.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

"NỢ NHƯ CHÚA CHỔM"

 


 

(Bạn có biết chúa Chổm là ai không) 

 Đã là người Việt Nam, hẳn 1 lần bạn từng nghe đến câu "Nợ như chúa Chổm", vậy bạn có biết nhân vật được nhắc đến đó chính xác là ai hay không?

 Chúa Chổm thực tế là 1 nhân vật có thật, tên là Lê Duy Ninh, chính là Lê Trang Tông sau này, vị vua đầu tiên của nhà Lê Trung Hưng.

Theo các nhà nghiên cứu, đầu thế kỷ 16, Lê Chiêu Tông bị Mạc Đăng Dung hãm hại, cướp ngôi, tuy nhiên trước khi qua đời, ông đã kịp để lại giọt máu hoàng tộc với 1 người phụ nữ trog dân gian. Lê Chiêu Tông biết rằng mình khó qua nổi đại nạn nên để lại tín vật cho cô gái đó rồi căn dặn sau này nhớ phục thù cho cha.

Về sau, người phụ nữ ấy đủ ngày đủ tháng, sinh ra 1 đứa con trai, đặt tên là Chổm. Cậu bé ấy thông minh sáng dạ nhưng cũng nghịch ngợm vô cùng. Gia đình nghèo khó, Chổm và mẹ phải làm lụng vất vả mới đủ kiếm miếng ăn qua ngày.

Nhưng tuổi ăn tuổi lớn, lại phải làm nhiều nên Chổm hay ăn cơm và mua quà của những gánh hàng xén nơi cửa ô! Kỳ lạ là cứ hàng nào cậu ngồi thì hàng đó đắt khách, người người ra vào nườm nượp, còn lại những quán xá khác thì ế chỏng chơ.

Bởi lẽ đó, hàng quán nào cũng muốn mới cậu vào ăn để lấy vía tốt, dù không lấy tiền cũng được! Từ đó, Chổm ăn uống thoải mái hơn và cũng có lời hứa khi nào ăn nên làm ra nhất định sẽ trả lại các món nợ này!

Lại nói đến chuyện nhà Lê Mạc, do Mạc Đăng Dung hại vua cướp ngôi nên không được lòng các trung thần của triều cũ, họ bỏ đi và tìm cách phục Lê diệt Mạc.

Lúc đó, Nguyễn Kim đang khởi binh đánh Mạc, bỗng tìm được tín vật, dòng dõi của vua, nên đã đưa Chổm lên ngôi, cùng diệt Mạc, khôi phục triều cũ. Cuộc chiến đã đủ danh chính ngôn thuận, nhiều người hưởng ứng tham gia nên đại quân đánh đâu thắng đó, chả mấy mà thực hiện được mục đích.

Sau thắng lợi, Chổm trở lại kinh thành, trên đường có đi qua chốn cũ từng sinh sống năm xưa. Những bà con nơi đây, năm xưa từng bán chịu cho Chổm nhận ra người quen, dù không biết chuyện gì nhưng thấy ngồi xe giá, đoán là đã giàu có nên đều chạy ra, chỉ vào Chổm mà đòi những món nợ cũ.

Lúc này Chổm không thể nhớ được đã nợ những ai cũng như nợ bao nhiêu tiền cho nên truyền chỉ miễn thuế 1 năm cho dân chúng cả làng để trừ đi số nợ năm xưa! Ngoài ra, triều đình cũng ra lệnh cấm được chỉ tay đòi nợ cho nên sau này có con đường nhỏ ở Thăng Long mang tên Cấm Chỉ.

Dù khá kịch tính như vậy nhưng câu chuyện trên vẫn mang những sắc thái dân gian, được lưu truyền qua miệng chứ chưa có tài liệu thực sự chính xác trên văn bản.

Những giai thoại bên lề

Tương truyền rằng, trước đây, Chổm được mẹ cho vào chùa, theo sư cụ Thạch Toàn để học kinh kệ, nhưng tính tình nghịch ngợm nên hay bị sư cụ khiển trách.

Một ngày, đi chơi về bị đói, lại thấy trước tượng Mụ Thiện có mâm hoa quả, Chổm bèn đưa tay che mắt tượng rồi bóc chuối ăn. Bất giác bị sư cụ Thạch Toàn bắt gặp nên Chổm bị đánh 1 trận no đòn! Tức giận vì bị đánh đón, Chổm lấy giấy viết: "Mười tay, mười mắt không giúp gì cho ta. Thật là vô ích. Phải đày đi phương xa".

Đêm đó, sư cụ Thạch Toàn mơ thấy mụ Thiện đến báo mộng: "Nhà vua đói nên mới ăn, sao lại đánh ngài để ngài đuổi ta đi. Vậy phải xin lỗi ngài để ngài tha cho ta". Giật mình tỉnh giấc, sư cụ tỉnh dậy, sáng hôm sau gặng hỏi Chổm xem cha là ai nhưng chính cậu bé cũng không biết điều này!

Hỏi mẹ của Chổm thì bà sợ mà phải nói dối rằng đã bị hổ ăn thịt . Cho nên Chổm hận hổ lắm, quyết tâm giết hổ để báo thù cho cha. Một hôm vào rừng, cậu bắt gặp 1 con hổ đang ngủ dưới tán cây, bèn lấy hòn đá nặng, đập vỡ đầu nó.

Nhưng không may, không biết từ đâu 1 con hổ khác xồ ra đuổi riết lấy Chổm. Trong phút nguy cấp, bỗng có 1 ông lão tóc bạc phơ hiện ra giết hổ, bảo vệ Chổm. Sau đó, dạy cho chàng 1 thân công phu để tự vệ phòng thân.

Đó là những giai thoại trong dân gian, không thể khẳng định có bao nhiêu phần là chính xác nhưng có thể nói, đó là những câu chuyện để nhấn mạnh thêm nét chân mệnh thiên tử của chúa Chổm.

Nguồn Sưu Tầm

ĐỒNG TIỀN TUỔI NHỎ.

Ai cũng bắt đầu đến với tiền bằng vài đồng xu, cắc bạc nhỏ nhoi được cha mẹ cho hồi con nít, dịp Tết đến trong phong bao lì xì. Có chút tiền là có đồ ăn vặt, có thể mua vài món đồ chơi, từ đó bắt đầu hiểu được giá trị đồng tiền. 

Thời tôi còn nhỏ, nhớ nhất là được xài 5 đồng kim loại có khía gần như hình hoa mai và đồng bạc 10 đồng tròn. Hai đồng này có một mặt hiển thị mệnh giá và mặt kia là hình bông lúa. Còn đồng 20 đồng lớn hơn, trông giống hình tròn nhưng chính xác là hình đa giác tới 12 cạnh. Đồng này có một mặt số và một mặt đúc nổi hình người nông dân đội nón lá trên cánh đồng. Ngoài ra, còn có đồng tiền 10 xu, 20 xu có từ năm 1953, mỗi đồng tiền có một mặt hình ba cô gái Bắc Trung Nam nhìn về một phía và mặt kia hình bông lúa chín bên cạnh số tiền. Cùng hai loại này có đồng 50 xu, một mặt có hình ba cô gái Bắc Trung Nam nhìn ba hướng khác nhau và mặt kia là hình hai con rồng chầu quanh số 50 xu. Đồng này tương đương 5 cắc nên chúng tôi gọi là đồng “năm cắc ba cô”.  Tiền kim loại ngày đó có các hình dạng và kích thước khác nhau để dân chúng dễ nhận diện, không bị nhầm lẫn khi dùng.  Đó cũng là cách giúp người mù chỉ cần dùng tay sờ là nhận ra giá trị của mỗi loại tiền khi mua bán hoặc khi nhận tiền thối lại từ người bán. Thời trước năm 1975, đồng 10 đồng có thể mua được một ổ bánh mì thịt rất ngon để ăn sáng, chứng tỏ đồng tiền rất có giá trị. 

Khi nào buồn không biết làm gì, con nít dùng giấy bạc trong vỏ bao thuốc lá hay ở miếng chewing gum bóc ra khỏi lớp giấy trắng rồi bọc đồng tiền lại. Xong chà xát vào vải quần cho giấy bạc ôm sát đồng tiền, nổi rõ những hình đúc sẵn trên đó, nhìn rất đẹp như được mạ lớp bạc sáng choang. Chơi chán thì bóc ra đi mua miếng bánh tráng chiên có me ngào bên trên, hay gói đậu phộng rang. 

Con nít hồi đó còn dùng tiền cắc như một thứ đồ chơi, có thể chơi bật tường, hay chơi đánh đáo.  Khi chơi bật tường, dùng phấn kẻ một đường thẳng trên mặt nền xi măng rồi dùng bàn tay gõ những đồng bạc cắc vào tường cho nó bật ra, cố gắng cho đồng tiền rớt gần lằn kẻ nhưng không được ra ngoài lằn. Nếu tiền vượt qua khỏi lằn, người chơi mất phiên dùng tiền mình chọi vào tiền của những người khác.  Đồng của ai bật ra nằm ngay trên lằn kẻ thì người đó được chọi đồng của mình vào những đồng tiền khác nằm gần đó.  Nếu chọi trúng, người bị chọi bị loại ra, phải trả cho người chọi trúng một đồng cắc như đã thoả thuận trước đó. Người chọi thắng tiếp tục chọi cho đến khi chọi hụt đồng nào đó và bị thay thế, cứ như thế đến khi không có người chọi trúng nữa.

Nếu chơi đánh đáo thì đào một lỗ nhỏ dưới đất đường kính chừng ba phân, cũng gạch một lằn kẻ cách xa lỗ khoảng hai mét.  Người chơi đứng gần lỗ, thảy đồng tiền tới lằn kẻ xem đồng nào rớt gần lằn nhất.  Nếu ai thảy đồng của mình trúng ngay lằn kẻ hay gần nhất có thể thì là người đầu tiên được cầm tất cả đồng tiền của người chơi đứng ngay chỗ lằn kẻ để thảy vào lỗ.  Nếu có đồng nào lọt vào lỗ thì nó thuộc về người đã thảy nó. Đồng nào nằm ngoài lỗ sẽ được người chơi thay phiên dùng đồng của mình ném vào, trúng đồng nào thì thắng đồng đó đến khi không còn đồng nào nữa.  Nhiều đứa trẻ có khiếu và tài mọn, thảy tiền vào lỗ rất nhuyễn, chọi đồng bạc cắc rất chính xác nên những đứa xếp sau hầu như không có cơ hội để chọi tiền, thua sạch.  

Vui vậy đó, con nít hồn nhiên nhưng chơi đùa cũng theo lề luật chặt chẽ!  

Lúc tôi còn nhỏ, má tôi bán hàng tạp hóa ngoài chợ nên trong túi áo bà ba của bà treo đầu giường luôn có cọc tiền tròn cuộn trong đó. Thỉnh thoảng, tôi và anh em trong nhà lại lấy một ít mua đồ ăn vặt. Biết vậy không đúng, nhưng luôn trấn an mình chỉ lấy ít tiền lẻ để mua đồ ăn rẻ tiền như trái chuối, bịch đậu phộng thôi mà. Má tôi không mấy khi la chuyện này, duy chỉ một lần phàn nàn là xấp tiền mới đó bị đứa nào lấy vài tờ. Qua độ tuổi lên mười hay hơn một chút, anh em tôi tự động bỏ dần tật xấu đó dễ dàng, để rồi sau này nhắc lại mà cười. 

Lúc đó, trong mắt chúng tôi tiền là vật không quá quan trọng, trừ khi muốn mua đồ ăn vặt hay mấy thứ đồ chơi nhựa rẻ tiền từ trong Chợ Lớn bán ra ở tiệm chạp phô. Nếu có một tờ giấy bạc còn lại sau Tết, thường là lần xuống vạt áo, nhét tờ giấy bạc đã cuộc tròn vào khoảng gấp của vạt, luồn sâu vào trong và sau đó... quên luôn. Vài người lớn thích chơi trò gấp tờ giấy bạc thành những chiếc vòng, chiếc nhẫn đeo vào ngón tay hay cổ tay,  hay dùng nhất là những tờ bạc có giá trị lớn như tờ 500 đồng, hay 1.000 đồng. Có người khéo tay dùng tiền như là giấy origami để gấp thành con chim, con công, hay con cá vàng... phải chăng đó là những cách “mân mê” giá trị đồng tiền?  

Đọc đoạn văn của ông Lê Bảo Trân trong cuốn “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều” xuất bản tại Mỹ năm 1992 có nhiều chi tiết mấy ai còn nhớ. Thời chiến tranh sau 1945, tiền ăn quà vặt phát cho con nít là hai xu, trong khi đó phải có năm xu mới mua được một ổ bánh mì bột bắp. Ông kể: “Chiến tranh càng leo thang, kim loại khan hiếm nên tất cả xu hào đều phải thay thế bằng tiền nhôm, trắng toát và nhẹ. Về sau từ năm xu trở lên đều in bằng giấy. Giấy một cắc in màu đỏ bầm có người Thượng cưỡi voi. Giấy bạc một đồng hãy còn xài tiền Đông Dương, một mặt có người con gái Bắc vấn tóc, mặt kia là thanh niên Nam cởi trần gánh dừa”. Ông kể về sau nhôm cũng khan hiếm nên một xu phải đúc bằng chì, rơi chạm đá là bể đôi. 

Khi bàn về chuyện tiền bạc, Kha, anh bạn bên Mỹ kể chuyện mẹ anh nhắc hồi còn ở ngoài Bắc trước khi di cư 1954, mỗi lần đi bán vải vóc với các bà cô trong họ thì tiền bạc lúc đó là những đồng hào, đồng xu và đồng trinh, những đồng bạc có lỗ vuông ở giữa. Mỗi khi thâu tiền từ khách hàng, các bà xâu những đồng bạc đó và đeo ở trong vành váy vì ngày đó phụ nữ không mặc quần chỉ mặc váy, nên không có túi để cho tiền vào.  Vả lại, dù có túi thì túi nào đựng cho xuể nên những đồng tiền thường được xâu vào những sợi thép và đeo vào người.

Người miền Bắc hồi mới di cư vào Nam năm 1954 rất ngạc nhiên khi thấy người Nam thích xài giấy bạc xé ra phân nửa. Thói quen này với họ rất lạ, buồn cười, có phần ngô nghê… Tuy nhiên, không mấy ai biết một cách thấu đáo là nó có lý do dẫn tới thói quen rất phổ biến lúc đó. Số là từ đầu thế kỷ 20, khi Pháp đang cai trị nước ta, đồng tiền xu rất phổ biến trong hệ thống tiền tệ xứ này. Tới năm 1942, đồng xu dần dần hết dùng và không thấy lưu hành nữa. Người ta cho rằng đó là do giá trị kim loại đồng để đúc xu còn cao hơn giá trị ghi trên loại tiền này, nên con buôn thu hết tiền xu về đúc thành các đồ vật khác kiếm lời nhiều. Vì thiếu tiền lẻ, tại Sài Gòn và các tỉnh đã nảy ra phong trào xé đôi giấy bạc thành phân nửa giá trị khi cần thiết. Mọi người thấy vậy cũng tiện dù không đúng luật lệ, khi cần thì ráp hai nửa giấy bạc dán lại, không cần đúng số vẫn tiêu xài như thường. Ai cũng chấp nhận tiêu xài như vậy. Mua món gì bằng tiền xé đôi, nếu gặp khó khăn gì thì cứ dùng tiền ấy mua thịt heo của người Tàu thì họ cũng chấp nhận ngay không thắc mắc.

Thấy chuyện này không ổn, đến tháng 8 năm 1955, ngân hàng quốc gia và Tổng ngân khố của miền Nam lúc đó ra một thông cáo nhắc công chúng là giấy bạc 1 đồng, 5 đồng và 10 đồng xé đôi dán lại được lưu dụng đến cuối tháng 8 là hết hạn. Từ  ngày 1 tháng 9 trở đi, giấy bạc bị xé sẽ không còn giá trị nữa. Tuy nhiên, để cho công chúng có đủ thời giờ đổi những giấy bạc xé đôi, ngân hàng Quốc gia Việt Nam, ngân hàng quốc gia ở Sài Gòn và  các tỉnh nhận đổi những giấy bạc ấy tới 15 giờ chiều ngày 2 tháng 9 năm đó. Có lẽ đây là hiện tượng sử dụng đồng tiền thuộc hàng độc đáo và tùy tiện hiếm có của thế giới! 

Giá trị của đồng tiền thời xưa như thế nào? Dì tôi học trường Gia Long, sau đó học sư phạm rồi đi dạy ở trường tiểu học Võ Tánh năm 1958, lãnh lương hơn bốn ngàn đồng,  ngang giá một lượng vàng và tương đương lương chuẩn úy quân đội. Vì chồng làm ra tiền, nhà chồng khá giả nên khi tôi hỏi đùa là phụ nữ như dì ngày xưa khi Tết đến có đi mua vàng không, dì bảo sao phải đợi đến Tết, trong năm mua cũng được mà! Đến khi đọc Hồi ký của nhà văn Bà Tùng Long, biết thêm mức lương tháng của bà (dạy trung học đệ nhất cấp, cùng thời gian với dì tôi nhưng dạy cấp cao hơn) bằng hai lượng vàng, nhờ vậy mới đủ nuôi đàn con đông đúc dù vẫn phải làm thêm. 

Có những bà buôn thúng bán mẹt ở Sài Gòn – Gia Định hàng ngày bươn chải  để cùng chồng nuôi sống gia đình nhưng cũng tìm cách cóp nhóp để dành một ít tiền, ráng mua cho được một chỉ vàng mỗi tháng.  Đến cuối năm, các bà gom góp lại những chỉ vàng đó, đổi thành một lượng vàng lá để dành lúc cần thiết sau này. Nhiều người lúc đó và cả bây giờ chỉ tin vào giá trị của vàng hơn bất cứ loại giấy bạc nào, chỉ muốn giữ vàng bên mình, tin rằng nó không bao giờ mất giá nó dù ở thời đại nào hay chính quyền nào.

Đến khoảng năm 1967, anh tôi học xong trường sư phạm nhận nhiệm sở ở Tây Ninh là Hiệu trưởng trường tiểu học, lương khoảng 25 ngàn đồng, lúc đó xe Honda dame của Nhật nhập qua khoảng 32 ngàn, anh mượn thêm tiền mua luôn. Đó là khoảng thời gian có một công việc ổn định ăn lương tháng là mơ ước của nhiều người, không phải lo kiếm sống qua từng ngày. Cả nhà tôi vui vì đồng tiền anh kiếm được có giá trị cao như vậy.

Đó là vài hiểu biết tuổi nhỏ về đồng tiền. Chúng ta lớn dần lên, được dạy là tiền rất quý, rất cần cho cuộc sống nên phải biết giữ gìn, tiết kiệm và đừng để mất. Lớn hơn nữa, bài học bổ sung là đồng tiền tuy cần thiết và quý nhưng có những thứ còn quý hơn để có lúc phải ngoảnh mặt với tiền. Bài học với biên độ rộng đó  luôn quay về tâm trí từng người trong mọi lúc. Đồng tiền theo ta từ hồi trẻ thơ, theo suốt cả đời và sướng khổ trên đời, có lẽ từ nó phần nhiều.    

Phạm Công Luận


NHANH NHƯ ÁNH SÁNG

Lê Tất Điều

Sóng radio, sóng ánh sáng lan tỏa trong không gian như thế nào ta đã biết. Chỉ còn một thắc mắc: Nguyên do nào khiến một vi phân tử, thí dụ như photon, “bay” nhanh đến thế – có thể nhanh nhất trong Vũ Trụ.

Theo truyền thống, trước hết, thỉnh ý tiền nhân.

Lên Gúc, tra cứu sách báo khoa học, không thấy các ngài – như Einstein, Newton – dạy bảo gì rõ ràng, dứt khoát về vụ này. Đành trông chờ ở các bậc cao minh của thời đại chúng ta.

Đây là câu trả lời của Tiến sĩ Christopher S. Baird:

Photon không phải tăng tốc độ (từ zero lên tới tốc độ ánh sáng), vì nó đã chạy nhanh như thế ngay từ lúc vừa chào đời(A photon of light does not accelerate to light speed. Rather, a photon is already traveling at light speed c when it is created. It's not like a photon jumps from a speed of zero to light speed instantaneously. Rather, a photon is always traveling at c, from the moment of its creation).

Ngon lành! Đang lúc được tạo sinh, photon đã bay ào ào sẵn rồi, và tiếp tục bay như thế muôn nghìn năm.

Chắc sợ người nghe có đứa té ngửa, chết giấc, ông cho thêm một lời giải thích tường tận hơn. Ông bảo: Có vài người nói rằng lý do khiến photon di chuyển nhanh ngay từ lúc sơ sinh là vì nó không có thể chất (it is a massless particle).

Đọc lời giải thich thêm, chỉ học được một điều là ông hơi thiếu ngay thẳng.

Chuyện nhiều khoa học gia – không phải chỉ “vài” – nhận định photon “không có thể chất” là có thật. Nhưng chẳng ai nói nhờ “không thể chất mà photon vừa chào đời đã chạy như điên”. Nhận định dị thường ấy là sáng tác riêng của Tiến sĩ Baird thôi.

Nhiều – phải nói là hầu hết – khoa học gia chấp nhận lời giải thích này:

“Photon di chuyển được trong chân không (vacuum) với tốc độ ánh sáng vì nó không có thể chất (massless)”.

Cách giải thích này được in đầy trong sách, tạp chí khoa học, cũng như sách giáo khoa, được giảng dạy ở trường học, như một chân lý đã được khoa học giới chấp nhận.

Tôi thấy nhiều chỗ bất ổn:

Photon “bay” nhanh nhờ di chuyển trong Chân không (vacuum).

Vũ Trụ đặc kín vi phân tử, phân tử, nguyên tử, tràn ngập Chất Đen thể lỏng… có bao nhiêu vacuum cho photon di chuyển nhanh? Kỳ dị nhất là trong cùng một bài, bên cạnh luật di chuyển dành cho photon, có thể có ngay những câu như: tinh cầu này cách xa một tỉ, tinh cầu kia cách xa hai tỉ năm ánh sáng, v.v… Nghĩa là – phải ngầm hiểu – giữa các tinh cầu với trái đất chỉ có toàn là vacuum cho photon bay cho ngon, đúng tốc độ tối đa!

Photon di chuyển nhanh vì “không có thể chất”.

Nghe rùng mình, muốn sởn gai ốc!

Không thể chất thì cái gì di chuyển? Những món không thể chất xô đẩy nhau bằng cách nào? Photon không thể chất nghĩa là không có thể lực, nó lấy cái gì để tạo áp lực trên thần kinh thị giác, truyền tín hiệu giúp muôn người, muôn vật khỏi mù lòa?

Theo luật thiên nhiên, luật vật lý, thì muốn hiện hữu phải có “chỗ đứng” trong không gian, phải có thể chất để chiếm ngụ phần không gian ấy, và từ đó tương tác với muôn vật xung quanh. Không hội đủ điều kiện tiên quyết ấy thì nên kiếm một vũ trụ khác mà hiện hữu. Chập chờn, lởn vởn hiện hữu không thể chất trong vũ trụ này, thì chỉ có thể là … ma!

Nhiều vật lý gia chắc cũng sợ lý thuyết về ma photon không được đời coi trọng, họ giải thích thêm: photon khi ở trạng thái bất động thì vô tích sự, nhưng vừa di chuyển là ích quốc lợi dân ngay, vì khi đó nó phát ra năng lượng – nghĩa là năng lượng tự phát ra khi photon di động (bù đắp cho cái nguồn thể lực nó thiếu vì lỡ massless.)

Đứng một chỗ thì chẳng là gì, không có gì, nhưng đi thì cái “tuyệt đối không có gì” ấy lại có ngay cả đống năng lượng để toát ra!!!

Sợ chưa đủ thuyết phục, một ông khôn ngoan, láu lỉnh trưng ra một đồng minh khổng lồ: cụ Einstein. Theo lời ông dẫn giải thì: 

Lũ photon không có thể chất thật, nhưng chúng nó lại có một thứ thể chất cần thiết khác xác định bởi số năng lượng chúng mang theo (năng lượng này) đã được công thức lừng danh của Einstein:  E = mc2 tặng cho). (The packets carry no mass, but they do have an effective mass that is determined by the energy they carry compliments of Einstein's famous E = mc2)

Cảm ơn ông! Nhờ ông có nhã ý đem công thức của Einstein ra hù thiên hạ mà nhân loại khám phá được một hiện tượng không ai ngờ có thể xảy ra trong trời đất: Một khoa học gia, học vị Tiến sĩ, không biết… làm toán, không giải nổi một phương trình bậc nhất.

E = mc2   nghĩa là muốn tìm  Năng lượng (E– energy) thì đem Khối lượng thể chất (m– mass) nhân với bình phương tốc độ ánh sáng (c2 ).

Nếu m = 0 thì kết quả bài toán là E = 0 x c(zero – học trò thường kêu một cách thân thương là “trứng vịt”).

Nghĩa là cái bóng ma massless photon có di động với tốc độ 186.282 m/s, hay nhanh hơn nữa, thì cũng không văng ra được một mảy may năng lượng nào.

Không biết làm toán, ông còn không hiểu ý nghĩa phương trình của Einstein. Phương trình ấy luôn luôn có hai vế: Khối lượng thể chất (m) và Năng lượng (E). Dùng nó để tính số năng lượng sinh ra từ một khối vật chất khi tiến trình chuyển hóa đã hoàn tất. Không có mass, không có nguồn để chuyển hóa, thì đào đâu ra năng lượng!

Chính phương trình của vị đồng minh vĩ đại này làm cho thuyết của ông thành vô nghĩa, tiếu lâm.

Và đây mới là chỗ thê lương.

Trừ cái ông “photon sinh ra đã chạy nhanh”, tất cả những nỗ lực bắt photon phải không có thể chất, toàn bay trong chân không v.v… chỉ cố giải thích tại sao photon có thể di chuyển nhanh. Không trả lời được câu hỏi chính: nguyên do nào – sức tác động, khởi động nào – khiến nó bị phóng đi, đạt tốc độ ánh sáng.

Bạn thất vọng và ớn lên tận cổ chưa? Tôi thì quen quá rồi. Sau hơn một thập niên tham dự nhiều cuộc tranh luận, đọc không biết bao nhiêu luận án… bị ngẩn ngơ, ớn lạnh lu bù, bây giờ, gặp những phát biểu kiểu đó, chỉ buồn thôi.

Cũng thất vọng, ngao ngán lắm, nhưng không dám tuyệt vọng, sợ mình nản chí, bỏ cuộc thì tội nghiệp cho muôn triệu trẻ em bây giờ và mai sau, từ thế hệ này sang thế hệ khác, bị nhồi nhét vào đầu những kiến thức nhảm nhí, sai lầm khiếp đảm như thế.

Tiền nhân chưa biết đủ để giải thích hiện tượng. Các bậc cao minh đương thời thì nói nhiều, nhưng nói sai không ít. Cứ gặp chỗ bí là bịa nhảm. Thấy Hố Đen hút mạnh quá thì phịa ra cái Singularity. Thấy photon bay nhanh quá thì tưởng là nó “không có thể chất”.

Không trông cậy được vào ai trong vấn đề này, ta đành tự lực cánh sinh.

Bạn đừng lo, chúng ta chưa lâm vào mạt lộ. Vẫn còn một cánh cửa lớn để gõ. Ta hỏi thẳng Vũ Trụ.

Thực ra, không cần ai hỏi, Vũ Trụ đã trưng ra câu trả lời khắp trong trời đất.

Chỉ cần chịu khó nhìn ngắm nó bằng giác quan, bằng cảm nhận, cảm thức, và luôn tuyệt đối tôn trọng luật thiên nhiên… thì dần dần sẽ giải mã được hết những huyền bí từng đè nặng tâm trí nhân loại hàng ngàn năm.

Kể cả nguyên nhân khiến photon đạt tốc độ ánh sáng.

Lê Tất Điều (18/7/2021)

 

 

 

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.