.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

Gia tăng nguy cơ ung thư ở trẻ em sống gần đường giao thông


Trẻ em sống gần đường cao tốc hoặc các đường giao thông đông đúc có thể có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu do chất gây ung thư gia tăng do khí thải của xe cộ. Đó là công bố của Viện Xã hội và Y tế Dự phòng trường Đại học Bern về mối liên quan đến ung thư trẻ em ở Thụy Sĩ trong các khu dân cư, trong các năm từ 1985 đến 2008.
Ảnh: JOHANNES EISELE/AFP/Getty Images
Ung thư ở trẻ em là rất hiếm. Tuy nhiên ở Thụy Sĩ hàng năm có hơn 200 em bị bệnh này. Xếp sau các loại tai nạn thì bệnh ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em dưới 16 tuổi ở đây. Thường xuyên xảy ra nhất là bệnh bạch cầu và u não. Các nguyên nhân gây bệnh ung thư ở độ tuổi này đến nay vẫn chưa được biết đến nhiều. Ngoài yếu tố di truyền nhất định, thì ảnh hưởng của các yếu tố môi trường khác nhau cũng được đề cập đến  như ô nhiễm không khí, ô nhiễm do khí thải xe có chứa benzen và các chất gây ung thư được biết đến khác.
Một nghiên cứu được công bố của nhóm nghiên cứu do ông Ben Spycher và bà Claudia Kuehni chủ trì thuộc Viện Xã hội và Y tế Dự phòng trường Đại học Bern (ISPM) trong tapj chí “European Journal of Epidemiology” đã củng cố giả thuyết cho rằng các loại khí thải giao thông làm tăng nguy cơ bệnh bạch cầu ở trẻ em. “Từ những năm 90 trong khi tình trạng ô nhiễm do giao thông ở Thụy Sĩ đã giảm nhờ quy định chặt chẽ hơn về khí thải thì vẫn còn có những sự khác biệt lớn về từng vùng” chuyên gia y tế dự phòng Ben Spycher nói. Trong vùng lân cận của những con đường đông đúc xe cộ như đường cao tốc, nồng độ các chất ô nhiễm vẫn đang gia tăng mạnh mẽ trong không khí. Tuy nhiên, sự ô nhiễm này tăng cao trong vòng một vài trăm mét cách mặt đường. “Một số nghiên cứu từ các nước khác cũng tìm thấy bằng chứng về việc gia tăng nguy cơ bệnh bạch cầu ở trẻ em sống  ở gần các con đường đông đúc xe cộ”.  Bà Claudia Kuehni, một bác sĩ nhi khoa và là giám đốc Viện theo dõi Ung thư Trẻ em của Thụy Sĩ cho biết thêm.

23 năm nghiên cứu

Các nghiên cứu ISPM được dựa trên số liệu từ Viện Theo dõi Ung thư Trẻ em Thụy Sĩ (SCCR) và Viện Thống kê Quốc gia Thụy Sĩ (SNC), trong đó bao gồm tất cả trẻ em được lập danh sách trong cuộc tổng điều tra dân số năm 1990 và năm 2000, tổng số hơn 2 triệu em. Số liệu của SCCR  chẩn đoán ung thư ở trẻ em dưới 16 tuổi được lấy đầy đủ trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến năm 2008. Để xác định trẻ bị ảnh hưởng, các nhà nghiên cứu đã đối chiếu thống kê của SNC và SCCR với nhau . Tại thời  điểm điều tra dân số, tọa độ chính xác nơi cư trú của hầu hết trẻ em đã được lên danh sách.
Mục tiêu nghiên cứu của nhóm  ISPM là xem liệu trẻ em lớn lên rất gần đường cao tốc hoặc đường giao thông có bị tăng nguy cơ ung thư lên không. Dựa trên các số liệu điều  tra dân số, các nhà nghiên cứu chia những nơi cư trú của trẻ em thành từng nhóm ở gần hoặc xa đường cao tốc hoặc đường giao thông (cách đường ít hơn 100 mét; 100-250 mét; 250-500 mét và khoảng 500 mét). Từ đó, các loại ung thư xảy ra cho đến năm 2008 đã được Viện theo dõi Ung thư Trẻ em ghi nhận. Sau đó, các nhà nghiên cứu so sánh tần suất thông số bệnh bạch cầu trong các khoảng cách khác nhau. Phương pháp thứ hai đánh giá từ số liệu điều tra dân số: tổng cộng bao nhiêu trẻ em Thụy Sĩ thường trú trong từng năm với không gian khác nhau và khoảng cách khác nhau trong khoảng thời gian từ 1985-2008 . Mổi đứa trẻ  đều được theo dõi theo từng năm dương lịch. Một lần nữa, tỷ lệ (trường hợp bệnh bạch cầu người/năm) được so sánh giữa các nhóm không gian.

Trong phương pháp đầu tiên, số lượng các trường hợp ít hơn (tổng cộng 1.783 trường hợp ung thư) so với phương pháp thứ hai (4.263 trường hợp). Có sự  chênh lệch này là vì phương pháp đầu tiên chỉ có những trẻ em đã được thống  kê theo dõi tại thời điểm hai cuộc tổng điều tra. Phương pháp thứ hai là dựa trên một khoảng thời gian dài hơn cũng như bao quát một số lượng lớn hơn số người được tính theo từng năm dương lịch. Ngoài ra, một phần do thiếu các số liệu chính xác trước và sau khi cuộc tổng điều tra dân số.

Nguy cơ đặc biệt đối với trẻ sơ sinh  

Cả hai phương pháp cho kết quả gần như  giống nhau, như bà Kuehni và ông Spycher giải thích: Đối với bệnh bạch cầu đã được quan sát thấy ở trẻ em trong các loại khoảng cách 100 mét là 47% (phương pháp đầu tiên), hoặc 57 % (phương pháp thứ hai) phát hiện thấy nguy cơ bệnh tăng lên ở những đưa trẻ sống trong vòng nửa km cạnh đường cao tốc hoặc đường giao thông. “Mặc dù “chỉ” 30 trẻ em bị bệnh bạch cầu ở khoảng cách này trong suốt thời gian quan sát trong điều kiện theo dõi người/năm,” Claudia Kuehni giải thích, “tuy nhiên , điều này tương ứng với một tỷ lệ là 7,2 trường hợp trên 100.000 bệnh bạch cầu người/năm, so với 4,5 trường hợp trên 100.000 người/năm ở những trẻ sống trong phạm vi 500 mét cách xa đường cao tốc hoặc đường giao thông. “Các số thống kê cũng cho thấy sự gia tăng rủi ro mang bệnh cho trẻ mới sinh cho đến trẻ 4 tuổi. Ở trong nhóm tuổi này, trẻ sống trong các chung cư cách đường giao thông trong vòng 100m có nguy  cơ mang bệnh bạch cầu tăng gần gấp đôi so với số trẻ sống cách xa đường 500 m trở đi”, Ben Spycher nói.
Thống kê ở các khoảng cách khác  đối với các bệnh ung thư khác như ung thư não và ung thư hach bạch huyết (lymphoma) thì các nhà nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về một nguy cơ gia tăng. Thực tế là chỉ tìm thấy bệnh bạch cầu có nguy cơ cao. Các tác giả cho rằng benzen trong khí thải của phương tiện giao thông có thể là một nguyên nhân. Do đó cũng có thể thấy rằng việc ô nhiễm cao benzen tại nơi làm việc có thể gây ra bệnh bạch cầu ở người lớn.
Các nhà nghiên cứu cũng kiểm tra về kết quả nghiên cứu này có thể được giải thích bởi các yếu tố khác như là sự khác biệt về kinh tế – xã hội, bức xạ ion hóa từ không gian, các loại khoáng chất hoặc ảnh hưởng từ đường dây cao áp. Nhưng các yếu tố nêu trên không nằm trong trường hợp này: “Tóm lại, kết quả thực tế cho thấy ô nhiễm không khí do khí thải của các phương tiện giao thông có thể làm tăng nguy cơ bệnh bạch cầu ở trẻ em, đặc biệt là đối với trẻ còn rất nhỏ”, Claudia Kuehni nói .
Xuất bản : Viện Xã hội và Y tế dự phòng ( ISPM )
Ben D Spycher , Martin Feller , Martin Röösli , Roland A Ammann , Manuel Diezi , Matthias Egger , Claudia E Kuehni . Childhood cancer and residential exposure to highways: Một nghiên cứu cua Viện Thống kê Quốc gia Thuỵ Sĩ .
Tác giả: Epoch Times Germany | Dịch giả: Minh Việt

Nguy cơ ung thư cao từ khí thải xe cộ

Ce substanţe conţin gazele de eşapament (Facebook)
Các chất độc hại có trong khí thải xe hơi (Ảnh: Facebook)
Ở các nước phát triển, ô nhiễm môi trường đã đạt đến mức đáng sợ. Thực tế các chất độc hại di chuyển qua không khí từ nước này sang nước khác và thậm chí từ lục địa này sang lục địa khác, gây ra tình trạng ô nhiễm không thể đảo ngược của nước, không khí và đất, do đó không còn mang tính cục bộ địa phương nữa.
Các chiến lược bảo vệ môi trường cần phải được chấp nhận trên toàn thế giới, và mọi người nên bắt đầu nghĩ cách để làm giảm đáng kể tiêu thụ điện năng mà không phải hy sinh tiện nghi. Nói cách khác, với  công nghệ hiện nay, sự phá hủy môi trường toàn cầu có thể được khống chế.
Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) của Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã phân loại lại các chất khí thải của động cơ diesel, xếp chúng từ loại “có thể gây ung thư” sang danh mục các chất có liên quan rõ ràng tới sự xuất hiện của bệnh ung thư.
Tùy thuộc vào loại động cơ lắp đặt cho một chiếc xe hơi, dùng xăng hoặc dầu diesel, chúng đều thải khí có chứa hóa chất ở tỷ lệ khác nhau.
Khí thải chứa các chất gây ô nhiễm

– Hydrocarbons (HC)
– Carbon monoxide (CO)
– Oxit nitơ (NOx)
– Các phần tử hạt (PM)
Cần biết rằng các chất có hại trong khí quyển được chia thành hai nhóm, tùy thuộc vào nguồn gốc của chúng. Chúng ta có các chất chính, ở thể rắn hay khí, chúng được tìm thấy trực tiếp trong khí thải của xe (HC, CO, NOx và PM) và các chất thứ cấp thể hiện dưới dạng khói quang hóa và khói ướt. Từ khói (smog) trong tiếng Anh là kết hợp của hai từ là khói (smoke) và từ sương (fog).

Ảnh hưởng của Hydrocarbon trong khí thải đối với cơ thể

Độc tính của các chất gây ô nhiễm trong khí thải của xe ô tô tùy thuộc vào thành phần hóa học. Các hydrocarbon chính trong khí thải của ô tô là benzene, toluene và xylene.
Benzen (C6H6) là một hợp chất hữu cơ không màu, dễ cháy và dễ bay hơi. Chúng ảnh hưởng tới sự trao đổi oxy trong máu, ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Hít phải liều thấp, tức thời gây chóng mặt và nhức đầu. Hít phải liều mạnh có thể gây tử vong. Cơ thể tiếp xúc với benzene một thời gian dài có thể gây ung thư (ung thư máu).
Toluene (C7H8) là một hydrocarbon thơm, dễ cháy và không màu. Hít phải chúng sẽ gây tác hại, đặc biệt là hệ thần kinh. So với benzen, độc tính của chúng thấp hơn, không phải chất gây ung thư, nhưng có tác dụng gây ảo giác.
Hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs) là những chất đặc biệt nguy hiểm vì có chứa chất mutagen và có thể gây ung thư nếu tiếp xúc lâu dài. PAH là một nhóm gồm hơn 100 hóa chất được tạo ra do quá trình cháy không hoàn toàn của hỗn hợp nhiên liệu-không khí. Khi tiếp xúc với một lượng đáng kể các hóa chất này sẽ gây kích ứng mắt, buồn nôn và chóng mặt. Tiếp xúc lâu dài, ngoài tác hại gây ung thư, có thể làm hỏng da, gan, thận và đục thủy tinh thể.

Ảnh hưởng của carbon monoxide trong khí thải đối với cơ thể

Carbon monoxide là một hóa chất ở dạng khí, không màu, không mùi, được hình thành do đốt không hoàn toàn của nguyên liệu giàu cácbon (nhiên liệu). Là hơi ngạt, nó gây hại trên cơ thể qua việc kết hợp của nó với huyết tố cầu.
Huyết sắc tố là một chất trong thành phần của máu, màu đỏ. Vai trò của nó là xác định oxy (bằng cách hình thành oxyhemoglobin) và carbon dioxide (bằng cách hình thành carbohemoglobin) để vận chuyển oxy (O2) đến các mô và carbon dioxide (CO2) từ các mô tới cơ quan hô hấp. Sự xâm nhập của carbon monoxide trong phổi dẫn đến việc kết hợp nó với huyết sắc tố, hình thành các carboxyhemoglobin, điều đó ngăn chặn sự vận chuyển oxy giữa các mô và cơ quan hô hấp.
Các triệu chứng của ngộ độc carbon monoxide là nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt, rối loạn thị giác, nôn mửa, ngất xỉu, hôn mê và thậm chí tử vong.

Ảnh hưởng của các oxit nitơ trong khí thải đối với cơ thể

Các oxit nitơ (NO) chủ yếu là nitơ monoxide và nitơ dioxide.
Nitơ Monoxide (NO) là chất khí không màu, độc hại, gây kích thích niêm mạc đường hô hấp. Tiếp xúc lâu dài sẽ gây ung thư. Tác hại của chúng là do sự hình thành của methemoglobin (sản phẩm tương tự như carbohemoglobin) bằng cách kết hợp với huyết sắc tố, dẫn tới ngăn chặn sự trao đổi oxy giữa các mô và cơ quan hô hấp.
Nitơ dioxide (NO2) là một chất khí màu nâu đỏ, độc hại, mùi hăng. Nó gây hại đối với đường hô hấp, gây kích ứng. Kết hợp với nước tạo thành axit nitric (mưa axit) có tác động tàn phá đối với môi trường.

Tác hại của các hạt trong khí thải đối với cơ thể

Được hình thành từ các phân tử carbon kết hợp với các hợp chất hóa học khác (hydrocacbon, lưu huỳnh, nitơ, kim loại) tùy thuộc vào kích thước rồi hình thành khói đen hoặc tro. Tác hại của chúng trên cơ thể người là gây dị ứng, kích ứng mắt và viêm đường hô hấp.
Hít phải các hạt lâu dài sẽ gây ung thư. Tiêu chuẩn ô nhiễm đang có hiệu lực (Euro 5) chỉ giới hạn về tổng khối lượng của các hạt sinh ra từ khí thải của xe. Tiêu chuẩn ô nhiễm trong tương lai (Euro 6) ngoài giới hạn tổng khối lượng của các hạt, còn hạn chế các hạt có kích thước nhỏ (0,1 mm) vì chúng có tác hại rõ rệt hơn.

Tác hại của khói trong khí thải đối với cơ thể

Khói quang hóa: là một loại khói sương đặc thù của các thành phố có mật độ xe lớn và điều kiện hình thành thuận lợi. Các điều kiện cơ bản để hình thành sương khói quang hóa là độ ẩm thấp, nhiệt độ lớn hơn 20°C và ánh sáng mặt trời. Để hình thành sương khói quang hóa cần 13 phản ứng hóa học bắt đầu từ nitơ monoxide và  nitơ dioxide, tiếp đó là khí ozone (O3) và hydrocarbon. Tác hại của chúng là gây kích ứng đường hô hấp và rát mắt.
Khói ướt: trái ngược với sương khói quang hóa, khói ướt được hình thành trong khí quyển có độ ẩm cao, nhiệt độ tương đối thấp (4°C). Được hình thành do phản ứng hóa học giữa các hạt, oxit cacbon và oxit lưu huỳnh. Khói ướt gây nghẹt thở.
Các phương tiện giao thông đường bộ tiếp tục là một nguồn ô nhiễm, làm giảm chất lượng không khí, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe con người, biểu hiện là làm trầm trọng thêm bệnh tim mạch, hen suyễn, viêm phế quản mãn tính và suy giảm  hoạt động bình thường của phổi.
Ngày nay, mọi người đang chuyển sự chú ý ngày càng nhiều sang vấn đề môi trường và cuộc sống, vì trái đất rất giàu tài nguyên thiên nhiên để có thể duy trì sự tồn tại của cuộc sống. Trên toàn thế giới, mọi người đang hành động,  đang yêu cầu ngừng sử dụng các chất phá hủy môi trường. Hành động để giảm thiểu ô nhiễm là rất quan trọng nếu chúng ta muốn tiếp tục cuộc sống trên Trái đất. Bảo vệ môi trường là một tập hợp các biện pháp được thực hiện để ngăn chặn và loại bỏ ô nhiễm, làm giảm ảnh hưởng của nó đối với môi trường bằng cách sử dụng công nghệ không gây ô nhiễm phù hợp nhất, để hạn chế tác hại tàn phá của các hiện tượng tự nhiên.
Các chiến dịch trên toàn thế giới đang cố gắng thuyết phục các chính phủ từ bỏ việc phá rừng. Rừng cải thiện khí hậu, ngăn chặn lũ lụt, sạt lở đất và xói mòn đất. Nhờ quang hợp, rừng cung cấp oxi cho bầu không khí, giúp duy trì cuộc sống.
Khả năng tự nhiên tự làm sạch của môi trường góp phần rất lớn vào việc giảm tác hại của ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm không khí.
Tác giả: A.D | Dịch giả: Kim Xuân

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.