo Học. Tuy còn nhỏ nhưng cậu bé Ký thông suốt Minh Tâm Bửu Giám, đọc Tứ thư, Ngũ kinh, thuộc nhiều thơ Đường, thơ Tống... Ngoài ra, theo lời những người thân hậu bối, Ký còn thuộc nhớ nhiều bài ca dao dài mà người lớn không biết. Cậu bé Ký đọc sách mà người cha mang từ miền Trung vào như Nhất Thiên Tự, Tam Thiên Tự, Ngũ Thiên Tự, Minh Đạo Gia Huấn, thơ Đường, thơ Tống...

Một cố đạo chịu ơn của cha ông đã khuyên mẹ ông cho ông đi học chữ Quốc ngữ và cải theo đạo Công giáo. Vì thế, ông có tên là Pétrus Trương Vĩnh Ký, viết và gọi tắt là Pétrus Ký. Năm 11 tuổi (1848), Pétrus Ký được theo học một Linh mục người Pháp giữ chức Cai tại Trường đạo Pinha-lu ở Phnom Penh. Ở đây, có các học sinh là người Cao Miên (Campuchia), Ai Lao (Lào), Miến Điện (Myanma), Trung Quốc... ông lân la làm quen và rồi học luôn các thứ tiếng ấy.

Năm 1851, Pétrus Ký lại được gửi vào Trường đạo ở Penang (nay thuộc Malaysia). Trong khoảng thời gian theo học tại đây, ông còn học thêm các thứ tiếng khác, như: Ấn Độ, Anh, Tây Ban Nha, Mã Lai, Nhật Bản, Hy Lạp, Thái Lan, Pháp...

Nhà bác học - Tổng Biên tập đầu tiên của làng báo Việt Nam Trương Vĩnh Ký.

Ngay từ thập kỷ 50 - 60 của thế kỷ XIX, Trương Vĩnh Ký, một người Việt Nam đã thông thạo 28 ngôn ngữ để giao lưu và hội nhập dễ dàng với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trương Vĩnh Ký thông thạo và nắm vững quy luật học các ngoại ngữ của các quốc gia trong khu vực và đã truyền kinh nghiệm của mình qua việc xuất bản sách. Vào cuối thập niên 1880, ông đã xuất bản sách dạy tiếng Thái Lan, Campuchia.

Năm 1874, Trương Vĩnh Ký đã được thế giới bình chọn là “Nhà bác học về ngôn ngữ”, nằm trong danh sách 18 nhà bác học thế giới của thế kỷ XIX, được ghi tên vào các danh nhân thế giới trong Tự điển Larousse.

Cuộc đời nhà báo Trương Vĩnh Ký gắn liền với sự phát triển của chữ Quốc ngữ, với việc quảng bá trên báo chí, trên sách vở, trong đó đặc biệt là việc biên soạn sách giáo khoa Văn - Sử - Địa bằng chữ Quốc ngữ. Đó cũng là cuộc đời của một người làm báo Việt Nam trong bối cảnh một phần đất nước được coi là nhượng địa của người Pháp vào cuối thế kỷ XIX.

Nhà báo Trương Vĩnh Ký để lại cho hậu thế một gia tài khổng lồ với 118 tác phẩm, gồm sách nghiên cứu, sưu tầm, phiên âm, dịch thuật, trong đó có nhiều tác phẩm bằng Pháp văn.

Ông cộng tác với Pháp, mặc dù chỉ là học quan nhưng cũng khiến một số quan lại nhà Nguyễn đâm ra nghi kỵ. Nhưng sau nhiều suy tính, ông nghĩ rằng phải làm việc để giúp đỡ đồng bào, trước hết là trong phương diện văn hóa, nhất là lúc ấy, Pháp và Nam triều chưa hiểu nhau, chưa thành thật với nhau. Pétrus Ký đã mượn câu cách ngôn Latinh “Ở với họ mà không theo họ”, để làm phương châm khi nhận lời làm việc cho Pháp. Mặc dù làm việc cho thực dân Pháp nhưng khi sưu tầm và chú thích bản “Gia Định thất thủ vịnh”, Trương Vĩnh Ký vẫn gọi Pháp là “giặc”.

Ông luôn tìm cách cổ vũ cho sự sử dụng chữ Quốc ngữ. Ông viết trên tờ Gia Định Báo ngày 15/4/1867: “Chữ ấy chẳng khó đâu, ra công học một đôi tháng thì thuộc hết”.

Đây là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt mới (chữ Quốc ngữ), Trương Vĩnh Ký làm Tổng Biên tập ra mắt vào ngày 15/4/1865 tại Sài Gòn. Đây là phương tiện truyền thông đầu tiên hoàn toàn mới mẻ, làm cho tiếng Việt mới có cơ hội phổ biến trong dân chúng.

Nội dung chính của Gia Định Báo ban đầu gồm 2 phần: công vụ và tạp vụ, sau đó thêm các phần khảo cứu, nghị luận, gồm các bài dịch thuật, sưu tầm, khảo cứu, sáng tác thơ, văn, lịch sử, truyện cổ tích... Ông đề ra ba mục đích cho tờ báo: Truyền bá chữ quốc ngữ, cổ động tân học và khuyến học trong dân. Từ đó, báo không chỉ làm một tờ công báo đơn thuần nữa mà góp phần cổ động việc học chữ quốc ngữ và lối học mới, mở đường cho các thể loại văn xuôi Việt Nam in bằng chữ Quốc ngữ, đặt nền móng cho sự hình thành báo chí hiện đại Việt Nam.

Tồn tại hơn 44 năm, từ tháng 4/1865 đến tháng 1/1/1910, tờ Gia Định Báo đã đi vào lịch sử cùng với tên tuổi nhà báo Trương Vĩnh Ký như một bằng chứng sống động về tài năng, lao động báo chí, sáng tạo ngôn ngữ trong hoạt động truyền thông, báo chí của người Việt từ 156 năm trước.

Thăm lăng mộ độc đáo của Sài Gòn xưa

Khu lăng mộ Trương Vĩnh Ký là công trình kiến trúc độc đáo của Sài Gòn xưa tại Chợ Quán, Sài Gòn, nay là nhà số 520 Trần Hưng Đạo, quận 5, TP Hồ Chí Minh. Mộ được xây dựng ngay tại sinh phần của dòng họ, nơi có hơn 64 ngôi mộ khác trong cùng khuôn viên có chiếc công tam quan sừng sững.

Căn nhà xây theo kiểu Pháp, được trang trí với các họa tiết Đông Tây kết hợp rất hài hòa và mỹ thuật. Trong tám cạnh của căn nhà, ngoài ba cạnh là cửa vào, còn lại là những bức tường có trổ ô thông gió.

Và chính Trương Vĩnh Ký đã đích thân thiết kế và coi sóc việc xây dựng nhà mồ cho mình cho đến khi ông tạ thế. Trên nóc nhà mồ còn chạm dòng chữ: “Decembre 1898” (tháng 12/1898) cũng là năm ông mất. Trên cửa nhà mồ quay ra đường Trần Hưng Đạo có dòng chữ Latin: “Miseremini Mei Saltem vos Amici Mei” (tạm dịch: Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi), nói lên tâm trạng và ước nguyện cuối đời của Trương Vĩnh Ký.

Trên cửa nhà mồ quay ra đường Trần Bình Trọng có ghi dòng chữ Latin: “Fons Vitae Eruditio Possidentis” (tạm dịch: Tri thức là nguồn sống cho ai sở hữu nó) nói lên sự đam mê khám phá tri thức lúc sinh thời của nhà bác học họ Trương.

Mộ Trương Vĩnh Ký ở chính giữa, là tấm đá trắng đã ngả sang màu vàng nhạt, được trang trí quanh viền bằng một dây lá giản dị, không có hoa. Trong vòng dây lá đó được khắc vài dòng chữ: “Ci-git J.B Truong Vinh Ky Professeur de Langues Orientales Décédé J le 1er Septembre 1898 dans sa 62 année” (Nơi an nghỉ J.B Petrus Trương Vĩnh Ký, 2 chữ viết tắt là tên thánh Jean Baptiste. Giáo sư ngôn ngữ Đông phương. Mất ngày 1.9.1898, thọ 62 tuổi).

Trên bia mộ này không ghi ngày tháng năm sinh của ông (6/12/1837) nhưng lại ghi rõ ngày ông mất 1/9/1898. Nằm bên phải mộ Trương Vĩnh Ký là mộ phần của vợ ông, bà Vương Thị Thọ. Dòng đầu trên bia mộ cụ bà mang tên chồng là Maria Trương Vĩnh Ký. Dòng nhỏ dưới mới khắc tên mình là Vương Thị Thọ mất năm 1907 và không trang trí một hoa văn nào ngoài hình cây thánh giá. Nằm bên trái cha, tình trạng bia mộ người con Trương Vĩnh Thế. Cao phía bên trên phần mộ của Trương Vĩnh Ký, trần nhà mồ được vẽ hình một con lân mã chở hà đồ đang vờn trong vòng tròn mây gió...

Kiến trúc nhà mồ toát lên vẻ trang nhã với nhiều cửa, cột, vòm cong, các chi tiết trang trí nhẹ nhàng nhưng tinh tế.

Quần thể di tích Trương Vĩnh Ký luôn được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến viếng thăm, tưởng niệm. Hàng năm, các em học sinh và các trường trung học đến thăm viếng.

Ngày 11/9/2020, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức trưng bày và tọa đàm “Nhà báo Trương Vĩnh Ký”. Với sự chủ trì của GS.TS Đỗ Quang Hưng, tại buổi tọa đàm, các đại biểu, khách mời là các nhà nghiên cứu, nhà báo lâu năm đã cung cấp thêm nhiều tư liệu, kiến thức, điểm tựa khoa học về nhà báo Trương Vĩnh Ký. Những tư liệu, báo chí liên quan đến nhà báo Trương Vĩnh Ký do các đại biểu trình bày tại tọa đàm đã giúp độc giả tiếp cận được một cách đầy đủ hơn một phần di sản thời khởi thủy của báo chí tiếng Việt mà nhà báo Trương Vĩnh Ký là người đã dựng lên cột mốc đầu tiên, để lại những dấu ấn đầu tiên.

Trong thời gian tới, Bảo tàng sẽ có những nghiên cứu có chiều sâu hơn và những trưng bày lớn hơn về nhà bác học - nhà báo Trương Vĩnh Ký. Đây cũng là một hoạt động quan trọng mở đầu và sẽ được tiếp tục đầu tư, theo đuổi lâu dài, khi mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được giao nhiệm vụ ngay từ khi thành lập. Đó là nghiên cứu và khai thác, phát huy giá trị di sản báo chí Việt Nam các thời kỳ, tiếp thu và học tập các thế hệ nhà báo đi trước trong việc gây dựng, phát triển sự nghiệp báo chí nước nhà.

Bảo Châu

Ngắm những tòa nhà có kiến trúc độc đáo tại Copenhagen, Đan Mạch

Đến với thủ đô Copenhagen, Đan Mạch, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những kiến trúc độc đáo như Bảo tàng Ordrupgaard hay Tòa nhà Blue Planet.
Bảo tàng Ordrupgaard được xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo kết hợp giữa nghệ thuật Đan Mạch và Pháp. Tòa nhà này do kiến trúc sư người Iraq Zaha Hadid thiết kế.

Tòa nhà Blue Planet (Hành tinh xanh) là điểm du lịch hấp dẫn với thủy cung rộng lớn bên trong, chứa khoảng 20.000 động vật dưới nước thuộc hơn 450 loài khác nhau

Tòa nhà chung cư Wave (Làn sóng) có thiết kế đặc biệt, bao gồm tổng cộng 115 căn hộ.

Bảo tàng kính Ebeltoft so các kiến trúc sư Đan Mạch thiết kế với 3 mặt kính trong suốt.

Nhà hát hoàng gia Đan Mạch (Royal Danish Opera) là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Khu nhà ở dành cho sinh viên (Tietgen Student Residence) được đánh giá là một trong những nơi ở tuyệt vời nhất. Tòa nhà độc đáo và đẹp mắt này gồm 360 phòng.

Thiết kế của phòng hòa nhạc DR Koncerthuset do kiến trúc sư Jean Nouvel đảm nhiệm

Bảo tàng biển (M/S Maritime Museum) do tập đoàn Bjarke Ingels thiết kế. Bảo tàng này trưng bày hàng chục ngàn bức ảnh và tranh vẽ quý giá. Đây cũng là điểm tham quan lý tưởng dành cho du khách quốc tế.

Tập đoàn Bjarke Ingels còn thiết kể cả tòa nhà đa năng 8Tallet độc đáo này. Đây là khu văn phòng và trung tâm thương mại lớn ở Copenhagen.

Tòa nhà VM Mountain được thiết kế bởi một nhóm kiến trúc sư thuộc tập đoàn Bjarke Ingel, JDS và Plot.
Theo Trần ngọc/VOV


Loạt tháp chùa đạt kỷ lục ở Việt Nam

Nhiều ngôi cổ tự ở nước ta gây ấn tượng với vườn tháp đồ sộ, tháp làm bằng gốm hay tháp chuông cao nhất.


Chùa Viên Giác (TP.HCM) sở hữu ngôi bảo tháp bằng gốm cao nhất nước ta. Tháp cao 22 m, gồm 3 tầng với 7 mái được lợp ngói lưu ly. Mái làm theo hình cá chép hóa rồng. Những viên gạch ốp bên ngoài tháp đều bằng gốm, khắc họa hình thập bát la hán. Ảnh: Agustin4366.

Chùa Linh Quang thuộc huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Ngôi chùa nằm trên một ngọn đồi thoai thoải, với khung cảnh vừa trầm mặc, vừa thoáng đãng. Tên gọi của chùa mang ý nghĩa là hào quang, ánh sáng của chùa hiển linh chiếu sáng. Nơi đây sở hữu bảo tháp Phật giáo trên đảo lớn nhất Việt Nam với 9 tầng, cao 37 m. Ảnh: Đình Hòa.

Pháp viện Minh Đăng Quang (TP Thủ Đức) có kiến trúc độc đáo với 4 ngôi tháp cao bao quanh chính điện của hệ phái Khất sĩ. Nơi đây được Hội Kỷ lục gia Việt Nam xác lập 4 kỷ lục. Trong đó có danh hiệu "Ngôi đạo tràng tịnh xá có 4 bảo tháp lớn nhất Việt Nam". Từ cổng vào, hai tháp phía trước hình bát giác, mỗi tháp gồm 9 tầng, cao 37 m. Hai bảo tháp phía sau hình tứ giác, mỗi tháp gồm 13 tầng, cao 49 m. Công trình pháp viện được khởi công xây dựng mới từ tháng 6/2009. Ảnh: Lê Quân.

Chùa Linh Phước cách trung tâm thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) khoảng 8 km. Địa điểm này thu hút du khách bởi các công trình trong khuôn viên chùa đều được khảm bằng những mảnh chai, sành, sứ đầy màu sắc và có họa tiết độc đáo. Tòa Linh Tháp nơi đây cao 37 m, gồm 7 tầng, có treo Đại Hồng Chung cũng là điểm nhấn ấn tượng. Đây là tháp chuông cao nhất nước ta. Ảnh: Dennygohappiness.

Chùa Thiên Mụ nép mình bên dòng sông Hương thơ mộng. Đây là điểm check-in nổi tiếng tại Huế. Nổi bật giữa ngôi chùa là tháp Phước Duyên. Tháp có hình khối bát giác cao 21 m, gồm 7 tầng, được xây dựng năm 1844. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng. Công trình được ghi nhận vào Sách Kỷ lục Việt Nam là tháp bát giác cổ cao nhất. Ảnh: Travelatearth.

Chùa Bái Đính (Ninh Bình) cách trung tâm thành phố 15 km, thuộc xã Gia Sinh, Gia Viễn. Bảo tháp tại chùa nổi bật với chiều cao 100 m, gồm 13 tầng, có thang máy và 72 bậc. Tầng cao nhất là nơi thờ xá lợi Phật được cung nghinh từ Ấn Độ. Đây là bảo tháp cao nhất Đông Nam Á. Ảnh: Half_broke_nomads.

Chùa Bổ Đà là di tích tiêu biểu của huyện Việt Yên (Bắc Giang). Điểm đặc biệt của chùa là có vườn tháp với hơn 100 ngôi tháp. Các ngôi tháp được xây bằng đá và gạch chỉ, bít mạch bằng vôi vữa trộn với mật mía và bột giấy bản. Vườn tháp chùa Bổ Đà được xây dựng trong khoảng 300 năm. Mỗi ngôi tháp chứa xá lị, tro cốt của 4-26 vị tăng ni. Ảnh: Việt Hùng.

Theo Khánh Vân/Zing















































Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.