.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

5 CÂU CHUYỆN HAY VÀ Ý NGHĨA!

 

 

Mỗi người đều có một nhân sinh quan khác nhau, cách nhìn khác nhau về cuộc đời hay con người. Người có tư tưởng bi quan thì nhìn nhận cuộc sống toàn màu đen, không có điều gì tốt đẹp nhưng người lạc quan thì ngược lại. Hay cùng một sự việc, có người coi đó là họa, có người lại coi đó là phúc, là may mắn…

 

1. Chiếc cốc không

 

Chú tiểu hỏi sư phụ mình rằng: Sư phụ, con thấy mệt quá, cả ngày con bận bịu, chẳng tập trung được vào thứ gì cả!

 

Sư phụ trầm tư một lát, rồi bảo chú tiểu lấy một chiếc cốc không.

 

Sư phụ liền đặt hạt dẻ vào trong chiếc cốc, trong thoáng chốc đã đầy. Lúc đó, sư phụ mới quay sang hỏi: Còn có thể đặt thêm gì vào cốc không?

Chú tiểu trả lời: Cốc đầy rồi, không cho vào được nữa ạ.

 

Sư phụ lại đem rất nhiều gạo đổ vào cốc, lấp đầy toàn bộ, chú tiểu thoáng hiểu ra. Sư phụ lại lấy thêm nước đổ vào. Vừa đổ vào vừa cười hỏi: Lần này đã đầy chưa? Chú tiểu không dám trả lời.

 

Sư phụ lại lấy một nắm muối thả vào trong cốc, muối tan vào nước, đến lúc này mới dùng lại. Mỗi người chúng ta là một chiếc cốc trống không. Nếu bị quá nhiều việc nhỏ lấp đầy, sẽ chẳng còn lòng dạ nào nghĩ đến cái gì lớn lao. Có đặt việc lớn vào trước thì mới có thể phân phối, bố trí thời gian để thực hiện, làm nên đại sự.

 

2. Chiếc thuyền không

 

Một người đi thuyền qua sông, thấy phía trước có một con thuyền đang trôi đến. Người này hô vang báo hiệu mấy lần, bên kia không một lời hồi đáp. Thấy vậy, người đi thuyền liền mở miệng mắng to kẻ lái thuyền kia không có mắt.

Nhưng khi đến gần, nhìn sang thì mới biết chiếc thuyền này trống rỗng, không có một bóng người. Thấy vậy, cơn bực tức của người đi thuyền cũng tan biến, không còn vết tích gì.

 

Cơn nóng giận xét cho cùng cũng chỉ là từ trong lòng ta mà tự phát sinh ra. Nếu nhìn xa trông rộng thêm một chút, kiềm chế lại một chút, không còn lấy bản thân mình làm trung tâm thì sẽ tránh được rất nhiều cơn nóng giận không đáng có.

 

3. Dùng rổ múc nước

 

Có đứa trẻ nọ đến tuổi đi học, hôm nào cũng chăm chỉ đọc sách. Một hôm, đứa trẻ hỏi ông rằng: Ông ơi, cháu mỗi ngày đều đọc sách, nhưng cháu đa phần đều không hiểu, gấp sách lại thì quên sạch, đọc sách như vậy có tác dụng gì không?

 

Người ông không vội trả lời, quay người lấy một chiếc rổ đưa cho đứa cháu bảo rằng: Cháu hãy cầm chiếc rổ này, đựng nước về đây cho ông.

 

Đứa bé thử rất nhiều lần, nhưng trên đời có bao giờ rổ lại chứa được nước. Dù có vất vả bao nhiêu đứa bé cũng không thể mang nước về được. Người ông lúc đó mới cười, bảo đứa trẻ nhìn lại xem chiếc rổ như thế nào. Đến lúc này, đứa trẻ mới nhận ra rằng, chiếc rổ hiện tại, đã sạch hơn chiếc rổ lúc đầu vạn lần.

 

Con người ta khi đọc sách, dù là không hiểu, không nhớ được, nhưng cũng sẽ thay đổi bản thân một cách vô tri vô giác. Những gì đọc được trong sách sẽ được lưu lại trong tiềm thức con người, từ đó soi sáng trí tuệ, thấu hiểu nhân sinh.

 

4. Chiếc bình không

 

Cáo cùng khỉ mấy ngày liền không có gì bỏ vào bụng, liền đi khẩn cầu Sơn Thần ban cho bọn chúng ít đồ ăn.

 

Sơn Thần nói rằng: Ta có hai chiếc bình, một cái đổ đầy đồ ăn, một cái không, các ngươi chọn một đi.

 

Cáo nghĩ một lúc, nói: Tôi thấy cả hai bình này đều trống không.

 

Nghe thấy vậy, một chiếc bình vội lên tiếng thanh minh: Không phải, ta đích thị là một chiếc bình đầy.

 

Cáo nghe xong, lập tức lấy chiếc bình còn lại, bên trong quả nhiên tràn đầy đồ ăn.

 

Khỉ không hiểu, cáo liền giải thích: Chỉ có những kẻ trống rỗng mới sợ người khác bảo rằng mình trống rỗng, do vậy mới vội thanh minh. Còn những kẻ bên trong đầy đủ, dù có nói gì, nó cũng sẽ không quan tâm. 

 

5. Chiếc chén trống không

 

Có một vị học giả muốn gặp thiền sư để tìm lối thoát cho sự bế tắc của mình. Tuy nhiên, thay vì lắng nghe, ông lại nói át hết phần của vị thiền sư, khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình.

 

Vị thiền sư chỉ im lặng rót trà vào một chiếc chén. Nước trà đã đầy, vị thiền sư vẫn không dừng lại. Người kia thấy vậy liền can ngăn: Sư thầy đừng rót nữa, chén đầy tràn ra mất.

 

Đến lúc đó, vị thiền sư mới nói: Ngài như chén trà này, chứa đầy thành kiến cũng như quan điểm cá nhân của ngài, chén đã đầy rồi thì làm sao có thể rót thêm được gì vào?

 

Người kia lúc này mới chợt hiểu ra tại sao mình bế tắc, tại sao xung quanh mình mãi không có thêm gì mới mẻ. 

 

Căn bản bên trong mình đã được lấp đầy bởi thành kiến nên chẳng thể tiếp thu thêm được bất cứ thứ gì. Muốn uống trà ngon, đầu tiên phải có chén rỗng.

 

Sưu Tầm.

6 câu bố mẹ hay nói khiến trẻ tổn thương

Do mệt mỏi, cáu giận hoặc vô thức lặp lại những gì từng nghe khi còn nhỏ, các bố mẹ đôi khi vẫn nói ra những câu khiến con bị tổn thương.

Làm bố mẹ không phải điều dễ dàng song bạn có thể làm tốt hơn mỗi ngày. Dưới đây là sáu câu nói gây tổn thương trẻ sẽ giúp phụ huynh ý thức hơn về ngôn ngữ của mình.

"Có gì to tát đâu"

Trẻ con dễ khóc vì những thứ có vẻ ngốc nghếch. Tuy nhiên, dù khó chịu vì tiếng khóc, bố mẹ cũng không nên gạt đi cảm xúc của đứa trẻ bằng câu nói "có gì to tát đâu".

Những vấn đề nhỏ cùng cảm xúc đi kèm rất quan trọng đối với đứa trẻ. Theo chuyên gia nuôi dạy con Amy McCready (Mỹ), khi nói "có gì to tát đâu", bố mẹ sẽ khiến con hiểu rằng "cảm xúc của mình không quan trọng" hoặc "thật ngớ ngẩn khi sợ hãi hoặc thất vọng".

Thay vì chối bỏ cảm xúc của con, bố mẹ hãy dành một khoảng thời gian để cố hiểu sự việc theo góc nhìn của trẻ nhỏ. Bà McCready gợi ý phụ huynh mở lời: "Con có vẻ đang rất sợ hãi/ thất vọng/ tức giận. Con có muốn nói chuyện với bố mẹ để tìm cách giải quyết không?". Như vậy, phụ huynh vừa giúp con xác định cảm xúc của mình (một phần quan trọng trong sự phát triển trí thông minh cảm xúc - EQ) vừa cho trẻ thấy bố mẹ luôn luôn ở bên con.

"Con không bao giờ" hoặc "con luôn luôn" làm điều gì đó

Không ai "không bao giờ" hoặc "luôn luôn" làm điều gì đó cả. Ngay cả các nhà tư vấn hôn nhân cũng khuyên khách hàng tránh sử dụng cụm từ "không bao giờ" với nhau.

Chuyên gia tư vấn phụ huynh Robbin McManne nhận định hai cụm từ "con không bao giờ" hoặc "con luôn luôn" cho thấy phụ huynh không còn quan tâm đến phản ứng của trẻ trong một tình huống nhất định. Vì tự đóng khung phản ứng của con, bố mẹ sẽ lỡ mất cơ hội dạy con điều nên làm hoặc có thể làm nếu tình huống tương tự phát sinh.

Thay vì hai cụm từ trên, phụ huynh nên tìm hiểu lý do con lặp đi lặp lại một cách phản ứng trong một tình huống cụ thể. Theo bà McManne, bạn không đứng từ xa hét to mà hãy đến gần con để dễ dàng kết nối, chia sẻ với trẻ.

"Con khiến bố mẹ buồn khi làm thế"

Tất nhiên, bạn sẽ thất vọng nếu con không nghe lời. Tuy nhiên, điều quan trọng là thiết lập, duy trì các ranh giới và không đổ cảm xúc của mình lên con.

Chưa kể, việc nói "con khiến bố mẹ buồn khi làm thế" sẽ đem tới cho trẻ "quyền lực tiêu cực". Cụ thể, nếu biết mình có khả năng khiến bố mẹ vui, buồn hoặc tức giận, đứa trẻ sẽ tận dụng các cơ hội để thúc đẩy người lớn phản ứng theo mong muốn của chúng.

"Và sau này khi trưởng thành, suy nghĩ đó của trẻ sẽ làm hại các mối quan hệ tương lai, khiến trẻ trở thành kẻ thao túng người khác để đạt được thứ mình muốn", bà McCready cảnh báo.

Ảnh: Flipboard.

Do đó, thay vì "con khiến bố mẹ buồn khi làm thế", bố mẹ hãy chuyển sang dùng các câu nói mang tính chất đặt ranh giới, ví dụ "nhảy trên sofa là không...". Bạn cũng có thể cho trẻ các lựa chọn như: "Con muốn chơi yên lặng trong nhà hay ra ngoài".

"Con nên tốt hơn thế"

Mục đích của câu nói này là khiến trẻ thấy có lỗi, xấu hổ và thay đổi nhưng thực ra, nó đẩy trẻ vào thế phòng thủ, thậm chí ít nghe lời hơn. Theo bà McCready, khi nghe bố mẹ nói vậy, trẻ cũng bị suy giảm sự tự tin.

"Câu nói này gửi đi thông điệp rằng đứa trẻ quá ngu ngốc, chưa trưởng thành để đưa ra quyết định đúng đắn. Thế nhưng, một đứa trẻ rõ ràng chưa thể biết cách ứng xử tốt hơn theo ý bố mẹ", bà McCready nói thêm.

Giải pháp thay thế cho câu nói "con nên tốt hơn thế" là những câu tập trung vào cách giải quyết. Nhờ đó, bố mẹ sẽ cho trẻ cơ hội thực hành giải quyết vấn đề và sửa lỗi của chính mình. Trẻ cũng sẽ chủ động nghĩ về những cách ứng xử nên đưa ra ngay từ đầu.

"Để bố mẹ làm"

Khi đang vội ra khỏi nhà mà chờ mãi trẻ không xong một việc nhỏ như buộc dây giầy, bố mẹ thường làm luôn hộ con. Tuy nhiên, hãy tránh điều đó nếu bạn có thể.

"Đứa trẻ sẽ hiểu rằng mình không đủ sức hoàn thành công việc nhỏ đó đến mức bố mẹ phải can thiệp. Như vậy, trẻ vừa nản lòng vừa khó chịu", McCready phân tích.

Trong tình huống này, bố mẹ nên kiên nhẫn cho trẻ thời gian chúng cần để làm xong. Hoặc ít nhất, phụ huynh hãy nói rõ vì sao bạn vội. Ví dụ: "Bố mẹ sẽ giúp con lần này vì chúng ta muộn giờ rồi. Nhưng lần sau hãy cùng giải quyết nhé".

"Con là..." đi kèm một nhãn dán

Ví dụ, "con là đứa trẻ lười biếng" hoặc "con là đứa trẻ học kém".

Theo McManne, một trong những điều quan trọng nhất bố mẹ có thể làm cho con là không dán nhãn chúng. Việc dán nhãn khiến mối quan hệ bố mẹ - con cái sứt mẻ bởi phụ huynh có thể không nhận ra đứa trẻ đang gặp khó khăn và cần được giúp đỡ. Bố mẹ cho rằng những hành vi của trẻ liên quan đến nhãn dán mà họ đưa ra, thay vì đào sâu tìm hiểu điều gì đang xảy ra trong quá trình phát triển của trẻ.

Nhãn dán cũng có thể khiến trẻ thay đổi suy nghĩ về bản thân. Ví dụ, nếu thường xuyên bị bố mẹ nói là "ngu ngốc", trẻ sẽ nghĩ mình ngu ngốc dù sự thật chưa chắc đã như thế.

Những nhãn dán có vẻ tích cực như "con là đứa trẻ thông minh" đôi khi cũng gây hại. Theo McCready, đứa trẻ dễ hiểu rằng "mình đạt điểm cao chỉ vì được sinh ra với bộ não thông minh" chứ không phải nhờ cố gắng, chăm chỉ. Chưa kể, nếu lần tới bị điểm kém, nó sẽ hoang mang, tự hỏi "sao mình thông minh mà thất bại".

Giải pháp cho bố mẹ là chú ý và hoan nghênh nỗ lực của trẻ chứ không tập trung vào kết quả. Bên cạnh đó, tránh việc dán nhãn bất kể cái nhãn đó là tốt hay xấu.

Thu Nguyệt (Theo HuffPost)

ĐỜI NGƯỜI

Tôi sắp bước sang tuổi bảy mươi mốt nên thường nghĩ suy về đời người, thân phận con người mà chủ yếu là bản thân minh và bạn hữu. Khi có người gọi mình bằng bố hay ông là mình biết mình đã già. Biểu hiện dễ thấy nhất của tuổi già là sức khỏe giảm sút. Tất cả hệ thống tuần hoàn, tiêu hóa, bài tiết … đều “có vấn đề”. Ngoài chuyện tóc bạc răng long lại còn đau xương nhức khớp, ôi thôi lắm cái khổ. Đa phần đến tuổi nầy không ai còn ham muốn gì ngoại trừ sức khỏe tốt, không bệnh tật và rà soát lại quảng đời đã trải qua.

Tôi có mấy người bạn vong niên vì ở gần nhau nên thỉnh thoảng gặp nhau để vui vài cốc bia rượu. Đề tài rất phong phú từ sức khỏe đến thể thao hay những câu nói độc đáo của những chính khách… Nói chung là tốt vì xả được stress (mua vui cũng được một vài trống canh mà) và yên tâm là bạn mình vẫn còn OK, còn uống bia được và… còn nói tếu táo với nhau. Bài học của bọn già cả quê mùa chúng tôi là lạc quan và bình tĩnh mà sống. Ông bạn tôi hơn tôi mười tuổi bị tai biến hai lần rồi mà vẫn còn uống bia. Ông bảo: “Mình đã đầu tư vào bia rượu sáu bảy chục năm rồi giờ bỏ cũng uổng”. Về đề tài xem xét lại cuộc đời của mỗi con người bọn tôi có đúc kết clà cuộc đời mỗi người có tám giai đoạn nhưng để cho có vẻ tiếu ngạo giang hồ bọn tôi gọi là tám hồi. Mà nói cho cùng thì mỗi người cũng giống như những kiếm sĩ, những danh thủ; sau khi luyện công xong thì xuống núi vào đời hành hiệp. Mỗi người một tuyệt kỹ, một trường phái không ai giống ai và có một điểm giống nhau là ai cũng cho rằng mình là số một.

1. HỒI 1 – HỒI NHỎ:

Hồi nhỏ là thời gian từ khi mới sinh ra đến khi tốt nghiệp. Hồi nầy chúng ta chịu sự quản lý và sanh sát của gia đình, cha mẹ và thầy cô giáo. Nhìn chung thì hồi nầy tương đối êm đềm và ít biến động vì không có trách nhiệm với ai cả; mỗi mỗi chỉ là cho bản thân mình. Nói chung là học sao cho tương đối khá là được chỉ hơi vất vả là vào những năm cuối trung học và đại học thì nếu thi rớt thì phải nhập ngũ. Hồi một chấm dứt với một mảnh bằng đại học, một nghề nghiệp hoặc một binh nghiệp.

2. HỒI 2 – HỒI HỘP:

Hồi hai nầy kéo dài khoảng hơn ba mươi năm bát đầu vào những năm cuối của hồi một; sở dĩ gọi là hồi hộp vì toàn là những biến cố, biến động làm cho chúng ta xao xuyến, lo âu, lo sợ… và phải luôn suy nghĩ, khổ sở tìm các giải pháp… Nói chung là luôn hồi hộp.

Cái hồi hộp đầu tiên là giây phút “hồn lỡ sa vào đôi mắt em, chiều nao xỏa tóc ngồi bên rèm” để rồi tiếp theo là “chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em…”. Rồi những trang thư trên giấy học trò được viết nhưng không gửi, những buổi tan học lẻo đẽo theo sau, rồi những chiều những đêm tan trường về chung lối mà lại chọn lộ trình xa nhất để kéo dài giây phút bên nhau. Ôi cái thuở ban đầu lưu luyến ấy nó rất dễ thương nhưng đầy hồi hộp.

Nhưng rồi một nỗi lo lớn hơn xuất hiện: hai kỳ thi tú tài một và hai. Thời của chúng tôi hết năm lớp 11 (đệ nhị) là phải thi bằng tú tài một; đậu được tú tài một mới lên lớp 12 (đệ nhât), cuối năm nầy phải thi bằng tú tài hai; nếu đậu tú tài hai coi như hoàn tất trung học và lên đại học. Nếu rớt tú tài một hoặc tú tài hai thì phải “xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung”. Bởi vậy nên “rớt tú tài anh đợi ngày đi, đau lòng anh muốn khóc”; đi đây là nhập ngũ là vào binh nghiệp. Đến đây thì bạn hữu bắt đầu ly tán… Hai năm cuối của bậc trung học là đầy áp lực, tất cả phải gác lại và tập trung vào việc học – kể cả việc yêu đương. Nhưng đó chỉ là lý thuyết thôi vì làm sao mà ngừng yêu được, rất khó. Tôi nhớ có người bạn trước ngày thi mấy tháng anh ta phải xuống tóc (cạo đầu) và từ biệt người yêu để chuyên tâm vào việc đèn sách. Cuối cùng anh cũng đậu tú tài nhưng người anh yêu thì đã yêu người khác.

Sau khi vượt qua ải trung học thì phải thi tiếp vào những đại học chuyên nghiệp. Mỗi lần thi là một lần hồi hộp. Nếu thi đậu thì bạn sẽ được định hướng nghề nghiệp tương lai; bạn sẽ là bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư. Nhưng nếu rớt thì bạn có thể ghi danh học các đại học không cần thi tuyển như khoa học, luật… Điều đáng lo đối với một thanh thiếu niên từ tỉnh nhỏ lên Sài gòn học đại học là làm sao có đủ tiền chi phí cho bốn năm đại học. Nhưng nhờ trời sinh voi thì phải sinh cỏ nên dù vất vả anh em cũng tốt nghiệp và sắm bộ vest để lãnh văn bằng chấm dứt bốn năm sống như trong địa ngục.

Mọi hân hoan của ngày tốt nghiệp rồi cũng qua mau mà cái kế tiếp là phải giải quyết việc làm. Tốt nghiệp vào cuối tháng bảy mà hạn hoãn dịch là tháng mười một, nghĩa là đến tháng mười một thì chuẩn bị nhập ngũ mà nếu không có chỗ nhận đi làm thì mình thành như con thuyền không bến. Lại thêm một lần khốn khó, được một cái là anh em chúng tôi rất thương nhau nên họp lại và người nào có khả năng hoãn dịch tiếp thì đợi chỗ mới hoặc đi làm sau nhường chỗ cho anh em khác cần đi làm trước.

Sau khi đã tu luyện xong môn võ công của mình mọi người bắt đầu công cuộc hành tẩu giang hồ và vẫn còn ở trong vòng hồi hộp.

Trong hồi nầy chúng ta bị kéo vào một vòng xoáy tràn ngập nhiều biến cố như tán gái, cưới vợ, sinh con, làm việc cật lực để xây dựng tổ ấm, lấy lòng mấy sếp lớn nhỏ mặc dù … rất chán nản. Bây giờ không biết tại sao mình có thể tồn tại được trong những ngày tháng dài đến ba bốn mươi năm với nhiều biến cố như vậy. Bây giờ thì hành giả hay kiếm sĩ hay anh hùng (bạn có thể gọi bằng bất cứ từ nào bạn thích) đã thấm mệt và chuẩn bị gác kiếm.

3. HỒI XUÂN:

Đây là một hồi đặc biệt, ngắn ngủi mà ông bạn vong niên yêu cầu đưa vào cho đầy đủ. Nó xày ra trong một thời gian ngắn một vài năm khi mà ta bị mệt mỏi, chán nản thì tự dưng cảm thấy như có một luồng sinh lực mới tuôn tràn vào cơ thể làm cho hưng phấn và ta lại lao vào mọi việc một cách hăng say nhiệt tình. Nhưng rồi những ngày vui nào cũng qua mau và ta phải đối diện với sự thật là lực bất tòng tâm.

4. HỒI HƯU:

Thế rồi bỗng nhiên ta được cho phép dừng bước giang hồ trở về với mái nhà nhỏ của riêng mình. Con cái giờ đã lớn, đã lập gia đình đã đi xa; nhà chỉ còn hai người già nhưng vẫn còn son hoặc tệ hơn như tôi chỉ một mình. Việc gì làm được thì đã làm rồi, việc chưa làm được thì không còn sức để làm. Việc đúng việc sai thì cũng xong rồi đâu sửa được. Thôi thì an phận mà vui thú chim cá cảnh vậy. Cũng có người không chịu nổi cảnh trống trải cô độc nên lại vác kiếm quay lại giang hồ, để thấy mình “hiện hữu”.

Hồi nầy kéo dài bao lâu là do phúc phận của mỗi người, ai mà biết được ngày sau. Nhìn chung thì hồi nầy tương đối yên bình vì không phải chiến đấu, không tranh hơn thua với ai nữa. Thế nhưng đời đâu phải bằng phẳng như nước hồ thu đâu. Không chiến đấu với ngoại cảnh thì lại phải chiến đấu với bản thân mình.

Phần cơ thể vật chất đã bị lão hóa nên xuống cấp và nhiều bệnh xuất hiện: đau nhức xương khớp, huyết áp, tiểu đường, tiêu hóa, bài tiết, gan mật… Chúng ta lại có những người bạn mới như y tá, bác sĩ…

Phần tâm thức cũng không bình yên. Những lo lắng về bệnh tật, muộn phiền, tiếc nuối… Tất cả như một cơn lũ tràn về.

5. HỒI TƯỞNG:

Trong hồi nầy vì vô sự nên người ta nghĩ về những ngày qua, quá khứ. Khi họp mặt hay gặp lại bạn cũ ta ưa nhắc lại những chuyện cũ. Những mùa phượng, những rung động với cô em học chung trường, những giận hờn, những xót xa… Và từ đây đưa đến một hồi phụ là … hồi ký.

Từ hồi tưởng hồi ức ta có dịp nhìn lại toàn bộ cuộc đời chiến đấu của mình, những thành công, những thất bại, những sai lầm… Rồi chúng ta tự hỏi minh: ta đã được sinh ra, đã sống đã hoạt động qua nhiều hồi và bây giờ ngồi đây chờ đợi hồi kết; vậy thì mục đích tối hậu và ý nghĩa của đời sống mỗi người là gì? Chẳng lẽ chỉ là học tập, lập gia đình, làm việc rồi… “nghỉ ngơi”.

6. HỒI HƯỚNG:

Hồi hướng ở đây có nghĩa là quay đầu nhìn lại mình. Từ nhỏ chúng ta chỉ nhìn ra ngoài, nhìn ngoại cảnh, nhìn người khác… từ đó có đánh giá đúng sai, đẹp xấu, thiện ác… Tất cả cái đó, điều đó quyết định hành động chúng ta. Chúng ta bị ràng buộc vào mệnh đề của Descartes: “Tôi suy tư vậy tôi hiện hữu” và suy tư trên nền của lý luận nhị nguyên (tốt – xấu, thiện – ác…).

Những câu hỏi trên buộc ta phải nhìn lại mình và tìm hiểu bản chất của mình, của đời người, của thân phận con người. Trước chúng ta đã có nhiều vị làm điều đó như: Đức Phật, Chúa Jesus, Lão Tử, Trang Tử, nhiều thiền sư, triết gia… Lịch sử cho thấy không nhiều người đặt những câu hỏi kiểu nầy và chịu khó tìm hiểu bản chất của đời người. Việc nầy tùy thuộc vào duyên nghiệp của mỗi người và không có chuyện đúng sai ở đây. “Gió theo lối gió, mây đường mây”.

7. HỒI SỨC:

Trở lại chuyện kiếm hiệp, đến hồi nầy thì rất gay go cho hành giả trong sự nghiệp chiến đấu với bệnh tật. Và tôi cũng không dám bàn thêm vì nó cũng sắp đến hồi kết mà ông bạn già của tôi gọi là hồi kèn. Gọi là bạn cũng không đúng vì ông anh nầy lớn hơn tôi mười tuổi và đã hai lần tai biến, hai lần hồi sức nhưng anh vẫn lạc quan vẫn vui với bè bạn. Mỗi khi gặp nhau thấy anh vẫn khỏe vẫn vui, ai có hỏi sức khỏe thế nào anh bảo: “kệ mẹ nó, thằng nào rồi cũng chết cả, cứ sống vui đi, quan tâm làm gì, chuyên gì đến sẽ đến lo sao được”.

8. HỒI KẾT:

Hồi nầy được tô điểm bằng nhạc và hoa. Bạn sẽ được thưởng thức Lòng mẹ, Như cánh vạc bay, Cát bụi, Đường đời, Diễm Xưa, Hạ trắng…

(Share from FB MPL)




Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.