.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Yêu người là hạnh phúc

                                                               


Huy Lâm

Trước đây khi chưa có internet, mỗi khi lật một tờ báo ra đọc, chúng ta vẫn thường thấy hình ảnh của các tài tử giai nhân xuất hiện trên những trang về điện ảnh hay thế giới nghệ sĩ, tuy không nhiều. Nhưng kể từ khi kỹ thuật internet đi vào trong những sinh hoạt thường ngày của chúng ta thì hình ảnh của các tài tử giai nhân này tràn ngập khắp nơi, ở đủ mọi trang mạng và được cập nhật hằng giờ. Điều này dễ hiểu là vì có nhiều người thích ngắm nhìn những bức hình ấy. Cứ mỗi cái nhấp chuột là người điều hành trang mạng biết ngay đã có bao nhiêu người vào coi những hình ảnh đó. Nhu cầu của khách hàng càng cao thì dịch vụ cung cấp hình ảnh tài tử giai nhân sẽ còn tiếp tục bận rộn. Cũng vì thế mà các tay săn hình paparazzi ngày càng ăn nên làm ra.

Tài tử giai nhân là những người được cho là may mắn, họ có tất cả: nổi tiếng, giàu có, đẹp – và người bình thường như chúng ta khi nhìn vào những thứ hào nhoáng bề ngoài đó thì luôn cho rằng ắt hẳn cuộc sống của họ phải là hạnh phúc lắm. Nhưng không hẳn thế. Lâu lâu người ta vẫn thấy tin tức nói đến tài tử nọ tự đi tìm cái chết, hay tài tử kia vướng vào con đường nghiện ngập, có người đến thân tàn ma dại. Vậy thì tại sao trong đám người được cho là may mắn, có tất cả mọi thứ mà nhiều người hằng mơ ước đó vẫn có những người không tìm thấy hạnh phúc?

Một câu hỏi đã cũ nhưng lâu lâu vẫn được nêu lên để trắc nghiệm xem phản ứng của người đời như thế nào: Hạnh phúc là gì? Thường thì đại khái đa số đều có chung câu trả lời: Hạnh phúc là lạc thú mà cuộc sống mang lại.

Vậy, câu hỏi ngược lại: Không hạnh phúc là gì? Nếu chúng ta đã có sẵn khái niệm về định nghĩa của hạnh phúc, thì rất có thể trực giác của chúng ta sẽ cho ta biết ngay: không hạnh phúc đơn giản chỉ là sự đối nghịch với hạnh phúc; tựa như đen và trắng, bóng tối và ánh sáng – là những thứ không bao giờ đứng chung với nhau, luôn ở hai thái cực. Thực ra, câu trả lời như vậy không hẳn đúng. Lẽ tất nhiên, hạnh phúc và không hạnh phúc có sự liên hệ với nhau, nhưng cả hai không hẳn là hoàn toàn đối lập. Hơn thế, hạnh phúc và không hạnh phúc nhiều khi không khác nhau mấy nếu chúng ta lấy căn bản mức độ cảm xúc làm thước đo. Cảm xúc đôi khi chỉ cần thay đổi một chút thôi là có thể đặt người ta vào hai trạng thái vui (hạnh phúc) / buồn (không hạnh phúc) hoàn toàn khác nhau.

Một điểm nữa cũng cần nói thêm, là một người được hạnh phúc hơn bình thường không có nghĩa là người đó không thể không trở nên ít hạnh phúc hơn bình thường – nghĩa là trạng thái hạnh phúc hay không hạnh phúc chỉ có tính cách tương đối, bất định.

Nếu ta hỏi một người không hạnh phúc là tại sao anh ta không hạnh phúc, thường thì người đó đổ lỗi cho hoàn cảnh. Lẽ đương nhiên, trong nhiều trường hợp, câu trả lời đó đúng. Có những người mà cuộc đời gặp phải những nghiệt ngã hoặc vì nghèo hoặc vì bệnh tật làm cho cuộc sống của họ luôn là những thử thách. Trong nhiều nghiên cứu cho thấy có sự liên hệ giữa không hạnh phúc và cái nghèo. Một nguyên do khác làm cho người ta không hạnh phúc là sự cô đơn. Hiện có khoảng 20% người sống ở Mỹ nói rằng họ bị cô đơn giày vò và là nguyên nhân chính làm họ cảm thấy cuộc sống không hạnh phúc.

Hoàn cảnh hẳn đóng một vai trò quan trọng mang lại hạnh phúc cho cuộc sống của chúng ta. Vậy thì tại sao những người may mắn gặp hoàn cảnh thuận lợi, có cuộc sống sung túc và hơn nữa lại nổi tiếng là những tài tử giai nhân nhưng vẫn không tìm thấy hạnh phúc.

Trước hết, hãy nói đến sự nổi tiếng. Theo tác giả Arthur C. Brooks, là người sống và làm việc ngay tại thủ đô Washington, nơi mà những cuộc tranh giành chính trị diễn ra công khai và khốc liệt. Ông kể rằng, những người ít hạnh phúc nhất mà ông từng gặp lại là những người luôn coi trọng địa vị – từ những chính trị gia đến những người trong giới truyền thông – là những người luôn cố tạo điều kiện và không bao giờ bỏ lỡ cơ hội quảng cáo hình ảnh của họ, nhưng lại là những người lúc nào cũng tỏ ra chán chường.

Phải chăng đó là nghịch lý của sự nổi tiếng. Giống như rượu và thuốc cấm, một khi bị nghiện rồi thì người ta không thể sống mà không có nó. Nhưng đồng thời cũng không thể sống với nó. Có người mô tả sự nổi tiếng cũng giống như một con thú bị nhốt trong lồng hay một món đồ chơi trong tủ kính. Con thú trong lồng trông có vẻ hiền lành nhưng nếu thả ra có thể nó cắn lại người; món đồ chơi trong lồng kính trông thật đẹp nhưng chơi một lúc rồi thì lại chán. Khi đã là một người nổi tiếng, người ta không dễ gì từ bỏ nó.

Vì sao? Được người khác chú ý, được yêu mến, chiều chuộng, mỗi khi bước vào chỗ đông người thì được người khác xì xào về mình – đó là những thứ ai cũng muốn có.

Rồi những trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter mà hiện nay hầu như ai cũng có cho riêng mình một trang cá nhân. Chúng ta tung lên đó hình ảnh, tin tức về những sinh hoạt trong cuộc sống của chúng ta không chỉ cho bạn bè thân quen mà luôn cả cho những người lạ hoắc biết thật tường tận chi tiết. Đó là cách rất hữu hiệu và tiện lợi để giữ liên lạc với bạn bè, nhưng phần nào cũng là cách để đánh bóng tên tuổi của mình. Nhiều nghiên cứu cho thấy hoạt động của những trang mạng xã hội đó có thể làm cho chúng ta cảm thấy không hạnh phúc.

Có lẽ nhận định trên có phần đúng. Chúng ta đưa lên trang Facebook những gì? Phải chăng là những bức hình lúc ta đang la hét mắng chửi con cái, hay những lúc mặt mày bí xị vì vừa bị sếp xài xễ ở sở làm? Không, chúng ta chỉ đưa lên những bức hình đang tươi cười vui vẻ trong một chuyến đi chơi với bạn bè hay một chuyến nghỉ mát cùng gia đình. Nghĩa là ta đang tạo nên một cuộc sống giả dối – hay ít ra là một cuộc sống không hoàn toàn thật – và chia sẻ nó với mọi người. Hơn nữa, ta cũng đang nhìn ngắm những cuộc sống giả dối của những người bạn ảo trên mạng. Trừ phi ta hiểu rõ chuyện đó, còn không làm sao tránh khỏi cảm giác tệ hại là cứ phải mất thì giờ giả bộ làm như cuộc sống hạnh phúc vui vẻ hơn thật sự ngoài đời, trong khi lại phải chứng kiến những kẻ khác (cũng trên mạng) sống vui vẻ hạnh phúc hơn mình.

Để giảm bớt đi cái cảm giác không hạnh phúc đó, có người tìm sự khuây khỏa bằng tiền bạc và những thứ vật chất khác. Trường hợp này có hơi rắc rối. Có những bằng chứng cho thấy tiền bạc giúp làm giảm bớt đau khổ. Nhưng khi nguồn tiền cạn rồi, có ai dám chắc cuộc sống không trở lại nguyên trạng như trước hoặc xấu hơn.

Trong nhiều năm, các nhà tâm lý học đã thu thập dữ liệu từ những nghiên cứu về mối liên hệ giữa khát vọng và hạnh phúc trong cuộc sống. Bất kể là loại người nào và tuổi tác ra sao, kết quả của những cuộc nghiên cứu đều đi tới một kết luận chung: Những ai coi vật chất, chẳng hạn như cuộc sống sung túc, là ưu tiên hàng đầu thì người đó thường dễ rơi vào tình trạng lo lắng, chán nản hơn, và thậm chí mắc nhiều bệnh tật hơn so với những người coi trọng những giá trị tinh thần.

Vậy ta có thể nói tiền bạc và sự nổi tiếng không mang lại hạnh phúc cho cuộc sống.

Nhưng bản chất của con người là hay đi tìm sự sung túc, nổi tiếng và những lạc thú vật chất khác. Và chúng ta cho rằng những thứ đó sẽ giúp làm giảm sự khổ đau và mang lại hạnh phúc. Chúng ta cứ cố đi tìm những thứ ấy để lấp vào những khoảng trống nội tâm của chính mình. Có thể những thứ ấy mang lại sự thỏa mãn trong một thời gian ngắn, nhưng sẽ không bền lâu, và không bao giờ đủ. Và chúng ta đòi được thêm. Đó chính là cái vòng luẩn quẩn chúng ta vướng vào mà không thoát ra được. Như kinh Pháp Cú Dhammapada của nhà Phật nói đến tham, sân, si như là nguồn gốc của phiền não và bất hạnh. Muốn được hạnh phúc thì tâm phải sáng. Muốn tâm được sáng thì phải thoát ra khỏi ba thứ độc hại đó.

Những người ham vật chất và coi trọng cái vỏ bề ngoài được ví như những kẻ mộng du trong đời. Chân bước mà thật sự không biết mình đi đâu. Thế nên, để có được một cuộc đời đi đúng hướng thì phải tự đánh thức mình, tự đưa mình thoát ra khỏi cơn mộng ảo đó.

Nhiều nhà tâm lý khuyên rằng, nếu muốn có cuộc sống hạnh phúc thì hãy yêu thương tha nhân. Nói thì dễ nhưng làm rất khó. Nó đòi hỏi phải có lòng can đảm để từ bỏ tính kiêu căng tự phụ thì mới yêu được người khác – đó là những người thân trong gia đình, là bạn bè, đồng nghiệp, người quen biết, người lạ, và thậm chí ngay cả kẻ thù của mình. Để đạt được mục đích thì nên làm việc thiện nguyện. Các nhà tâm lý nói rằng không có gì làm cho ta cảm thấy được tự do và yêu đời cho bằng hiến tặng những thứ mình trân quý nhất cho người khác.

Huy Lâm

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.