.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

Bí mật bất ngờ về Thung lũng Nữ hoàng nổi tiếng Ai Cập.

 

Nằm ở phía Tây Nam của Thung lũng các vị vua, Thung lũng Nữ hoàng là nơi chôn cất các Nữ hoàng và hoàng tử thuộc vương triều 19 - 20. Những ngôi mộ tại đây được trang trí rất đẹp.


Thung lũng Nữ hoàng là tên một nghĩa địa của Ai Cập cổ đại. Khu chôn cất hoàng gia này nằm ở bờ Tây của sông Nile.

Nằm ở phía Tây Nam của Thung lũng các vị vua, Thung lũng Nữ hoàng là nơi yên nghỉ của các Nữ hoàng và hoàng tử thuộc vương triều 19 - 20.

Theo đó, Thung lũng Nữ hoàng còn được gọi với cái tên Ta-Set-Neferu có nghĩa là "vùng đất của sắc đẹp".

Trong tiếng Ả Rập, Thung lũng Nữ hoàng được gọi là Biban al Harim.

Một số tài liệu cổ xưa cho rằng, Thung lũng Nữ hoàng do Nữ hoàng Sitre sáng lập và sử dụng làm nơi xây lăng mộ của Nữ hoàng và các con của pharaoh Ai Cập.

Một trong những ngôi mộ lớn nhất và đẹp nhất tại Thung lũng Nữ hoàng là nơi an nghỉ của Nữ hoàng Nefertari (1290 - 1224 trước Công nguyên).

Nefertari là một trong những nữ hoàng Ai Cập nổi tiếng nhất lịch sử. Bà là vợ của Ramesses Đại đế. Là người có ảnh hưởng lớn đến Ai Cập trong nhiều năm, nhiều tượng đài, đền thờ được xây dựng để tưởng nhớ công lao của bà.

Lăng mộ của Nữ hoàng Nefertari được đánh giá là đẹp nhất trong số các ngôi mộ ở Thung lũng Nữ hoàng.

Vào năm 1904, nhà Ai Cập học Ernesto Schiaparelli phát hiện lăng mộ của Nữ hoàng Nefertari mở ra một số khám phá bất ngờ.

Ngôi mộ của hoàng tử Amenhirkhopshef cũng được phát hiện ở Thung lũng Nữ hoàng. Ông là con trai Ramesses III.

Trong lăng mộ của hoàng tử này, các chuyên gia tìm được nhiều cổ vật giá trị. vẫn còn những bức tranh tường được bảo quản tốt.

Cho đến nay, các chuyên gia phát hiện gần 100 ngôi mộ tại Thung lũng Nữ hoàng. Nhờ những khám phá này, giới khảo cổ từng bước giải mã những bí ẩn về cuộc sống của hoàng gia Ai Cập thời xưa.

Tâm Anh (theo Historicaleve)

Bữa ăn cuối cùng trong bụng xác ướp 2.400 năm tuổi dưới đầm lầy.

Thi hài người đàn ông bị treo cổ cách đây 2.400 năm được bảo quản trong đầm lầy tốt đến mức người ta có thể phân tích thành phần trong bữa ăn cuối cùng của ông ta.

Theo Live Science, thông qua phân tích lại thành phần trong ruột, một nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra các món trong bữa ăn cuối cùng của người đàn ông qua đời vào năm 400 trước Công nguyên. Thi thể của ông chìm xuống đầm lầy than bùn ở Đan Mạch ngày nay, trở thành xác ướp tự nhiên nổi tiếng mang tên Tollund Man.

“Chúng tôi đã có thể tái tạo lại bữa ăn cuối cùng của Tollund Man cực kỳ chi tiết. Điều đó khá hấp dẫn, bởi vì bạn có thể tiến gần đến những gì đã thực sự xảy ra cách đây 2.400 năm", trưởng nhóm nghiên cứu Nina Nielsen, nhà khảo cổ học kiêm giám đốc nghiên cứu ở bảo tàng Silkeborg tại Đan Mạch, cho biết.

Môi trường dưới đầm lầy giúp thi thể nạn nhân hiến tế được bảo quản một cách hoàn hảo.

Tollund Man vốn được tìm thấy vào năm 1950 bởi một gia đình ở làng Tollund gần đó trong khi họ đang đào lấy nhiên liệu trong một vũng than bùn. Cơ thể Tollund Man có một sợi dây thừng tròng quanh cổ. Tình trạng xác ướp được bảo quản tốt đến mức gia đình cho rằng ông là nạn nhân của một vụ giết người mới đây và gọi điện báo cảnh sát.

Thực tế theo kết quả nghiên cứu, Tollund Man sống cách đây hàng nghìn năm và môi trường nồng độ oxy thấp của đầm lầy than bùn đã bảo quản thi thể của ông, biến nó trở thành xác ướp. Tollund Man được cho là chết vào khoảng năm 405 - 380 trước Công nguyên, giai đoạn bắt đầu thời kỳ Đồ sắt ở Đan Mạch. Ông kết thúc cuộc đời ở độ tuổi 30 – 40, có thể trong một nghi thức hiến tế người- bắt nguồn từ khoảng 2.400 năm trước. Nghiên cứu nhấn mạnh rằng, hàng nghìn người đã chết trong các vùng đất ngập nước ở Tây Bắc châu Âu trong thời kỳ đồ sắt.

Tollund Man bị treo cổ và đặt vào hố khai thác than bùn. Cách xử lý xác này khá đặc biệt bởi phần lớn người chết cùng thời kỳ và địa điểm đều được hỏa thiêu và chôn dưới đất khô ráo.

Cuộc kiểm tra vào năm 1951 về ruột của Tollund Man phát hiện thấy sự hiện diện của lúa mạch, hạt lanh, hạt cây hồng và cháo...Tuy nhiên, kỹ thuật phân tích đã được cải tiến sau đó, vì vậy nhóm nhiên cứu có thể tìm hiểu chính xác những gì người đàn ông từng dùng. Bằng cách xem xét mẫu vật ruột lớn của Tollund Man, Nina Nielsen và cộng sự nhận thấy phân tích trước đó tương đối chính xác nhưng bỏ sót vài thứ, bao gồm tỉ lệ nguyên liệu bữa ăn.

Theo công bố mới đây trên tạp chí Antiquity, trong khoảng 12 đến 24 giờ trước khi chết, Tollund Man đã dùng món cháo làm từ lúa mạch, rau răm, hạt lanh và có thể cả cá.

Cụ thể món cháo chứa 85% lúa mạch, 9% loại cỏ mang tên răm nước (Persicaria lapathifolia) và 5% lanh (Linum usitatissimum). 1% còn lại bao gồm nhiều loại hạt, trong đó có hạt cẩm chướng dại (Spergula arvensis), cây trà thuộc họ mù tạt (Camelina sativa), cỏ lửa (Epilobium palustre), cỏ bấc đèn (Juncus conglomeratus/effusus) và hoa tím (Viola palustris). Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn tìm thấy phấn hoa lúa mạch, cỏ và cây mọc ở vùng đất khô.

Kết quả phân tích hé lộ Tollund Man ăn cá chứa nhiều chất béo trước khi chết. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng dù cư dân thời đồ sắt ở Đan Mạch ăn cá nhưng loại thịt này không phải thức ăn chính.

Trong ruột của Tollund Man có trứng và protein của giun đường ruột, cho thấy người này đã bị nhiễm ký sinh trùng. Các chuyên gia phát hiện ra không chỉ nhiễm giun tóc và giun sán, Tollund Man còn là trường hợp đầu tiên tìm thấy sán dây trong xác ướp cổ đại được lưu giữ trong than bùn. Nhiều khả năng người đàn ông trung niên đã ăn thịt tươi hoặc chưa nấu chín kỹ và uống nước có trứng động vật ký sinh.

Một phân tích trước đó cho rằng Tollund Man có khả năng mất mạng vì ngạt thở và cổ của ông không bị gãy. Có lẽ một số nghi lễ đã diễn ra trước khi Tollund Man bị treo cổ, bao gồm cả việc dùng bữa ăn cuối cùng.

Những thi thể nằm trong các vũng than bùn biến thành các "xác ướp đầm lầy" được bảo quản tự nhiên đã mang đến cho các nhà khoa học cái nhìn chân thực, chi tiết về cuộc sống hàng ngày của con người vào thời kỳ đó, bao gồm sức khỏe, chế độ ăn uống, tại sao họ lại bỏ mạng cũng như bữa ăn cuối cùng của họ.

Minh Hoa (t/h)

Lọ gốm hé lộ thú làm đẹp của phụ nữ hơn 6.000 năm trước.

Các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng về việc sử dụng mỹ phẩm lâu đời nhất từng được biết đến tại một địa điểm khai quật ở bán đảo Balkan.

Năm 2014, nhóm nghiên cứu do giáo sư Bine Kramberger tới từ Viện Bảo tồn di sản văn hóa Slovenia dẫn đầu tìm thấy một lọ gốm nhỏ ở một địa khai quật tại Zgornje Radvanje, Slovenia.

Vài năm sau, hơn 100 chiếc lộ tương tự được phát hiện cùng khu vực.

Chiếc lọ được cho là dùng để đựng đồ trang điểm cách đây hơn 6.000 năm. (Ảnh: Bine Kramberger)

Ban đầu, do kích thước khiêm tốn, các nhà khoa học cho rằng những chiếc lọ này là đồ chơi của trẻ em hoặc lọ thuốc.

Sau thời gian phân tích các thành phần bên trong, các nhà nghiên cứu thay đổi suy nghĩ. Theo đó, họ phát hiện ra dấu vết của cerussite, loại chì thường dùng làm phấn hồng.

Bên cạnh đó, những chiếc lọ được tìm thấy cùng các công cụ bằng đá mỏng dài gần đó, có thể là "cọ trang điểm". Những chiếc lọ này có tay cầm cho thấy nhiều khả năng chúng được treo ở thắt lưng.


Phần tay cầm của chiếc lọ được thiết kế để treo quanh thắt lưng. (Ảnh: Journal of Archaeological Science)

Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy những mẩu nhỏ mỡ động vật, sáp ong và dầu thực vật - vốn là các nguyên liệu phổ biến trongcông nghệlàm đẹp trong lọ.

Với niên đại được xác định vào khoảng từ năm 4350 đến năm 4100 TCN, những chiếc lọ này là bằng chứng lâu đời nhất được biết đến về việc sử dụng mỹ phẩm của châu Âu.

Chúng được tạo ra và sử dụng bởi người Lasinja săn bắn hái lượm thời kỳ đồ đá mới.

Theo Diệu Hoa/VTC News



































Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.