.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

Mặt trái của cà phê

Trong trang trại cà phê “hiện đại” không phải cái gì cũng tốt (mckaysavage, CC BY 2.0)
Trong trang trại cà phê “hiện đại” không phải cái gì cũng tốt (mckaysavage, CC BY 2.0)
Hạt cà phê bình thường mà chúng ta thấy là một trong những mặt hàng thương mại quan trọng và năng động nhất trên thế giới. Chỉ cần nhìn lướt qua các con số thống kê lượng tiêu thụ cà phê của người Mỹ chúng ta có thể hiểu được ngay.
Trong một cuộc thăm dò năm 2015 của Gallup, 64% số người Mỹ uống ít nhất 1 tách cà phê mỗi ngày và con số trung bình là 2,7 cốc mỗi ngày. Mỗi năm, Nước Mỹ nhập khẩu xấp xỉ 2,8 tỷ pound (1,27 triệu tấn) cà phê tươi, và bình quân hàng năm mỗi người Mỹ tiêu thụ chỉ hơn 9 pound (4kg) cà phê một chút.
Nếu như bạn cũng giống tôi thì chắc hẳn bạn cũng coi cà phê như một thứ không thể thiếu vào mỗi buổi sáng, vì vậy mà khi khởi đầu công việc nghiên cứu sinh, tôi quyết định nghiên cứu một chút về cà phê. Tôi đã tìm thấy một câu chuyện thú vị nhưng cũng đáng lo ngại liên quan đến các lĩnh vực như sinh thái học, kinh tế, toàn cầu hóa và tài chính – một câu chuyện mà tất cả những người đã và đang uống cà phê nên biết.

Loại bỏ hình thức trồng cà phê dưới bóng râm

Khởi xướng từ những năm 1970, rất nhiều nông dân trồng cà phê ở Mỹ Latinh bắt đầu chuyển đổi trang trại của mình sang cái gọi là hệ thống sản xuất “công nghệ hóa”. Để phòng ngừa những dịch bệnh bùng phát ở Brazil vào đầu những năm 70, các chủ trang trại lớn bắt đầu tìm kiếm những giống cà phê mới và khỏe mạnh hơn.
Được chính quyền địa phương và quốc gia khuyến khích – cùng với các cơ quan hỗ trợ phát triển như USAID – rất nhiều nông dân bắt đầu chặt bỏ các cây đóng vai trò làm mái hiên che chắn cho các cây cà phê phía dưới, thay vào đó họ bắt đầu trồng các giống cà phê đặc biệt phát triển nhanh dưới ánh mặt trời. Giống cà phê được chọn lọc này là những giống khỏe hơn và có tính đề kháng cao hơn đối với bệnh dịch và sâu bọ – đồng thời cũng ít chịu ảnh hưởng bởi việc sử dụng hóa chất diệt nấm.
Khi nhu cầu về cà phê ngày càng tăng cao, những người trồng cà phê đã chuyển sang hoạt động trên quy mô lớn và sử dụng hạt cà phê có thể phát triển dưới trời nắng gắt, điều này đồng nghĩa với việc đa dạng sinh học bị giảm thiểu rõ rệt và đất trồng cũng trở nên hư hại hơn.(ken_mayer, CC BY 2.0)
Khi nhu cầu về cà phê ngày càng tăng cao, những người trồng cà phê đã chuyển sang hoạt động trên quy mô lớn và sử dụng hạt cà phê có thể phát triển dưới trời nắng gắt, điều này đồng nghĩa với việc đa dạng sinh học bị giảm thiểu rõ rệt và đất trồng cũng trở nên hư hại hơn. (ken_mayer, CC BY 2.0)
Đến cuối những năm 1990, phương pháp trồng trọt dưới nắng hay ít bóng râm là lý do 70% diện tích đất ở Colombia được dành cho cà phê và ở Costa Rica là 40%.
Những khu đất được công nghệ hóa này có thể làm tăng sản lượng gấp 5 lần so với hệ thống trồng trong bóng râm, nhưng đồng thời cũng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về môi trường. Các nông trại trồng cà phê dưới bóng râm đã chứng minh là có mức đa dạng sinh học thuộc vào loại cao nhất trong tất cả các hệ sinh thái nông nghiệp (mà những sản phẩm của chúng được sử dụng cho con người), đặc biệt là cho các loại côn trùng và các loại chim di cư.
Hơn nữa, một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, để chế biến từ hạt thành nước cà phê, mỗi tách cần dùng khoảng 140 lít “nước thực sự”, gồm cả nước dùng cho tưới tiêu, nuôi dưỡng và vận chuyển, bên cạnh lượng nước được dùng để pha cà phê. Lượng nước tiêu tốn cho mô hình trồng cà phê dưới nắng gắt cao hơn rất nhiều so với mô hình truyền thống trồng dưới bóng râm.
Vì được nuôi dưỡng tách biệt với môi trường sinh thái cân bằng hơn của lùm bóng mát, cà phê công nghệ hóa đòi hỏi mức độ sử dụng hóa chất trừ sâu nhiều hơn để phòng chống sâu bệnh. Vì mô hình công nghệ hóa sản xuất được nhiều cà phê hơn và không có lợi thế tái sử dụng thực vật, nên người nông dân phải bón phân nhiều hơn để bù đắp cho lượng chất dinh dưỡng bị mất đi trong đất từ năm này sang năm khác. Việc sử dụng những chất hóa học này có thể gây nên ảnh hưởng có hại lâu dài đến đa dạng sinh học và sức khỏe của đất ở khu vực đó.

Sự trao đổi không bình đẳng

Cốt lõi ở đây là, công nghệ hóa áp dụng mô hình công–nông nghiệp vào sản xuất cà phê, và bằng nhiều cách nó đã đẩy mạnh mối quan hệ bóc lột giữa người tiêu dùng cà phê ở Bắc bán cầu và người trồng cà phê ở Nam bán cầu – hai khu vực mà người ta vẫn hay gọi là những đất nước của “thế giới thứ nhất” (Bắc bán cầu) và “thế giới thứ ba” (Nam bán cầu).
Các nhà khoa học xã hội đã nghiên cứu sự năng động không cân xứng giữa Bắc và Nam trong suốt một thế kỷ qua, nhưng mới đây chủ đề đó đã được kết lại với một khuynh hướng “xanh” rõ ràng.
Các nhà kinh tế học và xã hội học môi trường đã phát triển một khái niệm gọi là “trao đổi không bình đẳng” về mặt sinh thái, nó có nghĩa là các nước phát triển “ngoại hóa” một phần quan trọng trong “dấu ấn sinh thái” của họ đối với các nước đang phát triển. Nói đơn giản hơn, các nước công nghiệp sử dụng năng lực sinh thái tối đa của các nước ngoại vi để bù đắp cho những tác động đến môi trường do sự tiêu dùng của họ.
Người tiêu dùng sẽ sẵn lòng chi trả cho những loại cà phê trồng dưới bóng râm đắt tiền hơn hay cà phê trao đổi ngang bằng trong bao lâu nữa? (Matthew Hamm/CC BY 2.0)
Trong bao lâu nữa người tiêu dùng sẽ sẵn lòng chi trả cho những loại cà phê đắt tiền hơn trồng dưới bóng râm (trao đổi ngang bằng)? (Matthew Hamm/CC BY 2.0)
Rất nhiều các nghiên cứu thống kê đã xác nhận điều này. Nhà xã hội học James Ricefound cho biết, trong số các quốc gia có thu nhập thấp hay trung bình thấp thì các nước đạt tỷ lệ cao hơn về xuất khẩu thương mại sang các nước Bắc bán cầu có mạng lưới tiêu thụ các yếu tố khác của tài nguyên trong nước thấp hơn.
Tương tự, đồng nghiệp của ông là Andrew Jorgenson đã công nhận điều này trong nghiên cứu của mình, không những vậy ông còn đưa ra thêm phát hiện thú vị: mối quan hệ làm ăn giữa bên nhập khẩu phía Bắc và bên xuất khẩu phía Nam (bán cầu) ngày càng trở nên bất bình đẳng trong khoảng từ năm 1975 đến năm 2000. Hơn một phần ba các nước mà Jorgenson đưa ra trong ví dụ của mình là các nước xuất khẩu cà phê lớn, bao gồm những “ông lớn” như  Colombia và  Brazil và những “tay chơi” khác quan trọng không kém như  Costa Rica, Kenya, Việt Nam và Mexico, đây là những nước có mức GDP đáng kể từ doanh thu xuất khẩu cà phê.
Một nghiên cứu khác gần đây của nhà xã hội học Kelly Austin nêu ra rằng, kể cả sau khi kiểm soát toàn bộ các yếu tố phụ thuộc vào xuất khẩu nông nghiệp, một đất nước phụ thuộc vào việc xuất khẩu cà phê và coi đó là một phần quan trọng trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) “sẽ tạo ra các mô hình khác thường và đặc biệt có hại như chặt phá rừng, đói kém và giáo dục ở các nước nghèo, không như các hình thức sản xuất nông nghiệp khác.”
Đặt cà phê vào trung tâm của mối quan hệ thương mại vô cùng bất bình đẳng giữa Bắc và Nam bán cầu, những nghiên cứu này chỉ ra rằng việc sản xuất mặt hàng cà phê chứa đầy rẫy những hình thức bóc lột sinh thái xã hội.

Giải pháp tốt hơn?

Có rất nhiều động thái đã được triển khai nhằm giải quyết những sự không công bằng này, bằng việc nâng cao nhận thức và đưa ra những biện pháp thay thế công bình hơn.
Việc cấp Chứng nhận thương mại công bằng mang lại sự ổn định về kinh tế cho những người nông dân, bằng cách đưa ra một mức giá sàn cho cà phê, yêu cầu các tổ chức công đoàn hay các hợp tác xã và khuyến khích họ sử dụng các hình thức canh tác khác bền vững hơn. Một tiến triển mới hơn, kinh doanh trực tiếp, yêu cầu người mua trực tiếp đưa đại diện đến các nông trại cà phê để theo dõi việc sản xuất và thiết lập mối quan hệ làm ăn lâu dài.
Cả hai cách này đều có xu hướng tạo lợi nhuận cho người sản xuất và cung cấp cho họ các ưu đãi nhằm giúp giảm tác động tiêu cực của cà phê. Tuy nhiên cả hai phương án đều phụ thuộc vào nhu cầu của người tiêu thụ và xoay quanh thiện chí (cũng như khả năng) trả giá cà phê cao hơn của các tầng lớp giàu có phương Tây. Nhu cầu này cũng có thể hạ xuống nhanh chóng, khiến cho người nông dân bị bỏ lại với hàng tấn cà phê chất lượng cao, đắt tiền mà chẳng ai muốn mua.
Sự thay đổi lâu dài cần phải xuất phát từ sự đồng thuận của quốc tế và sự thay đổi về kinh tế lẫn chính trị ở địa phương chính nơi vùng đất trồng cà phê. Nhưng ngay bây giờ, những hệ thống thương mại thay thế này là một bước tiến đúng đắn nhằm giải quyết sự bóc lột sinh thái xã hội đang gây ra rắc rối cho nền công nghiệp hiện nay.
Alexander J Myers là Trợ lý Nghiên cứu tham gia chương trình học Tiến sĩ tại Đại học Kansas.
Tác giả: Alexander J Myers, University of Kansas 

Những giấc mơ tiên tri dự báo bệnh ung thư


Some dreams have a very important message. (mangojuicy/iStock)
Một số giấc mơ có những thông điệp rất quan trọng. (mangojuicy/iStock)
Kathleen O’Keefe, người suýt chết ba lần vì căn bệnh ung thư, chuyên gia về giấc mơ đã từng xuất bản sách, là người biết rõ nhất rằng các giấc mơ có thể làm thay đổi cuộc sống của bạn. Cuốn sách năm 2014 của cô, Surviving Cancerland (Sống sót ở xứ sở ung thư), kể lại một câu chuyện thật tuyệt vời về những giấc mơ đã dò tìm ra căn bệnh ung thư vú của cô như thế nào, khi các bác sĩ nhiều lần khẳng định là cô hoàn toàn khỏe mạnh.
Điều đó nghe có vẻ như không thể tin được nhưng câu chuyện của O’Keefe-Kanavos không phải là độc nhất vô nhị. Các nghiên cứu cho thấy có nhiều người từng trải qua các giấc mơ (có thể được kiểm chứng) dự đoán bệnh tật hơn bạn nghĩ.
O’Keefe-Kanavos đã tham gia dự án nghiên cứu những Giấc mơ Cảnh báo Ung thư vú năm 2013-2014, và một nghiên cứu phụ thêm đã được công bố trên tạp chí (có thông qua xét duyệt) Explore: The Journal of Science and Healing (Tạp chí Khoa học và chữa bệnh) ấn bản tháng Năm/Sáu, năm 2015. Nghiên cứu này được tiến hành bởi Tiến sĩ Larry Burk, là người đồng sáng lập ra Trung tâm Duke Integrative Medicine (Y khoa Bổ sung), đã kiểm tra những câu chuyện của 18 người phụ nữ từ khắp nơi trên thế giới, họ đã có những giấc mơ sống động cảnh báo cho họ về những khối u ung thư vú mà các bác sĩ không thể nhìn thấy.
Với mong muốn được khám phá hiện tượng này cụ thể hơn, O’Keefe-kavanos hiện đang cộng tác với Tiến sĩ Burk để viết một cuốn sách. Công trình nghiên cứu mới này sẽ mang đến một bộ sưu tập các câu chuyện từ những người có những giấc mơ biết trước qua đó phát hiện được đủ các loại ung thư.
Epoch Times đã trò chuyện cùng O’Keefe-kavanos về những giấc mơ lạ thường của cô và từ đó cho thấy việc chú ý tới những gì mà các giấc mơ của chúng ta đang cố gắng mách bảo là quan trọng đến mức nào. Cô cho biết có “một thế giới tồn tại giữa khi tỉnh giấc và khi đang ngủ, ở đó chúng ta có thể đến và nhận được thông tin cứu mạng”.
Epoch Times: Xin chị cho biết những giấc mơ đã nhận dạng căn bệnh ung thư của chị như thế nào?
Kathleen O’Keefe-Kanavos: Tôi tham gia kiểm tra sức khỏe tổng thể hàng năm. Tôi chụp nhũ ảnh, làm các xét nghiệm máu, rồi kiểm tra tổng quát. Các bác sĩ đã bảo tôi là tôi khỏe mạnh và cứ về nhà. Đêm đó tôi đã có một giấc mơ mà bây giờ tôi gọi là một cơn ác mộng hồi quy. Sự việc đó đã xảy ra từ rất lâu trước khi tôi bắt đầu chú ý đến những giấc mơ, rất lâu trước khi tôi bắt đầu đặt tên cho các kiểu mộng mị khác nhau, nắm được ý nghĩa của chúng và làm thế nào để biết về chúng.
Trong giấc mơ bất thình lình tầm nhìn của tôi bị đóng băng lại. Thời gian như đứng im trong thế giới giấc mơ, và một hình ảnh nổi chợt xuất hiện. Nó cũng giống như một cửa sổ pop-up xuất hiện trên máy vi tính – và để thoát được nó cũng khó khăn không kém – hình ảnh nổi đó hoá ra là một cánh cửa. Và từ sau cánh cửa có một tu sĩ dòng Phanxicô đi đến.
Vị tu sĩ này tiến về phía tôi, ông khoác một chiếc áo choàng trùm đầu màu nâu với một dây đai và dép sandal da. Ông nói, “Hãy lại đây. Chúng ta có điều này muốn bảo cho cô đây”.
Ông dẫn tôi qua một ô cửa, đi vào trong một nơi mà tôi gọi là buồng giữa các cảnh giới – và điều này xảy ra trong nhiều giấc mơ của những người phụ nữ mà tôi đang phỏng vấn. Trong phòng cũng có những vị thầy tu khác.
Thầy tu sĩ dòng Phanxicô đã cầm bàn tay của tôi, và cảm giác về sự tiếp xúc đó thật hiển nhiên, rồi ông đã đặt nó trên ngực tôi và nói với tôi, “Cô có cảm thấy điều đó không?” Và tôi nói,  “Có thấy”. Và vị thầy tu đã nói “Đó là ung thư vú. Hãy quay trở lại với bác sĩ của cô và yêu cầu họ làm kiểm tra khác đi”.
Vậy là sáng hôm sau khi thức dậy tôi có thể nhớ được tất cả về giấc mơ đó, như thể tôi vừa mới gặp nó. Tôi lên xe và lái xe trở lại Viện Ung thư Santa Barbara, và tôi nói với bác sĩ “Tôi nghĩ rằng có cái gì đó bị sai. Tôi nghĩ rằng có điều gì đó không ổn với kết quả nhũ ảnh (X-quang tuyến vú) và xét nghiệm máu của tôi. Tôi chỉ có linh tính như thế – đó là khả năng trực giác của phụ nữ – Tôi chỉ biết là có một cái gì đó bị sai”.
Và vị bác sĩ đó đã nói, “Kathy, ung thư vú không có xuất hiện trong gia đình của chị. Chị đang khỏe như vâm. Tôi sẽ cho chị chụp nhũ ảnh và thử máu lại, nhưng tôi không cảm thấy bất cứ điều gì”. Và tôi nói, “Tôi có thể cảm thấy một cái gì đó ở đây!” Còn vị bác sĩ lại nói không có gì ở đó cả. “Tôi không cảm thấy một cái gì cả. Tôi được đào tạo. Tôi là một bác sĩ, tôi phải biết chứ”.
Vì vậy, ông ta đã cho tôi chụp nhũ ảnh, xét nghiệm máu và kiểm tra tổng thể một lần nữa, sau đó đưa lại toàn bộ kết quả cho tôi trong đó kết luận rằng tôi khỏe mạnh.
Đêm đó tôi lại gặp ác mộng nữa. Vị tu sĩ trở lại vào giấc mơ với nhiều tu sĩ khác nữa và nói, “Cô quay lại với bác sĩ của cô đi” .
Điều này xảy ra bốn lần, trong đó đều là một vị tu sĩ đã bước vào giấc mơ của tôi và cho tôi biết, “Cô bị ung thư vú. Cô có thể cảm thấy điều này không? Cô hãy quay lại với bác sĩ của cô đi!”
Lần thứ tư tôi bắt đầu khóc khi tôi thấy vị tu sĩ đó. Tôi bắt đầu khóc trong giấc mơ của tôi. Và tôi nói, “tôi biết lý do tại sao ông đang ở đây. Bác sĩ của tôi sẽ không lắng nghe. Tôi không biết phải làm gì khác. Nếu tôi thực sự bị ung thư vú, xin ông hãy giúp tôi bởi vì bác sĩ của tôi không chịu lắng nghe tôi. Nếu không, nếu tôi bị ung thư, tôi sẽ chết. Nếu ông không muốn tôi chết, xin hãy giúp tôi”.
Và vị tu sĩ này với tay vào túi của ông ta và lôi ra một chiếc lông vũ màu trắng rách nát. Ông đưa nó cho tôi và nói, “Đây là lông thiên thần. Nếu cô quay trở lại với bác sĩ của cô vào ngày mai mà không hẹn trước, và cô giao chiến với ông ta bằng bộ lông này, như thể bộ lông này là một thanh kiếm, cô sẽ chém phăng mọi sự bất đồng của ông ta trong việc tại sao cô không cần bất kỳ một xét nghiệm nào khác nữa, và cô sẽ có được những xét nghiệm mà cô cần”.
Thế là tôi lôi chồng mình theo và lái xe đến Viện Ung thư Santa Barbara gặp bác sĩ. Tôi đã có mặt tại trước cửa phòng ông mà không hẹn trước.
Vị bác sĩ nhìn tôi một cái và nói, “Kathy, tại sao chị quay lại đây?” Và tôi đã theo chân ông ta trở lại vào văn phòng của ông, và tôi nói, “Tôi biết có cái gì đó là sai. Và tôi cần phải được làm phẫu thuật thăm dò”. Ông ta nhìn tôi giống như tôi đã tự đặt mình trên đống lửa ở giữa phòng của ông ta.
Ông ta nói, “Tôi không thể làm như vậy. Điều đó đi ngược lại chính sách của bệnh viện và của chính tôi. Chị phải nghĩ về những sự phức tạp đến từ các biến chứng do gây mê, nhiễm trùng, đủ các loại rắc rối. Tôi không thể làm việc đó”.
Tôi đã nhớ ra chiếc lông vũ trong giấc mơ của mình, và tôi tưởng tượng đang nắm giữ nó và chĩa nó vào người bác sĩ. Tôi nói, “Tôi biết có cái gì đó là sai. Tôi cần được ông giúp. Tôi không thể đi gặp ai khác. Nếu ông không chịu nghe tôi, tôi biết điều đó sẽ dẫn đến những hậu quả thảm khốc”.
Vị bác sĩ nhìn tôi như thể là một con ma cà rồng đã bước vào căn phòng và mê hoặc ông ta, nó giống như bạn thấy trên ti vi vậy. Ông ta nói, “Được rồi, đợi một lát”. Ông ta đi ra ngoài, thực hiện một cuộc hẹn với tôi vào tuần sau.
Tôi đã được phẫu thuật và người ta đã phát hiện tôi bị ung thư vú tăng triển ở giai đoạn hai trong cơ thể của tôi. Bản báo cáo bệnh lý đã khẳng định giấc mơ của tôi, vì vậy đã không có tranh cãi. Tôi đã có tất cả mọi giấy tờ khác mà trong đó nói rằng bạn khỏe mạnh, bạn khỏe mạnh, bạn khỏe mạnh – những tờ giấy màu vàng được gửi thư về tận nhà.
Lần gần đây nhất mà tôi có được báo cáo kết quả chụp X quang hoàn toàn khoẻ mạnh là vào ngày sinh nhật tôi, khi đó tóc của tôi đã vương vãi trên các bức tường phòng tắm bởi vì tôi chỉ mới bắt đầu điều trị hóa trị. Họ đã làm hóa trị cho tôi nhanh nhất có thể vì trường hợp ung thư này rất ác liệt. Tôi đã mất ba tháng rưỡi để có được báo cáo bệnh lý đó mới được phép phẫu thuật.
Epoch times: Bác sĩ có hiểu lý do tại sao các xét nghiệm trước đó đã không phát hiện ra bệnh ung thư của chị không? Tại sao lại phải phẫu thuật thăm dò để cuối cùng mới nhận ra nó?
Kathleen O’Keefe-Kanavos: Khi nhận được báo cáo bệnh lý này, tôi đã phải đến đủ các loại trưởng khoa – trưởng khoa ung thư, trưởng khoa về X quang, trưởng khoa phẫu thuật ung thư – để kiểm chứng nó, có như vậy tôi mới có thể được làm một cuộc phẫu thuật thứ hai.
Khi tôi mang theo tất cả nhũ ảnh của mình đến chỗ bác sĩ phẫu thuật ung thư, tôi đã nói: “Tại sao giai đoạn này lại hiển thị hai khối u?” Bác sĩ cho biết, “Ồ, những ảnh chụp X quang tuyến vú chỉ phát huy tác dụng nếu người chụp chúng và người đọc chúng phát huy được khả năng của mình. Và phân khoa này của Viện Ung thư Santa Barbara là tốt nhất”.
Vâng, gần như chính xác là năm năm sau – với năm vị trưởng khoa và tất cả mọi người đang theo dõi tôi, sau khi chạy hóa trị, xạ trị, phẫu thuật – nhũ ảnh chụp X quang của tôi đã được đọc tại Viện Ung thư Santa Barbara. Đêm đó, tôi đã có một cơn ác mộng khủng khiếp và những chỉ dẫn tâm linh lại đến với tôi thông qua chiếc cửa sổ pop-up. Họ đang nói, “Hãy đến với chúng tôi, chúng tôi có chuyện muốn nói với cô”. Và khi tôi đi qua cánh cửa giữa hai thế giới, tôi thấy họ mặc áo khoác trắng của các bác sĩ phủ lên trang phục của họ.
Tôi nghĩ điều đó thật kỳ cục, và tự hỏi họ đang làm gì. Có một tu sĩ đang cầm những kết quả chụp nhũ ảnh của tôi và ông ta ra hiệu cho tôi đến gần hơn. Khi tôi làm theo, phù! Tất cả các tu sĩ trong phòng biến thành những chú hề xiếc đáng sợ với mái tóc xoăn màu đỏ, mũi phồng to, và những đôi giày lớn màu đỏ, họ đang đu đưa qua lại và cười.
Và tôi tự nói với mình, “Dậy đi, dậy đi, đây là một cơn ác mộng”. Nhưng tôi đã có cơn ác mộng đó.
Tôi đã đi đến bác sĩ của mình và nói, “Tôi cần được chụp cộng hưởng từ (MRI)”. Và họ nói, “Kathy, chị không đủ tiêu chuẩn chụp MRI, tất cả nhũ ảnh đều cho thấy chị khỏe mạnh. Bệnh viện không có chính sách chụp MRI khi kết quả nhũ ảnh và xét nghiệm máu của chị là khỏe mạnh”. Và tôi nghĩ, “Điều này giống như một sự lặp lại chết tiệt. Chuyện này thật là khó tin”.
Vì vậy, tôi nói, “Tại sao ông sử dụng nhũ ảnh để kiểm tra sự tái phát trong khi chúng không mang lại hiệu quả ở lần đầu tiên?” Và một lần nữa tôi nhận được những câu trả lời vòng vo y hệt. Tôi đúng là đã nổi cơn tam bành tại phòng chờ của vị bác sĩ.
Tôi nói, “Nếu ông không cho tôi chụp MRI, tôi sẽ nằm xuống trên sàn nhà trong phòng chờ của ông để cho tất cả mọi người này nhìn thấy. Tôi sẽ giãy chân như một đứa trẻ hai tuổi. Tôi sẽ thét và gào lên cho đến khi nào ông phải gọi bảo vệ để kéo lê tôi ra ngoài, và tôi sẽ dùng điện thoại di động để tung ra hai tin khi tôi ra khỏi cửa”.
Tôi đã được chụp MRI – Việc này đã tốn mất của tôi ba tháng rưỡi để có được kết quả. Tôi đã ở vào giai đoạn thứ tư. Và các bác sĩ nói, “Ồ, chúng tôi vừa mới có cuộc họp lớn này với tất cả các trưởng khoa”, bởi vì trước mặt họ là một “vụ kiện” xuất hiện trên khắp các mặt báo. Và trưởng khoa ung thư nói, “Xem ra nhũ ảnh không hợp với chị”. Và tôi nói, “Tại sao ông bao giờ cũng sử dụng nhũ ảnh để kiểm tra sự tái phát nếu chúng đã không có tác dụng ở lần đầu tiên”.
Và ông ta nói, “Ồ chị biết đấy, chụp nhũ ảnh không phát huy hiệu quả với 30 phần trăm phụ nữ”. Và tôi nói, “Vậy 30 phần trăm chúng tôi sẽ ra sao đây? Chúng tôi không được tính đến sao? Ông không thể linh động chính sách bệnh viện để chiếu cố đến chúng tôi sao?”
Các bác sĩ ở Santa Barbara đã không làm giải phẫu cắt bỏ một lúc cả hai bên vú. Họ vẫn nói rằng: “Không có ung thư vú ở bên kia. Nó hoàn toàn khỏe mạnh. Hãy nhìn xem, chúng tôi đã làm MRI, nó khỏe mạnh”. Nhưng tôi đã học được từ những giấc mơ, những chỉ dẫn tâm linh đã đến với tôi và cho tôi biết nó không hiển thị trên MRI. Vì vậy, tôi đã phải đi đến New York để gặp một ê-kíp các bác sĩ mới để giải phẫu cắt bỏ cả hai vú, và khi họ thực hiện báo cáo bệnh lý về bên vú thứ hai, nó có biểu hiện ung thư dạng tiểu thùy (nhiều u nhỏ) mà Elizabeth Edwards đã chết ở giai đoạn 2 của bệnh này, còn tôi lúc đó đang ở giai đoạn 4.
Điều đó lại xảy ra ở bên vú còn lại, và nó hoàn toàn có thể. Nó có xu hướng phát bệnh đối xứng ở hai bên. Rất giống như Alice ở xứ Thần tiên qua tấm gương soi, ung thư vú có thể tự nó phát triển đối xứng như thế. Đó là lý do tại sao tôi đặt tên cuốn sách của mình là Surviving Cancerland (Sống sót ở xứ sở ung thư). Đó là lần thứ ba tôi có một giấc mơ cảnh báo trước về bệnh ung thư vú và điều đó đã được chứng minh là đúng qua các báo cáo bệnh lý. Các bác sĩ ở New York đã gọi điện cho các bác sĩ ở Viện Ung thư Santa Barbara và nói: “Chúng tôi đã có trong tay các ghi chép của cô ấy. Chúng tôi đang đọc nó. Và chúng tôi thực sự bị sốc. Điều gì đang xảy ra ở đó vậy?”
Tôi hy vọng rằng mình có thể thay đổi chính sách bệnh viện, để nếu như bạn là một người phụ nữ chụp X-quang tuyến vú lần đầu tiên nhưng không phát hiện bị ung thư, thì bạn không phải mất công chụp nhũ ảnh nữa mà có thể đi thẳng đến chỗ chụp cộng hưởng từ (MRI), hoặc sử dụng phép ghi nhiệt ký. Đó là những gì tôi đang thúc đẩy – một sự lựa chọn thứ ba cho phụ nữ trong bệnh viện.
Epoch Times: Tôi đã đọc thấy rằng phép ghi nhiệt ký không có bức xạ và không đau đớn như chụp nhũ ảnh. Như tôi hiểu thì phép ghi nhiệt độ có thể phát hiện ung thư sớm hơn chụp nhũ ảnh, thậm chí là sớm hơn trước nhiều năm.
Bà O’Keefe-Kanavos: Đúng vậy! Tôi đã hỏi các bác sĩ, “Tại sao chúng ta không có sẵn thiết bị ghi nhiệt độ trong bệnh viện?”. Câu trả lời lòng vòng thường là: chúng tôi đã đầu tư nhiều tiền cho việc chụp nhũ ảnh đến nỗi chúng tôi không có quỹ nào nữa để cho mọi người có một sự lựa chọn khác. Vì vậy, bạn nên sử dụng những gì bạn nhận được, hoặc tìm một nơi nào đó có liệu pháp ghi nhiệt độ.
Cũng giống như với lần đầu tiên tôi bị ung thư, các bác sĩ nói là họ chỉ cung cấp một liệu pháp hóa trị phổ rộng cho ca này. Nhưng tôi đã nghe nói về một bác sĩ ở California, ông ấy đã lấy đi một mảnh của khối u và tiêu diệt nó bằng tất cả các biện pháp hóa trị liệu có sẵn rồi từ đó xác định được loại hoá trị nào là phù hợp với bạn. Nó được gọi là phương pháp chữa trị khối u.
Tôi đã nói, “Hãy xét nghiệm một mảnh khối u của tôi đi”, nhưng các bác sĩ của tôi đã không muốn làm điều đó. Vì vậy, tôi đã gửi nó cho Tiến sĩ Robert Nagourney ở California, và ông ta cho rằng biện pháp hóa trị liệu duy nhất có thể có tác dụng là Adriamycin-Cytoxin.
Ông ta đã gọi bác sĩ của tôi và nói, “Có phải người phụ nữ này đã trải qua điều trị ung thư trước đó không? Bởi vì đây (Adriamycin-Cytoxin) là liệu pháp hóa trị duy nhất cho hiệu quả trong số tám liệu pháp mà chúng tôi đã sử dụng, phải sử dụng đến nó trong trường hợp này”. Và bác sỹ của tôi nói, “Chúng tôi không thực sự tin tưởng vào điều đó ở đây”. Tôi nói, “Tôi không quan tâm. Đó là liệu pháp mà tôi muốn”. Tôi đã làm hóa trị đó và loại ung thư đó không bao giờ trở lại. Khi tôi bị ung thư lần thứ hai, đó là một loại ung thư khác và nó xuất hiện ở cả hai bên vú. Đó là dạng chia thành nhiều thùy con.
Có rất nhiều thứ có thể được sử dụng để giúp phụ nữ trong các bệnh viện, nhưng bởi vì nó không phải là chính sách của bệnh viện nên nó không có sẵn cho họ. Và cách duy nhất để họ biết về nó là khi có người sống sót kể lại cho họ.
Epoch Times: Chị đã mắc một loại ung thư vú không thể phát hiện bằng nhũ ảnh, và dạng ung thư chống lại việc điều trị từ các hóa trị liệu điển hình. Điều đó nghe có vẻ như chị là một ca bệnh rất đặc biệt.
Bà O’Keefe-Kanavos: Không thực sự vậy đâu. Đó là những gì tôi đang cố gắng để nói với mọi người. Họ nói, “Ồ, đừng lo lắng về câu chuyện của cô ta bởi vì nó rất khác thường”, nhưng công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Larry Burk cho thấy không phải như vậy. Và vì tôi là một nhân viên tư vấn trên đường dây nóng tại Quỹ Ung thư Bloch R.A., tôi nói chuyện với phụ nữ mọi thời gian, họ được bảo rằng họ đã được cấp cho một liệu pháp hóa trị phổ rộng. Nó giống như bạn mắc một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên và bác sĩ kê cho bạn một kháng sinh phổ rộng, đôi khi nó có tác dụng, nhưng trên 30 phần trăm người thì nó không có tác dụng. thật ra sẽ không vấn đề gì nếu đây là thuốc kháng sinh, bạn có thể sử dụng và tích lũy kinh nghiệm dần dần, cuối cùng bạn sẽ phát hiện ra chính xác loại kháng sinh nào có tác dụng với mình. Và bạn sẽ có được một loại kháng sinh mới mà bạn biết là sẽ có tác dụng với bệnh viêm họng đó bởi vì bạn đã nuôi dưỡng được loại kháng sinh đó.
Đó là những gì họ cần phải làm với bệnh ung thư vú trước khi điều trị, bởi vì sau khi bạn đã thực hiện một liệu pháp hóa trị, nó tiêu diệt và đốt các tế bào ung thư, cơ thể của bạn không thể trải qua đợt trị liệu khác. Và thế là không phải bệnh ung thư đã giết chết bạn, mà chính việc điều trị đã gây ra điều đó, người ta chết vì sự điều trị đó. Phổi của họ chứa đầy chất lỏng lưu lại và tim của họ bị suy yếu. Hóa trị không giống như việc dùng thuốc kháng sinh.
Bạn cần phải biết trước khi sử dụng hóa trị liệu đó rằng nó sẽ có hay không có tác dụng với bạn, còn các bệnh viện thì họ không cần biết. Họ nói, “Ồ, được rồi, liệu pháp này có tác dụng trên 80 phần trăm bệnh nhân đấy”. Vâng, điều đó chẳng có nghĩa gì. Có thể 80 phần trăm bệnh nhân được điều trị thành công bằng cách đó, nhưng 20 phần trăm sẽ chết và đó không phải là con số có thể chấp nhận được khi bạn có thể tiếp cận phương pháp điều trị khối u mà tiến sĩ Nagourney và rất nhiều nơi khác đang bắt đầu sử dụng. Xét nghiệm này được gọi là giải pháp xét nghiệm nhạy cảm hóa trị và đề kháng (CSRA), và nó phải có sẵn cho bất cứ ai phải dùng đến điều trị hóa chất. Bạn không muốn phải đoán chừng về liệu pháp hóa học.
Epoch Times: Có vẻ như thông điệp từ những giấc mơ của chị sẽ không chỉ là cứu mạng riêng chị vì nhiều phụ nữ có thể được hưởng lợi từ các thông tin này.
Bà O’Keefe-Kanavos: Phải đấy, vì cuốn sách của tôi đã ra mắt. Không ai chịu xuất bản nó cho đến khi tôi đến chỗ nhà xuất bản Cypress House. Họ là những người đã sống sót trước căn bệnh ung thư và họ đã thấy cuốn sách này quan trọng ra sao. Nó đã ba lần là cuốn sách bán chạy nhất trên thế giới. Nó đã giành giải thưởng sách quốc tế về các vấn đề sức khỏe của phụ nữ, và nó chỉ mới ra mắt chưa đầy một năm.
Epoch Times: Nền văn hóa của chúng ta thường ít để tâm đến những giấc mơ. Có phải có những nền văn hóa khác mà họ xem trọng nhiều hơn đến những giấc mơ?
Bà O’Keefe-Kanavos: Chính xác. Hầu hết các nền văn hóa khác xem trọng những giấc mơ nhiều hơn. Tại Nhật Bản họ đối đãi với những giấc mơ rất nghiêm túc.
Nếu bạn trở về thời Ai Cập cổ đại và Hy Lạp cổ đại, thời đó nếu một người nào cảm thấy họ có một căn bệnh mà các bác sĩ không thể tìm ra hoặc điều trị được, thực ra họ sẽ đi đến nơi linh thiêng để cầu nguyện, thắp nến và ngủ trên sàn nhà nơi họ đã tôn thờ trong niềm hy vọng rằng họ sẽ có được lời hướng dẫn tâm linh, hay các thiên thần hộ mệnh sẽ đi vào giấc mơ của họ để cho họ lời chỉ dẫn. Sau đó họ sẽ thuật lại giấc mơ đó cho bác sĩ của họ và làm việc với bác sĩ để đi đến một cách điều trị cho thực thể đang làm họ yếu mệt.
Nhưng điều mà chúng ta đang tìm kiếm trong nền y học hiện đại là các bác sĩ chỉ quan tâm đến những gì họ có thể nhìn thấy, cảm nhận, hoặc đo kiểm được. Những báo cáo trong phòng thí nghiệm phải dựa vào đo lường và chúng là khoa học. Cuốn sách của tôi là một mối đe dọa đến cộng đồng y khoa bởi vì tôi đang nói rằng khoa học là một món quà đến từ một quyền năng cao hơn. Bạn không thờ phụng món quà mà lại tôn thờ sức mạnh. Khoa học chỉ đi xa được như thế, nhưng rồi có quyền năng cao hơn bước vào những giấc mơ khi mà khoa học là không đúng.
Chúng cần phải được phối hợp cùng với nhau. Mục tiêu của tôi là khi một bệnh nhân đi vào văn phòng của bác sĩ và nói: “Bác sĩ à, tôi đang có những cơn ác mộng kinh khủng cứ tái diễn như thế này”. Vị bác sĩ sẽ không nói, “Uống thuốc này đi và anh/chị sẽ không bị như thế nữa đâu”. Mà vị bác sĩ này sẽ nói, “Hãy kể cho tôi nghe về những giấc mơ đó đi”. Bởi vì ông ta sẽ được đào tạo về biểu tượng phổ quát của những giấc mơ, sẽ biết làm thế nào để dẫn dắt bệnh nhân hiểu được giấc mơ đó đang nói lên điều gì, và làm thế nào cả bác sĩ và bệnh nhân và cả giấc mơ đó có thể làm việc cùng nhau như một tam giác phức tạp về sức khỏe.

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.