.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2021

Đứa Con Nhà Hàng Xóm.

 


Anh chị Bông đi chợ về đến nhà, chị xuống xe trước, đang lúi húi mở trunk xe để lấy đồ thì đã thấy xe nhà hàng xóm bên cạnh cũng vừa về tới. Đây là lần đầu tiên chị thấy mặt người hàng xóm, kể từ hơn 1 tuần lễ nay khi gia đình chị bắt đầu dọn vào ngôi nhà này.
    Nên chị vội ngừng tay đi đến gần sân nhà hàng xóm và tươi cười:
    - Chào anh chị và các cháu.
    Cả hai vợ chồng đều cười đáp lễ, người chồng nói:
    - Biết là có hàng xóm mới mà mãi hôm nay mới gặp nhau. Tôi tên là Cảnh.
    - Vâng, hân hạnh được làm quen với anh chị, chồng tôi tên là Bông. Nhà tôi cũng lu bu chưa có thì giờ đi chào hỏi hàng xóm anh chị Cảnh ạ.
    Chị Bông nói xong thân mến nhìn gia đình hàng xóm, chẳng dễ gì được dịp gặp cùng một lúc cả nhà như thế này. Thật là thú vị khi đến một nơi ở mới có hàng xóm là người Việt Nam, họ chạc bằng tuổi vợ chồng chị, hai đứa con, thằng lớn khoảng 12 tuổi như Cindy con gái chị, nhưng đứa nhỏ chỉ mới hai tuổi là cùng, hai đứa con cách xa nhau khá xa.
    Chị Bông lần lượt xách những túi hàng vào nhà, mỗi khi trở ra chị thấy thằng con trai nhà anh Cảnh vẫn đứng vẩn vơ ngoài sân, dường như nó chẳng hào hứng gì để mang đồ vào phụ cha mẹ, như con Cindy của chị. Khi chị nhìn nó cũng là lúc nó quay lại nhìn chị.
    Đó là một thằng bé mặt mày khôi ngô, nhưng nét mặt rầu rầu, lạnh lùng một cách khó hiểu.
    Chị Bông nghĩ thầm: “ Chắc hôm nay đi chợ cu cậu đòi mua gì đó không được nên đang dỗi hờn bố mẹ đấy”
    Chị Bông nói với chồng:
    - Hàng xóm bên cạnh là người Việt Nam cũng vui anh nhỉ, “tắt lửa tối đèn có nhau”.
    - Em lại ỷ có nơi chốn để chạy sang xin qủa chanh, qủa ớt, phải không? Đi chợ mua đủ thứ nhưng thế nào cũng có lúc quên những thứ lặt vặt mà vô cùng cần thiết ấy.
    - Biết đâu bà nội chợ bên ấy cũng chạy sang mượn nhà mình những thứ như thế? vấn đề chính em muốn nói là hàng xóm Việt Nam sẽ gần gũi và thông cảm nhau hơn mà thôi.
    Buổi sáng chị Bông chở Cindy đi học, trường học khá gần nhà nên school bus không chở. Bên nhà anh Cảnh chắc cũng phải đưa đón con như nhà chị. Nhà nào cũng tất bật như nhau.
    Một hôm khi chị Bông đón Cindy từ trường về gần tới nhà thì Cindy bỗng kêu lên khi xe đang chạy lướt nhanh:
    - Mẹ ơi, hình như con bác hàng xóm cạnh nhà mình đang đi bộ bên đường?
    - Con có chắc là con bác Cảnh không?
    - Mẹ chạy nhanh qúa con không nhìn thấy mặt, nhưng vẫn cảm thấy thế mẹ ạ, nó đi học về mà đi bộ, hay là cha mẹ nó hôm nay bận không đón được? Chị nhìn qua kính chiếu hậu, phía xa, sau lưng chị là hình ảnh một thằng bé vai đeo cặp sách đang đi bộ trên hè đường, bên cạnh là dòng xe đang vun vút lướt qua, chẳng ai để ý đến kẻ bộ hành ấy, cũng như chị đã vô tình lướt qua nó lúc nãy.
    - Thôi, đằng nào mẹ chạy cũng qúa xa rồi, mà cũng về gần tới nhà rồi. Coi như là con nhìn lầm người đi.
    Thằng con nhà hàng xóm học cùng trường nhưng hơn con Cindy nhà chị một lớp. Cùng lối về, nếu biết bên ấy có hôm bận không đi đón con được thì chị Bông sẵn sàng đưa đón giùm.
    Nhưng chị ít khi gặp mặt vợ chồng anh Cảnh, rồi chị cũng quên phéng đi.
    Chiều nay, sau khi đón Cindy về học xong, chị Bông cần ra khu chợ Việt Nam mua mấy món đồ, cao hứng chị Bông liền ghé vào nhà hàng “Đêm tàn bến Ngự” để mua tô bún bò Huế mang về nhà hai mẹ con cùng ăn thử xem sao, nhà hàng này được tiếng là đông khách vì nấu ăn ngon mà gia đình chị chưa có dịp đến.
    Chị Bông bước vào tiệm, giờ này tiệm vắng vì giữa ngày, không phải giờ ăn trưa cũng chưa đến giờ ăn chiều.
    Một bà có vẻ là bà chủ tiệm, ăn diện bóng bẩy, mặt mày son phấn kỹ càng, trẻ đẹp và sắc xảo đang ngồi sau quày, mỉm cười đón khách:
    - Chào chị, chị cần dùng chi ạ?
    - Cho tôi hai tô bún bò Huế mang về.
    Bà chủ đi vào nói với người trong bếp, bà chỉ thoáng quay đi mà chị Bông đã ngửi thấy mùi dầu thơm ngan ngát. Ngồi bán cửa hàng ăn uống, lúc nào cũng bốc mùi mắm muối, mỡ màng của các món Bún bò Huế, bún thịt nướng, bánh xèo, cơm, phở. v..v.. mà bà chủ điệu nghệ, thơm phức như bán hàng nữ trang, hay hàng mỹ phẩm cao cấp, phải ăn diện cho sang, cho xứng với món hàng. Nhìn bề ngoài bà chủ se sua, không ai nghĩ là một phụ nữ đảm đang buôn bán.
    Chị Bông lơ đãng nhìn quanh trong tiệm, bỗng một hình ảnh nơi góc tiệm đập ngay vào mắt chị, khiến chị ngạc nhiên: đó là thằng con trai lớn của vợ chồng anh Cảnh, hàng xóm của chị, đang ngồi gục đầu trên bàn ăn và ngủ ngon lành, cái cặp sách để trên bàn, chứng tỏ đi học về là nó có mặt nơi đây. Chị Bông đứng chôn chân suy đoán, hay là chị Cảnh, anh Cảnh đi đón con rồi ghé vào tiệm này ăn xong và để thằng con ở tạm đây vì bận đi đâu đó lát sẽ quay lại đón? Và chắc là quen thân với chủ tiệm nên thằng bé có quyền nằm ngủ gục trên bàn thoải mái như thế?
    Bà chủ tiệm đã bước ra ngoài, chị Bông nhìn nét mặt của bà không mấy cởi mở nên không dám hỏi.về thằng bé hàng xóm. Tội nghiệp, chắc đêm qua nó ngủ ít, sáng phải dậy sớm đi học nên giờ nó ngủ gục mà rất say sưa, chẳng hề bị đánh thức vì tiếng nói của bà chủ và của khách mua hàng.
    Xách túi xách có hai tô bún bò Huế ra khỏi tiệm chị Bông đi về nhà. Tô bún bò Huế ngon lành, qủa đúng như lời đồn làm chị ăn xong là quên mất chuyện thằng bé nhà bên cạnh.
    Nhưng khi ra ngoài sân tình cờ chị Bông lại được đối diện với anh Cảnh, khi anh đang tưới những luống hoa, và chị cũng làm công việc tương tự như người hàng xóm, tưới hoa bên sân nhà mình.
    Chị Bông xã giao:
    - Nhà anh có những cây hoa đẹp qúa. Hôm nào tôi phải bắt chước mua thêm những loại hoa như bên nhà anh cho đẹp.
    Anh Cảnh hài lòng:
    - Bà xã tôi thích những loại hoa này nên giao phó cho tôi phải chăm sóc tưới cây đấy chị ạ.
    Anh Cảnh cẩn thận tưới nước từng gốc hoa, có vẻ chiều vợ, đắc lực làm vừa lòng vợ, chứ không phải vì chính anh. Lúc ấy thằng bé con anh đi bộ về đến, dáng điệu mệt mỏi với cặp sách đeo trễ trên vai, nét mặt lạnh như hôm chị gặp nó lần đầu tiên cũng ở mảnh sân này làm chị Bông ngạc nhiên, ngơ ngác hỏi anh Cảnh:
    - Sao cháu giờ này mới đi học về hả anh? Mà…ai đón cháu về?
    Anh Cảnh nhìn thằng bé lủi nhanh vào nhà, chép miệng:
    - Nó tên Việt Nam là Minh, chị thấy nét mặt nó thông minh sáng sủa đấy chứ? Nhưng kể ra thì buồn u ám lắm…
    Anh Cảnh tắt vòi nước tưới cây, đến bên chị hàng xóm, dường như lâu lắm anh chưa có dịp trút nỗi lòng tâm sự cùng ai:
    - Thằng Minh là con đầu lòng và duy nhất của tôi với người vợ trước…
    Giọng anh nghèn nghẹn lại làm chị Bông xao lòng:
    - Thì ra thế…
    - Mẹ nó bỏ tôi, là một người đàn bà chẳng ra gì. Tôi nói lên sự thật chứ không bôi xấu người vợ cũ vì ghen tức gì đâu, chuyện qua rồi, ai có phận nấy.
    - Hai vợ chồng anh đã li dị bao lâu rồi?
    - Chúng tôi li dị đã hơn 5 năm nay, cô ta sẵn sàng bỏ con lại cho tôi để chạy theo tình nhân, chê tôi nghèo lương ba cọc ba đồng không có cơ hội làm giàu lên được. Tình nhân cô ta trẻ hơn tôi, năng nổ hơn tôi, có tiền hơn tôi….
    Chị Bông kêu lên xót xa:
    - Trời ơi, chị ấy bỏ con cho anh nuôi, làm sao một người đàn ông có thể chăm sóc con bằng phụ nữ được?
    - Vì cô ta muốn rảnh tay làm lại cuộc đời với người mới. Thằng Minh sống không có mẹ từ lúc nó 7 tuổi, dù thương con đến đâu, rồi tôi cũng phải lấy vợ khác như chị đã thấy đó, hiện giờ chúng tôi có đứa con nhỏ mới 2 tuổi. Cả hai vợ chồng tôi đều vất vả, bận rộn vì công việc...
    Chị Bông chợt nhớ lại hình ảnh thằng bé lang thang đi bộ trên hè đường và hình ảnh nó ngủ gục trong nhà hàng “Đêm tàn bến Ngự” mà chị đã gặp, chị sốt ruột hỏi lại:
    - Thế ai đưa đón cháu Minh đi học mỗi ngày hả anh?
    - Buổi sáng trên đường đi làm tôi đưa cháu đến trường. Còn khi tan học về…
    Anh Cảnh ngừng lại một chút, chắc lại chạnh lòng thương con:
    - Chẳng ai có thì giờ đón cháu, vì chúng tôi về trễ hơn giờ cháu tan trường nên nó tự đi bộ về. Từ trường về tới nhà cũng hơn một mile nhưng biết làm sao hơn?
    - Lúc nãy tôi gặp cháu ngủ gục trong một nhà hàng bún bò Huế ở khu chợ Việt Nam , Tôi muốn hỏi cháu có về nhà thì tôi chở về, nhưng cháu ngủ say qúa…
    Anh Cảnh ngắt lời:
    - Không sao! Nhà hàng “Đêm tàn bến Ngự” là của mẹ cháu Minh. Cô ta và người chồng mới đã mở nhà hàng đấy, cô ấy thành công giấc mộng làm giàu vì nhà hàng rất đông khách.
    Giọng anh cay đắng tiếp:
    - Thay vì về nhà phải lẩn quẩn đứng đợi hay chơi ngoài cửa cho đến khi chúng tôi về nó mới được vào nhà, thì nó đến nhà hàng của mẹ nó, được ăn món gì tùy thích và nằm ngủ đợi tới giờ về nhà.
    - Thế sao anh không làm riêng một chìa khóa cho cháu Minh để nó đi bộ về thẳng nhà, muốn ăn muốn ngủ có phải là tốt hơn không?
    Mắt người đàn ông bỗng rưng rưng:
    - Đã từng như thế rồi, nhưng thằng Minh và người vợ sau này của tôi không hợp nhau, nó mấy lần lấy cắp những đồng tiền lẻ của vợ tôi trong ngăn tủ nào đó. Thế là tình hình càng căng thẳng thêm, vợ tôi có lý do để cấm nó ở nhà một mình. Còn mẹ nó, biết thế, nhưng cũng chẳng đời nào có ý định mang con về sống chung, sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc của mình vì chồng cô ta không muốn nuôi con riêng của vợ. Thằng bé chưa bao giờ biết đến ngôi nhà của mẹ nó, nghe nói to rộng và đẹp lắm.
    Người vợ của anh Cảnh về tới, anh vội chấm dứt câu chuyện, ra đón đứa con nhỏ và lăng xăng xách phụ vợ ít đồ. Họ đi vào nhà để lo cho bữa cơm chiều. Chị Bông ngẩn ngơ không còn hứng thú để tưới cây nữa, gương mặt buồn buồn, lạnh lùng của thằng Minh ám ảnh chị, gương mặt của một thằng bé tội nghiệp, tủi thân và đầy mặc cảm, cái vẻ lạnh lùng câng câng ấy để tự bảo vệ lấy mình trước cuộc đời .
    Ở cái tuổi non trẻ này, đáng lẽ nó phải được sống trong một mái gia đình êm ấm, có đầy đủ cha mẹ yêu thương, chăm sóc cho nó từng miếng ăn giấc ngủ. Như con Cindy nhà chị, mỗi cuối tuần được bố chở đi thư viện, đi xem phim hay đi bơi lội v..v…Mỗi buổi sáng trước khi đi học, chính chị là người làm sẵn thức ăn bỏ vào hộp lunch cho nó, về tới nhà những bữa cơm luôn có món ăn mà nó ưa thích, rồi tới giờ đi ngủ, chị đã đọc truyện, kể truyện cho con nghe. Bao nhiêu câu truyện ngắn thần tiên và có ý nghĩa, bao nhiêu bài hát hay êm đềm đã theo Cindy vào giấc ngủ suốt từ thuở ấu thơ cho đến giờ...
    Còn thằng Minh, từ năm 7 tuổi, cái tuổi ngây thơ bé bỏng nó đã xa rời vòng tay người mẹ, vài năm sau cũng thưa dần sự chăm sóc của người cha khi cha nó có vợ có con khác. Thằng bé ở với cha nhưng bất mãn người mẹ kế, đến nhà hàng của mẹ chỉ để ăn cho no bụng và tạm nghỉ chân, chẳng khác nào một người khách đến rồi đi. Nó lạc loài cô độc giữa cha và mẹ của nó.
    Mỗi ngày thằng Minh vẫn đến trường và mỗi ngày nó lại lang thang trên đường về, quanh quẩn giữa về nhà của cha và về nhà hàng của mẹ.
Nhưng nếu một ngày nào đó nó không về một trong hai nơi chốn ấy, nó lang thang trên những con đường khác, xa hơn, làm bạn với những đứa bụi đời trên đường phố, và hư hỏng thì không biết cha mẹ nó có còn vui hưởng hạnh phúc mà họ đang có không?
    - Mẹ ơi, mẹ đâu rồi?
    Con Cindy từ trong nhà chạy ra sân réo gọi làm chị giật mình. Thấy mẹ, nó nũng nịu:
    - Trời ơi, mẹ ngoài này mà con tìm mãi, sao mẹ tưới cây lâu thế? không vào nhà nấu cơm cho con ăn, bố cũng sắp đi làm về rồi.
    - Ừ, mẹ sẽ vào ngay đây…
    Con bé chợt nhìn sâu vào đôi mắt mẹ, ngạc nhiên:
    - Có phải mẹ vừa khóc không? Con thấy đôi mắt mẹ còn ướt nước mắt?
    Con bé Cindy nhà chị, một vầng trăng sáng ngây thơ và hạnh phúc tuyệt vời, chị không muốn bất cứ một áng mây mờ nào che khuất vầng trăng đáng yêu này. Chị Bông âu yếm dắt tay con đi vào nhà:
    - Con ơi, bụi nhà hàng xóm vừa bay vào mắt mẹ thôi mà.

Nguyễn Thị Thanh Dương


Chút Huế : Tội hí !


Một buổi chiều cuối năm ghé khu chợ Mỹ mua vài chai rượu uống Giao thừa, đón năm mới, ở vùng nầy người Á đông khá hiếm gặp, đang quanh quẩn chợt nghe nói tiếng “người mình” lại là giọng Huế, nhìn ngang qua thấy hình như là hai mẹ con đang nói chuyện với nhau, lại loáng thoáng nghe bà mẹ không rõ nói gì, chỉ nghe hai chữ “tội hí” chợt bật cười, đúng là Huế “xịn”. Người Huế, nhất là phụ nữ thường hay nói “tội hí”, “tội chưa”, “tội quá” để biểu hiện tình cảm theo từng cung bậc của mình khi nghe ai kể hay nhìn thấy điều gì, từ những không may nho nhỏ cho đến những bất hạnh của người khác, người quen biết hay là người dưng. Nghe câu “tội hí” lại lan man nhớ nhiều chuyện rất Huế.

Huế vốn chưa bao giờ là xứ giàu, mà hình như giờ cũng vậy nếu so đa số các tỉnh khác, nhưng các bà mẹ Huế gần như có đức tính chung là thương học trò, đứa nào đi học là tốt, xã hội chỉ đi học mới có tương lai nên ai cũng gắng cho con đi học, lo cho con mình đi học rồi thì thương luôn cả bạn của con. Có thằng bạn học lớp quá khó khăn, về kể mẹ, “tội hí”, kể thêm nữa “tội chưa”, vậy là rũ thằng bạn về ở luôn, một thằng khác cũng vậy ở với dì dượng quá khắc nghiệt, “tội quá”, rồi cũng kéo về ở chung cho vui, lại có mấy thằng nhà ở xa đi học quá vất vả nhất là vào mùa Đông tháng giá, “tội hí” thôi thỉnh thoảng về ở lại cho tiện, cũng nhờ vậy mà đã có được một khoảng thời gian thú vị cùng bạn bè, cùng học hành, vui chơi rồi đêm gác chân nhau ngủ trên căn gác nhỏ. Thỉnh thoảng ham vui ở lại nhà bạn bè thấy mấy bà mẹ bạn cũng y hệt, đêm bạn con ở lại khuya thế nào cũng có món ăn cho tụi nó kẻo đói, cứ tưởng thức khuya học bài đâu biết thằng làm thơ, thằng nhớ đứa con gái gặp hồi chiều, thằng hát hò lại thêm thuốc lá mù mịt. Bây giờ có thằng thành công thằng thất bại, thằng giàu thằng nghèo nhưng ngồi đểm lại không có thằng nào hư hỏng cả, chắc là đã có tình những bà mẹ như vậy rất khó mà hư.

Có ông cậu lái xe Huế-Đà Nẵng, một buổi trưa ngồi ăn cơm quán ở bến xe, có cậu thanh niên ngồi bên cạnh, nhìn dĩa cơm thấy ăn uống kham khổ hỏi chuyện mới biết học trò trong Quảng ra học ở trọ ký túc xá rất vất vả, tối về kể vợ, vợ chép miệng “tội hí”, mấy tuần sau tình cờ cũng gặp lại nơi quán ăn, chuyện trò tế nhị quanh co một hồi rồi mời về ở dạy kèm cho con cái trong nhà. Kết quả rất có hậu, đổ đạt ra trường lại ẵm luôn cô con gái giữa xinh nhất nhà, bà mợ cười tủm tỉm, ông cậu cười lớn nhờ công tui mà cũng nhờ bà “tội hí”.

Lại có ông anh, đúng là ông bạn vong niên, người Gia Định đi lính ra đóng quân tại Huế hay ghé ở lại nhà ở lại sau mỗi lần hành quân, ông nầy có ngón đàn tuyệt diệu, hát lại hay, ghé nhiều lần quen được chị hàng xóm khá xinh. Mỗi lần nghe anh kể chuyện gian khổ đời lính là chị “tội hí”, nghe người bị thương là “ tội chưa”, nghe chết là “tội quá”, anh thì mê người đẹp có cái giọng Huế khi nói “tội hí” với gương mặt dịu dàng, trán chau lại, mắt chớp chớp nên càng bịa chuyện kể mãi. Sau mấy lần “tội hí” với anh thì người chị đã liêu xiêu, đến lần “tội chưa” khi thăm anh bị thương nhẹ thì ván đóng thuyền. Rất lâu sau mới gặp lại anh chị ở trong Nam, ngồi nhậu với anh nhớ lại hỏi chị, giờ chị còn hay nói “tội hí” nữa không, chị cười cười anh trả lời, bả bây giờ cũng còn “tội hí” nhưng hí… như ngựa, con đông, thời buổi khó khăn, chồng mới cải tạo về, buôn bán chạy dọc suốt ngày không “hí” mới lạ.

Dễ thương nhất là thằng bạn ở Sài Gòn đã rất lâu, tiếp xúc, dạy học toàn là người Nam vậy mà vẫn giọng thuần Huế, thích nhậu mù trời, có giọng hát ấm, càng say hát càng hay. Cứ mỗi lần hát xong khi được khen nó chỉ chép miệng, “nghe tội”. Bản nhạc “nghe tội”, không những nghe đã hay mà như bắt gặp được cái cảm xúc tận cùng của hồn bản nhạc qua từng câu nhạc, nói nghe tưởng lạ lại là rất Huế.

Ngày cuối năm những bà mẹ Huế chúng ta khi nhớ đến những thằng con đang ở phương rất xa không có mặt cạnh mình trong những dịp gia đình sum họp như kỵ giỗ hay đón Tết năm mới thế nào cũng buộc miệng “tội cho hắn”. Cứ nghĩ vậy mà nhớ nhà quá sức.


Hà Thủy

 



 BÉ NGẦN

 

Bố tôi vẫn thường nói với tôi: “Nó khổ hơn con rất nhiều, con đừng ganh tị với nó.”

 

“Nó” là bé Ngần, con bé lang thang không có cha mẹ được bà tôi đem về nuôi trong một lần bà đi tàu từ Sài Gòn về. Bà tôi kể: lúc thấy nó ngơ ngơ ngác ngác một mình trên sân ga, quần áo rách rưới bẩn thỉu, bà tôi động lòng hỏi han nó thì không hiểu sao nó oà khóc đòi đi theo bà tôi. Nó chẳng nhớ tại sao nó đến được đây. Nó cũng chẳng nhớ nó tên gì. Bắt đầu từ ngày đó, cuộc sống đang êm ả của tôi bị đảo lộn lung tung cả lên.

 

Ðầu tiên là mấy con búp bê xinh đẹp. Mẹ tôi bảo: “Con cho nó chơi với”. Rồi hộp đồ xếp hình tôi vẫn cất cẩn thận trong thùng giấy các tông. Bố tôi bảo: “Con hãy chơi chung với nó”. Bực nhất là nó chẳng thèm xin chơi với tôi. Nó đứng trân trân, tròn đôi mắt nhìn tôi. Nó muốn tất cả đồ chơi của tôi ư? Ðừng hòng …

 

Tới năm đầu đi học nó mới được bố tôi đặt cho cái tên là Ngần. Cả nhà gọi nó là bé Ngần. Nó quen dần với cái tên mới. Khi được gọi “Ngần ơi”, nó toét miệng cười. Nó gọi bà tôi bằng bà, gọi bố tôi bằng bố. Nghe ngọt không? Tôi nhiều lần quát nó: “Bà mày à? Bà của tao chứ… Bố tao chứ. Bố mày ấy à, đang ở ...” Tôi chỉ tay về rặng núi xa tít phía chân trời. Nó nhìn theo, bần thần gạ tôi: “Cho em chung bà với… chung bố với …”. Có thế chứ. Cuối cùng nó cũng hiểu thân phận nó và đã ngoan ngoãn xin tôi.

 

Ở làng tôi, rất nhiều cây xoan. Tháng Hai, hoa xoan thả hương thơm ngát, rụng tím cả các phiến đá lát đường. Những hàng rào cúc tần xanh mơn mởn trong mưa bụi mùa xuân. Dây tơ hồng vàng quấn quýt đan vào nhau hứng những cánh hoa xoan li ti như những vỏ trấu màu tím rơi nhẹ. Tôi với bé Ngần chơi trò công chúa về làng. Nó luôn bắt tôi làm công chúa. Làm công chúa được đeo vòng vàng (vòng vàng làm bằng dây tơ hồng). Nó cẩn thận “trang điểm” cho tôi xong rồi nghiêng ngó cười ngặt nghẽo: “Chị Huyền giống hệt công chúa nhé”. Công chúa như thế nào tôi không biết. Có gì khác lũ con gái bình thường chúng tôi? Tôi làm bộ sang trọng đi vào sân nhà. Bé Ngần vun hoa xoan rụng đầy vạt áo, đi sau tung hoa lên đầu tôi, miệng ơi ới: “Tránh ra nhá, cho công chúa đi cái nhá”. Chú cún cũng rối rít lăng xăng chạy lui chạy tới. Chán vai Công chúa tôi bảo đổi cho nó. Bé Ngần lắc nguây nguẩy: “Em không làm được công chúa đâu. Em xấu lắm. Công chúa phải đẹp chứ. Em là người hầu công chúa thôi”.

 

Những mùa hoa xoan tím thấm thoắt qua nhanh. Vèo một cái chúng tôi đã học lớp 9. Bà tôi dạo này yếu hẳn đi. Bà ho nhiều về đêm. Mâm cơm hàng ngày của gia đình tôi không còn nhiều bát đĩa to đựng thức ăn như trước. Bố tôi hay ngồi tư lự sau những buổi đi làm về. Mẹ tôi lại chuẩn bị sinh em bé. Tất cả việc đồng áng đều một mình bố tôi gánh vác. Tôi và bé Ngần sau buổi học lăn ra làm giúp bố. Tối tối đến giờ học bài, bố bắt chúng tôi vào học: “Năm nay là năm cuối, các con phải chú ý bài vở hơn đấy”.

 

Tôi với Ngần hai đứa không giao ước nhưng đều cố đạt điểm tốt để bố vui lòng. Tuy khác lớp nhau nhưng chúng tôi đều biết được kết quả học tập của nhau.

 

Tôi là học sinh giỏi lớp A thì nó cũng là học sinh giỏi lớp C. Kỳ thi tốt nghiệp, đám học trò lo xanh mặt. Tôi với Ngần thì “Yên trí làm bài xong bọn tớ sẽ viện trợ”, chúng tôi đùa với bạn như thế.

 

Năm đó chúng tôi thi xong tốt nghiệp phải thi tiếp lên lớp 10. Buổi báo tin danh sách trúng tuyển tôi không tin vào mắt mình nữa: “Ngần không đỗ lớp 10”.

 

Khi tôi báo tin này với bố, bố tôi bỏ buổi cày phóng xe đạp hộc tốc xuống trường. Mẹ tôi hỏi lại tôi: “Sao Ngần lại không đỗ?” Bà tôi thì rên rẫm: “Ðúng là học tài thi phận. Rõ khổ”. Rồi bà lại ho khan từng hồi dài …

 

Ngần về, mặt buồn buồn. Tôi hỏi. Nó trả lời qua quýt: “Em bị điểm liệt”. Bố tôi đạp xe từ trường về thở dài: “Con Ngần không đỗ rồi, bị một môn điểm liệt”. Không, tôi không tin được. Tất cả các môn Ngần đều học khá. Có môn còn giỏi nữa. “Vấn đề” gì đây. Tôi quyết định cất công tìm hiểu. Có đứa mách: “Không hiểu sao Ngần chép đề xong cứ ngồi im khóc thầm. Thầy giám thị hỏi nó trả lời ấp úng là không hiểu bài, không làm được”. Tôi nóng ruột: “Hôm đó thi môn gì?” Ðứa bạn trả lời: “Môn địa lý”.

 

Người tôi run lên. Môn địa lý nó học giỏi hơn cả tôi. Ðề năm nay không khó …

 

Ðúng rồi … Tôi chạy về nhà, lôi nó ra sau bếp: "Sao mày cố tình không làm bài thi môn địa lý?".

 

Lúc đầu nó chống chế: "Em không nhớ bài …".

 

"Nói láo!", tôi quát lên: "Mày cố tình không làm. Bài đó tao với mày đã từng kiểm tra lẫn nhau!".

 

Ngần cúi đầu. Tôi nhìn qua làn tóc mai của nó. Những giọt nước mắt đang từ từ lăn trên má nó. Tôi khóc oà lên: "Tao biết rồi. Mày muốn ở nhà làm giúp bố phải không? Mày thấy bà ốm nên muốn ở nhà phải không? Mày muốn dành cho tao đi học phải không? Sao lại thế ..."

 

Bố tôi từ đồng về đứng sau chúng tôi lúc nào không biết. Ông lẳng lặng dựng chiếc cuốc vào góc hè, mắt cũng đỏ hoe ...

 

fb: Thằng Bờm





Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.